Đường dẫn truy cập

Tham nhũng tăng ở VN, nhiều doanh nghiệp nhà nước bị điều tra


Chi nhánh ngân hàng Ocean Bank tại cao ốc Petro Vietnam ở Hà Nội (ngày 1/9/2017).
Chi nhánh ngân hàng Ocean Bank tại cao ốc Petro Vietnam ở Hà Nội (ngày 1/9/2017).

Bộ Công an Việt Nam tuần trước bắt đầu điều tra 3 công ty thuộc tập đoàn dầu khí quốc doanh PetroVietnam vì nghi vấn họ đã cố tuồn 5,2 triệu đôla khỏi OceanBank.

Cuộc điều tra các doanh nghiệp thuộc PetroVietnam là một phần trong một vụ lớn hơn liên quan đến OceanBank.

Tường thuật của báo chí nói hơn 50.000 người và 400 tổ chức đã hưởng lợi từ hoạt động mà bên công tố gọi là “các khoản thanh toán tiền lãi bất hợp pháp” trị giá 70,4 triệu đôla.

Từ năm 2010 đến năm 2014, các lãnh đạo ngân hàng OceanBank đã cho vay và đặt ra lãi suất huy động vượt quá giới hạn được nhà nước chấp thuận dành cho các khách hàng chủ chốt, bao gồm cả PetroVietnam, theo báo chí trong nước.

Vụ này, theo lời các nhà phân tích, cho thấy tình trạng tham nhũng lan tràn ở Việt Nam.

Nhóm vận động phi lợi nhuận Transparency International (Minh bạch Quốc tế) xếp hạng Việt Nam ở vị trí 113 trên 176 quốc gia và khu vực mà họ đánh giá vào năm 2016 về cảm nhận tham nhũng.

Hãng Gan Integrity chuyên tư vấn doanh nghiệp về tuân thủ luật pháp, có trụ sở ở New York, đánh giá nạn tham nhũng "rất phổ biến" ở Việt Nam. Họ nói các công ty có thể phải đối mặt với nạn hối lộ, can thiệp chính trị và "chi phí bôi trơn" trong các hầu hết các ngành nghề. Phát triển bất động sản và xây dựng là hai ngành đặc biệt có nhiều tham nhũng, hãng tư vấn cho hay.

Ông Nguyễn Trung, trưởng khoa quan hệ quốc tế thuộc trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Tp. Hồ Chí Minh, cho rằng lương không đủ sống đối với viên chức nhà nước là nguyên nhân lớn gây ra tham nhũng.

Các quy định phức tạp cũng buộc các công ty tìm cách đi tắt, là một nguyên nhân khác của tham nhũng.

Ông Trung nói những người có vốn đôi khi không muốn mở rộng kinh doanh để tránh phải hối lộ, đó là một phần lớn trong nền kinh tế ngầm.

Ông nói thêm, người Việt Nam cũng phải đối mặt với hối lộ khi họ đề nghị các cơ quan chính quyền cấp giấy tờ và nếu bị cảnh sát dừng xe khi đi đường, những điều này làm xói mòn lòng tin của công chúng đối với các dịch vụ công.

Ông nói: "Tôi nghĩ tình hình rất tệ. Tôi có rất nhiều bạn bè và họ không muốn mở các doanh nghiệp lớn tại Việt Nam vì họ nghĩ rằng họ sẽ phải đối phó với chính quyền và họ phải hối lộ người ta, và điều đó vi phạm các chuẩn mực đạo đức và nguyên tắc của họ".

Mối quan tâm của chính phủ tới vấn đề này đã ngày càng lớn hơn ở Việt Nam, với việc ban hành Luật chống tham nhũng năm 2005, Luật về mua sắm công năm 2009 và Chiến lược Quốc gia về Chống Tham nhũng, sẽ kéo dài đến năm 2020.

Gan Integrity cho biết án tù cho tội đưa, nhận hối lộ ở Việt Nam có từ mức phạt tiền đến án tử hình, nhưng việc thực thi còn lỏng lẻo.

Tổ chức Minh bạch Quốc tế nói họ thấy có ít thông tin công khai về kết quả của công cuộc chống tham nhũng.

Ông Trung nói: "Các nhà lãnh đạo hàng đầu của Việt Nam không đoàn kết trong việc ngăn chặn vấn đề. Tôi không nghĩ rằng họ có ý chí chính trị để chấm dứt tham nhũng".

VOA Express

XS
SM
MD
LG