Đường dẫn truy cập

Thái Lan đối mặt với đòi hỏi cải cách chính trị


Người biểu tình chống chính phủ tuần hành tại thủ đô Bangkok, ngày 15/1/2014.
Người biểu tình chống chính phủ tuần hành tại thủ đô Bangkok, ngày 15/1/2014.
Những đòi hỏi cải cách có tính chất mơ hồ đã được nêu lên trong những vụ phản kháng chính trị ở Thái Lan trong thời gian qua. Các nhà kinh tế học cũng cho rằng sự tăng trưởng trong tương lai của vương quốc này tùy thuộc vào việc thông qua những cải cách đáng kể trong lãnh vực chính trị, nhưng cả đảng đương quyền lẫn phe đối lập có phần chắc sẽ không thực thi những thay đổi đó. Từ Bangkok, thông tín viên Ron Corben của đài VOA có bài tường thuật sau đây.

Thái Lan đã phát triển khá tốt về kinh tế trong những thập niên qua phần lớn là nhờ vào các chính sách tự do mậu dịch và những hoạt động đầu tư của nước ngoài, sử dụng lực lượng lao động giá rẻ của nước này để sản xuất các mặt hàng xuất khẩu.

Năm 1988, hơn 40% dân số Thái Lan sinh sống dưới mức nghèo túng, nhưng đến năm 2101, con số này đã hạ thấp tới mức chưa đầy 8%.

Sự phát triển này đã mang lại những thay đổi rất lớn về mặt chính trị tại vùng nông thôn của Thái Lan, vì những cử tri giàu có hơn đã tham gia nhiều hơn vào sinh hoạt chính trị quốc gia. Đảng Pheu Thai đương quyền đã dựa vào xu thế này để giành được một loạt các chiến thắng lớn tại phòng phiếu. Đối thủ của họ, những người thuộc Đảng Dân chủ, với sự ủng hộ của các cử tri ở Bangkok và miền nam Thái Lan, tiếp tục bị mất đi sự ủng hộ của dân chúng.

Ông Pasuk Pongpaichit, giáo sư kinh tế học của Đại học Chulalongkorn, là đồng tác giả của một bản phúc trình mới của Hội Á châu về kinh tế Thái Lan. Ông cho biết như sau về sự bất đồng ý kiến của hai phe ở Thái Lan.

"Ở miền bắc và trong vùng đông bắc và những khu vực khác, các cuộc tổng tuyển cử và tiến trình dân chủ hóa đã mang lại thêm tiền thuế địa phương của họ, cho nên họ muốn tiếp tục với hệ thống bầu cử mỗi người một lá phiếu. Trong khi đó, những người ở Bangkok thi nói rằng “chúng tôi không muốn một chính phủ phát xuất từ hệ thống mỗi người một lá phiếu, chúng tôi muốn có một hệ thống thay thể để chúng tôi có quyền đại diện lớn hơn. Và đó chính là một phần một vấn đề lớn hiện nay."

Sự chia rẽ thành thị-nông thôn thường được dùng để giải thích tình trạng phân hóa chính trị ở Thái Lan. Nhưng các nhà kinh tế nói rằng bên cạnh đó cũng có một hố ngăn cách về thu nhập không hề có dấu hiệu được thu hẹp, bất chấp sự tăng trưởng ngoạn mục của nền kinh tế.

Giáo sư Pasuk cho rằng sự bất bình đẳng này tạo ra nhiều vấn đề cho tương lai của Thái Lan.

"Vấn đề chính ở đây là đất nước chúng tôi là một xã hội mà sự bất bình đẳng ở mức khá cao và những người ở tầng chóp bu lâu nay đã quen với việc thâu tóm mọi thứ lợi ích từ các khoản chi tiêu và các chính sách của chính phủ. Điều đó tạo ra một phản ứng khi nền dân chủ bắt đầu hoạt động. Bản phúc trình của tôi chỉ là một nỗ lực nhằm tìm hiểu về vấn đề bất bình đẳng kinh tế đã dẫn tới bất bình đẳng trong những lãnh vực khác như thế nào. Vấn đề này có thể tác động tiêu cực tới tăng trưởng kinh tế, đặc biệt là đối với phẩm chất giáo dục và vấn đề tiền lương."

Đảng đương quyền Thái Lan bị chỉ trích dữ dội vì một chương trình thu lúa gạo với giá cao từ tay nông dân, làm chính phủ tiêu hao nhiều tỉ đô la.
Đảng đương quyền Thái Lan bị chỉ trích dữ dội vì một chương trình thu lúa gạo với giá cao từ tay nông dân, làm chính phủ tiêu hao nhiều tỉ đô la.
Đảng đương quyền ở Thái Lan đã bị chỉ trích một cách dữ dội vì một chương trình thu mua lúa gạo với giá cao từ tay nông dân, làm cho chính phủ tiêu hao nhiều tỉ đô la. Nhưng hầu hết các ngân khoản của chính phủ vẫn được sử dụng ở thủ đô.

Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới, Bangkok chiếm 26% GDP của Thái Lan nhưng nhận hơn 70% chi tiêu của chính phủ.

Kinh tế gia trưởng của Quỹ Á Châu, bà Veronique Salze-Lozac’h, nói rằng Thái Lan cần phải tiến hành cải cách chính trị mới có thể phi tập trung hóa quyền lực và sử dụng công quỹ một cách khôn khéo hơn vào những nhu cầu cốt lõi như giáo dục.

"Những biện pháp cải cách kinh tế cần phải thực hiện là những biện pháp đã được biết khá rõ. Nhưng nó không xảy ra chủ yếu là vì những sự cản trở trên phương diện chính trị. Vấn đề thật sự là làm thế nào để hội nhập những tác nhân khác nhau của nền kinh tế vào tiến trình làm ra quyết định."

Kể từ khi những cuộc phản kháng ở Thái Lan bắt đầu hồi gần đây, nhiều phe nhóm khác nhau, trong đó có Thủ tướng Yingluck Shinawatra, đã đề nghị những biện pháp cải cách. Một số đề nghị, như làm cho chính phủ hoạt động minh bạch hơn và bài trừ tệ nạn mua phiếu, dường như có được sự ủng hộ mạnh mẽ của dân chúng.

Nhưng kinh tế gia Adam Burke cho rằng những biện pháp cải cách có tính chất cơ cấu, sâu rộng hơn, như phi tập trung hóa quyền lực và dành thêm quyền tự trị cho chính quyền địa phương, đã gặp phải sự kháng cự của cả đảng đương quyền lẫn các đối thủ của họ. Những người này tiếp tục nằm dưới sự khống chế của một số người giàu có.

Ông Burke cho biết ảnh hưởng của những nhóm này tiếp tục được cảm nhận trong những vụ xuống đường hiện nay ở Bangkok.

"Tình hình bị phân cực một cách kịch liệt thành hai nhóm bảo kê, với một số rất nhỏ những thành phần ưu tú nắm quyền kiểm soát ở cả hai phía. Và mặc dù vào thời điểm này không bên nào mong muốn hay có xu hướng tiến tới bạo động, nhưng điều đó có thể thay đổi một cách nhanh chóng và sự việc có thể xuống cấp, có thể suy sụp rất đỗi nhanh chóng."

Các chuyên gia kinh tế cho rằng bất kể vụ bế tắc chính trị hiện nay ở Thái Lan được giải quyết bằng cách nào đi nữa thì việc cải tổ cơ cấu quyền lực trong nền chính trị chính đảng ở Thái Lan vẫn là chìa khóa để có được một quốc gia thịnh vượng hơn và có một chính phủ bao gồm nhiều thành phần và xu hướng chính trị hơn.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG