Đường dẫn truy cập

Thơ và Bóng Đá


Thơ và Bóng Đá
Thơ và Bóng Đá

Tôi chẳng phải là một fan của bóng đá, dù “Fan ăn theo.” Suốt thời gian bóng đá, đá nổ tung màn ảnh tôi chắc chỉ ghé mắt độ một vài lần, khi bất chợt đến nhà một người thân nào đó, đi ngang cái TV nghe tiếng hét bật ra của những người đang ngồi xem. Trong gia đình Mỹ của tôi không có ai thực sự mê bóng đá một cách tích cực. Người Mỹ chưa có ai mê bóng đá từ thời ông nội, ông ngoại, như người Brazil, người Đức, Hòa Lan, Bồ Đào Nha, v.v.

Khi World Cup kết thúc, tiếng dội của những trái bóng không những còn đập trong lồng ngực của cầu thủ, của những người xem, mà nó còn tung ra lăn từng vòng, va vào các lồng ngực của nhà báo, nhà văn, đá tung thành chữ trên những trang giấy, trang mạng.

Có hai bài viết về bóng đá mà tôi thích, đó là bài “Qua rồi mùa World Cup” của Trần Doãn Nho (TDN) và bài “Xem World Cup, nghĩ về toàn cầu hóa” của Nguyễn Hưng Quốc (NHQ).

Tại sao hai bài này tôi cho là hay nhất trong những bài viết về bóng đá? Vì ở hai bài viết này tôi thấy bóng đá thực sự có một liên lạc rất mật thiết với thơ.

Chả….là vì tôi thích làm thơ.

Những đoạn văn viết về của bóng đá của hai nhà văn này tôi có thể dùng để viết về thơ được.

Thí dụ:

Có thể nói bóng đá là môn thể thao phổ biến nhất thế giới. Số người chơi bóng đá, từ chuyên nghiệp đến nghiệp dư, rất đông. Số người xem lại càng đông
. (NHQ)

Tôi có thể đọc lại câu viết này một cách rất lạc quan, như:

- Có thể nói thơ là môn thể thao (cho tinh thần) phổ biến nhất thế giới. Số người làm thơ, từ thứ thiệt, cho đến nghiệp dư, rất đông. Số người đọc thơ lại càng đông nữa.

Hoặc câu: Chao ôi, thế là xong rồi mùa World Cup! (TDN) làm tôi liên tưởng đến câu tôi hay kêu lên:

- Chao ôi, thế là xong một thời làm thơ!

Tôi bị lôi cuốn một cách vô thức vào quần chúng, vào đám đông. Tôi hò reo, bình luận, nghe ngóng, cá độ nồng nhiệt, say mê.
(TDN)

Tôi có thể đọc

- Tôi bị lôi cuốn “mê muội” vào thơ, vào thế giới thi ca. Tôi làm thơ, đọc thơ, nghe thơ, khen, chê nồng nhiệt, say mê.

Theo nhà tâm lý học Abraham Maslow, con người sinh ra vốn có khuynh hướng làm lực sĩ
(NHQ).

Câu này tôi thích đọc thành:

- Con người sinh ra vốn có khuynh hướng làm thi sĩ.

(Có thể cụ thể hơn: người Việt Nam sinh ra vốn có khuynh hướng làm thi sĩ hay có đầu óc thích thơ, ai cũng thuộc dăm ba câu ca dao, dăm ba câu thơ “khẩu hiệu” và đã biết bao các ông bác sĩ, dược sĩ về già bỗng rủ nhau xoay mình thành thi sĩ.)

Trong các môn thể thao, bóng đá nhanh chóng trở thành toàn cầu hóa nhờ một yếu tố căn bản: rẻ. (NHQ)

Ai cấm tôi viết:

- Trong các môn giải trí tinh thần, thơ nhanh chóng trở thành toàn cầu hóa nhờ yếu tố căn bản: miễn phí.

Chơi các môn thể thao khác cần có nhiều phương tiện hoặc điều kiện không phải ai cũng có, hoặc nơi nào cũng có. Với bóng đá, rất đơn giản: một quả bóng tròn. Không có bóng thì dùng loại trái cây gì đó. Không nữa thì lấy vải quấn lại. Không gian thì chỉ cần một bãi đất trống. (NHQ)

Đọc đoạn viết trên, tôi liên tưởng ngay đến việc làm thơ, tôi đọc lại:

- Chơi các môn giải trí khác cần có nhiều phương tiện hoặc điều kiện không phải ai cũng có, hoặc nơi nào cũng có. Với thơ, rất đơn giản, chữ: Trái bóng còn phải bỏ tiền ra mua, chứ chữ thì hoàn toàn vô giá: không phải mua.Với một mảnh giấy, một cái bút. Giấy gì cũng được, vừa xé ra ở cuốn vở, giấy gói bánh, hay mặt trong của cái bao thuốc lá và bút gì cũng được: bút chì, bút mực, tiện cái gì trong tầm tay thì dùng. Không gian, chỉ cần một mình một chỗ, bất cứ đâu: trên xe, trong bếp, ngoài sân, trên giường. Thời gian nữa chứ: sáng, trưa, chiều, tối, không cần phân biệt.

Có một đoạn viết về ngôn ngữ của hành vi đá trái bóng rất hấp dẫn như:

đan bóng, lừa bóng, cướp bóng, chêm bóng, châm bóng, khoan bóng, lật bóng, sút bóng, tạt bóng, nhồi bóng, giữ bóng, xỉa bóng, dẫn bóng, phá bóng, đi bóng, treo bóng…
(TDN)

Hấp dẫn đến nỗi tôi có thể thay tất cả những chữ “bóng” thành chữ “thơ”.

Bây giờ thử đọc:

- Đan thơ, lừa thơ, cướp thơ, chêm thơ, châm thơ, khoan thơ, lật thơ, sút thơ, tạt thơ, nhồi thơ, giữ thơ, xỉa thơ, dẫn thơ, phá thơ, đi thơ, treo thơ.

Nghe hay chứ! Những chữ như: lừa thơ, cướp thơ, sút thơ, nhồi thơ, xỉa thơ, v.v. Tôi nhường cho những thi sĩ muốn “đổi mới thơ”, phần còn lại cho tôi.

Suy đi, tính lại, những thi sĩ có khác gì những cầu thủ bóng đá. Một dòng thơ viết xuống cũng chẳng khác gì một đường banh đá đi. Cầu thủ dùng hết tài nghệ của mình để đá sao cho có một đường banh đẹp, trúng đích. Người làm thơ cũng dùng hết khả năng tinh hoa

của mình viết một câu thơ hay, đúng ý mình và thơm miệng người đọc. Chơi bóng đá hay làm thơ, cả hai việc này, đều cho mình và cả cho người, không giữ riêng tư được.

Bóng đá có tiếng hò cổ động hắt ra từ thanh quản của khán giả. Làm thơ có tiếng ngâm nga của độc giả yêu bài thơ, và cả tiếng... hầm hừ của nhà phê bình trên mặt giấy. Cầu thủ và thi sĩ đều bị mê hoặc giống nhau.

Bóng đá gần với thơ đến nỗi, có người viết: Hòa Lan gục ngã ở ngưỡng cửa thiên đường (theo TDN), thì trong thơ:

Trái banh đá vào trong nắng
Lăn mùa hạ một vòng tròn (thơ tmt)

Chỉ duy nhất một điều khác biệt giữa thơ và bóng đá: Thơ có nhiều trọng tài quá, đôi khi trọng tài là những người “thiên vị” hoặc ngay cả những người không biết gì về thơ cũng nhẩy ra làm trọng tài, đá bóng chỉ có một trọng tài, và nếu trọng tài này không có bản lãnh và thiên vị thì cả thế giới nhìn thấy ngay.

Ai nói tôi không theo dõi bóng đá, tôi không hò hét. Tôi xem theo cách của riêng tôi, tôi hò vô âm trong lồng ngực.

Mùa World Cup qua rồi, phải đợi bốn năm nữa cầu thủ mới ra sân, nhưng trong bốn năm cầu thủ vẫn lăn với banh trên những sân cỏ khắp nơi trên thế giới, và những fan vẫn để lòng ngóng đợi.

Thơ không có mùa, không có không gian, thời gian nào nhất định. Thi sĩ luôn luôn hiện hữu.

Trần Mộng Tú

8/2010

1.Qua rồi mùa World Cup-TranDoanNho-diendantheky.net 7/2010

2. Xem World Cup nghĩ về toàn cầu hóa-Blog NguyenHungQuoc-VOA

XS
SM
MD
LG