Đường dẫn truy cập

Thái Lan: Biểu tình chống chính phủ được dự trù vào cuối tuần


Chính phủ Thái Lan đã gia tăng các biện pháp an ninh để bảo đảm là các cuộc biểu tình chống chính phủ được dự trù vào cuối tuần này sẽ diễn ra ôn hòa. Thông tín viên Ron Corben tường thuật cho đài VOA từ Bangkok rằng, chính phủ Thái Lan coi các cuộc biểu tình này là một trắc nghiệm cho nền dân chủ còn non yếu tại nước họ.

Nội các Thái Lan đã viện dẫn tới đạo luật an ninh đặc biệt để gia tăng quyền hạn của chính phủ trong việc kiểm soát đám đông, cho phép quân đội giúp sức cảnh sát trong việc kiềm chế các cuộc biểu tình chống chính phủ được dự trù tổ chức vào cuối tuần này tại thủ đô Bangkok.

Chính phủ cho biết, hơn 30 ngàn nhân viên cảnh sát và binh sĩ quân đội cùng với 40 ngàn đoàn viên của lực lượng dân phòng trong cộng đồng đều phải trực để đáp ứng các biện pháp an ninh được tăng cường này.

Mặt Trận Dân Chủ Thống Nhất Chống Độc Tài nói rằng mục đích của họ là làm tê liệt thủ đô Bangkok với hơn 500 ngàn người biểu tình đòi chính phủ từ chức và mở các cuộc bầu cử mới.

Tổ chức có tên là nhóm Áo Đỏ có liên hệ mật thiết với cựu Thủ Tướng Thaksin Shinawatra, người đã trốn ra nước ngoài để tránh bị xét xử năm 2008 về tội danh tham nhũng. Chính phủ cầm quyền được 5 năm của ông Thaksin đã bị lật đổ trong một cuộc đảo chánh của quân đội năm 2006.

Ông Thaksin bị Tòa Án Tối Cao Thái Lan xét thấy là có tội tham nhũng, lạm dụng chức quyền, và che dấu tài sản. Tòa án ra lệnh tịch thu 1, 4 tỉ đô la tài sản của ông Thaksin. Ông Thaksin vẫn khai là vô tội và nói rằng cáo trạng chống lại ông có động cơ chính trị.

Những người ủng hộ ông Thaksin tin rằng, Đảng Peua Thai đối lập sẽ thắng trong các cuộc bầu cử mới và sẽ mở đường cho ông trở lại nắm quyền.

Thủ Tướng Abhisit Vejjajiva đã nói với các giới chức an ninh rằng, chính phủ có đủ lực lượng để đối phó với những cuộc biểu tình, và nói thêm rằng, ông sẽ không tổ chức một cuộc tổng tuyển cử dưới áp lực của những người biểu tình.

Phát ngôn viên chính phủ, ông Panitan Wattanayagorn, nói rằng chính phủ này tin tưởng là có thể lèo lái, chống đỡ được những cuộc biểu tình vừa kể.

Ông nói: “Nhưng chúng tôi có thể thực hiện một cuộc thay đổi chính phủ qua các phương tiện ôn hòa , qua một hệ thống dân chủ và một hệ thống quốc hội. Nhưng chúng tôi cần giải quyết một số vấn đề quan trọng trước khi có thể tổ chức một cuộc bầu cử mới.”

Ông Panitan nói rằng, những cuộc biểu tình này sẽ là một trắc nghiệm quan trọng đối với nền dân chủ còn non yếu của Thái Lan:

“Với các biện pháp từng bước một, có hệ thống, chúng tôi sẽ dồn hết khả năng để ổn định tình hình, Tôi nghĩ rằng chúng tôi có thể chứng tỏ với nhân dân Thái, xã hội Thái, và cộng đồng quốc tế rằng chúng tôi đã chuyển đổi xã hội thành một xã hội mới, nơi những cuộc biểu tình, những ý kiến khác biệt, dù có đầy xúc cảm hay không, cũng có thể xử lý, có thể giải quyết một cách ổn thỏa.”

Ông cho biết, phần lớn các nhân viên an ninh sẽ không mang võ khí, và chỉ sử dụng võ lực ở mức tồi thiểu để duy trì trật tự.

Người ta dự kiến đây sẽ là cuộc biểu tình lớn nhất kể từ Tháng Tư năm 2009 khi hằng ngàn người ủng hộ ông Thaksin chặn đường sá ở thủ đô Bangkok và sau đó đã khiến phải hủy bỏ một hội nghị thượng đỉnh quan trọng của lãnh đạo các nước trong vùng, sau khi những người biểu tình tràn vào hội trường. Chính phủ Thái Lan đã phải cho áp dụng tình trạng khẩn cấp và sau ba ngày mới vãn hồi được trật tự.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG