Đường dẫn truy cập

Thêm nhiều người bị bắt sau vụ bạo động ở Tân Cương


Cảnh sát Trung Quốc canh gác tại vùng Tân Cương.
Cảnh sát Trung Quốc canh gác tại vùng Tân Cương.
Một giới chức an ninh cấp cao của Trung Quốc cho hay có thêm nghi can bị bắt vì dính líu đến một vụ xung đột bạo động ở vùng Tân Cương miền Tây Trung Quốc khiến 21 người thiệt mạng. Danh tính của những nguời chết trong sự cố tuần trước đã được công bố hôm nay và một lễ truy điệu đã được tổ chức, nhưng không được biết nhiều về những kẻ đã tấn công. Trung Quốc nói vụ xung đột nằm trong khuôn khổ một cuộc tấn công khủng bố lớn. Thông tín viên VOA Bill Ide tại Bắc Kinh ghi nhận chi tiết trong bài tường thuật sau đây.

8 nghi can đã bị câu lưu tuần trước và nay Thứ trưởng Bộ Công an Mạnh Hồng Vĩ nói với đài truyền hình nhà nước CCTV rằng có thêm nhiều người đang bị thẩm vấn.

Tuy nhiên, không rõ chính xác có bao nhiều người đang bị nhà cầm quyền bắt giữ.

Ông Meng nói cuộc điều tra vụ này đang đạt được tiến bộ đáng kể và hầu hết các chi tiết đã rõ ràng, Ông nói một nhóm các phần tử khủng bố đã bị bắt giữ và các chất nổ tự chế, vũ khí và khẩu hiệu của Phong trào Hồi giáo Ðông Turkestan đã bị tịch thu.

​Các chính sách của Trung Quốc ở Tân Cương là nguồn gây bất mãn cho cư dân bản xứ Uighur, và một số người ủng hộ một nỗ lực thành lập một nhà nước độc lập của Ðông Turkestan ở Tân Cương. Người Uighur là một nhóm Hồi giáo gốc Thổ Nhĩ Kỳ đa số sống trong vùng Tân Cương.

Vụ xung đột bạo động tuần trước là vụ tệ hại nhất trong những năm gần đây, nhưng khác với những sự cố khác, đa số cá nhân thiệt mạng là thành viên của khối người thiểu số sắc tộc Uighur - cả những kẻ bị tố cáo lẫn nhà cầm quyền đều có mặt ở hiện trường.

Người Hồi giáo Uighur đi bộ bên ngoài nhà thờ Hồi giáo ở Kashgar, Tân Cương.
Người Hồi giáo Uighur đi bộ bên ngoài nhà thờ Hồi giáo ở Kashgar, Tân Cương.
Các cơ quan truyền thông nhà nước nói vụ việc xảy ra nhân một chuyến thăm nhà. Tuy nhiên, các nhóm Uighur ở nước ngoài nói công an đã châm ngòi cho sự cố trong một cuộc lục soát nhà bất hợp pháp.

Ông Ilham Tohti, một học giả người Uighur thuộc trường Ðại học Dân tộc Trung ương ở Bắc Kinh nói rằng tuy ông không chấp nhận bất cứ hành vi bạo lực nào, thì phiên bản chính thức của câu chuyện cũng khơi ra nhiều câu hỏi.

Ông Tohti nói không rõ lý do vì sao các giới chức lại đến nhà và hỏi có bao nhiêu thành viên của một gia đình là phần tử khủng bố, và tất cả mọi việc lại xảy ra trong nhà của họ. Ông nêu câu hỏi, phải chăng các giới chức có thể đã đến thăm một gia đình rồi xảy ra vụ xung đột.

Theo các cơ quan truyền thông chính thức, thì các giới chức đã đến thăm một gia đình. Nếu những người này không làm điều gì thì tại sao các giới chức lại vào nhà họ? Ðó là một vấn đề. Thứ nhì, các cơ quan truyền thông chính thức nói những người này thuộc cùng một gia đình, thì có thể các phần tử khủng bố lại đều là thành viên của một gia đình ở ngay trong nhà mình? Có thể có khả năng là các giới chức thực hiện cuộc thăm đến thăm nhà rồi mới xảy ra vụ xung đột.

Ông Barry Sautman thuộc trường Ðại học Khoa học Kỹ thuật Hong Kong nói rằng tuy không có cách nào để biết việc gì đã xảy ra cho đến lúc này, có thể là đã có một khả năng thứ ba nào đó.

Ông Sautman nghĩ rằng có rất nhiều vụ việc trên thế giới trong đó có những người thường bị gán cho là phần tử cực đoan sẵn sàng thực hiện các hành vi bạo lực, không phải theo quan điểm thế giới nào, mà đúng hơn là dưới hình thức xung đột địa phương hơn, một số va chạm với chính quyền điạ phương ở một mức độ nào đó. Do vậy mà rất có thể đã có một biện pháp nào được chính quyền địa phương thực hiện mà những người trong gia đình đó coi là mang tính cách khiêu khích đối với họ, và kết quả là đi đến bạo động.

Ngoài 6 kẻ bị cáo buộc là tấn công, 4 nữ cán sự cộng đồng Uighur và một số nam nhân viên công an và cán sự cộng đồng người Uighur đã chết trong vụ này.

Hai giới chức đảng Cộng sản Trung Quốc ở địa phương, trong đó có một trưởng ban tuyên truyền đảng ở địa phương, và ông Lưu Húc Lương, một bí thư đảng ủy, cũng nằm trong số người thiệt mạng.

Chị của ông Lưu, là bà Lưu Tài Linh, nói với đài truyền hình Phượng Hoàng ở Hong Kong rằng người em bà và những người khác đến căn nhà đã giúp ngăn chặn một vụ bạo động lớn sắp diễn ra vào ngày hôm sau, tức là ngày 24 tháng 4.

Ðài truyền hình nhà nước chiếu cảnh căn nhà ở Tân Cương nơi xảy ra vụ xung đột. Không còn mấy dấu tích của căn nhà, ngoại trừ có những bức tường và đống đổ nát.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG