Đường dẫn truy cập

Luật lệ Thái Lan bị lợi dụng cho các mục tiêu chính trị


Bà Chiranuch Premchaiporn, chủ biên trang web Prachatai, bị truy tố vì đã không nhanh chóng gỡ bỏ những lời phê bình trên trang web của bà mà nhà chức trách cho là xúc phạm tới Hoàng gia
Bà Chiranuch Premchaiporn, chủ biên trang web Prachatai, bị truy tố vì đã không nhanh chóng gỡ bỏ những lời phê bình trên trang web của bà mà nhà chức trách cho là xúc phạm tới Hoàng gia

Các nhà hoạt động nhân quyền ở Thái Lan đã lên tiếng chỉ trích những luật lệ được ban hành để bảo vệ hoàng gia và tệ nạn kiểm duyệt internet. Theo tường thuật do thông tín viên Daniel Schearf của đài chúng tôi gởi về từ Bangkok, những lời chỉ trích được đưa ra sau khi một người điều hành một trang web chống chính phủ bị tuyên án tù 13 năm. Những người này nói rằng các luật lệ đó bị lợi dụng cho các mục tiêu chính trị và bóp nghẹt những tiếng nói bất đồng.

Các nhà hoạt động nhân quyền ở Thái Lan đã bày tỏ lo ngại sau khi một người điều hành một trang web chống chính phủ bị tuyên án 13 năm tù hồi đầu tuần này. Một tòa án Thái Lan đã tuyên cho ông Thanthawut Taweewarodomkul 10 năm tù về tội xúc phạm hoàng gia và 3 năm tù về tội vi phạm luật lệ về máy vi tính.

Luật lệ về tội khi quân ở Thái Lan, có mục đích bảo vệ cho Hoàng gia được dân chúng sùng kính, nằm trong số những luật khi quân nghiêm khắc nhất thế giới và những người vi phạm có thể phải lãnh án 15 năm tù.

Mọi người ai nấy cũng đều có quyền nêu lên những tố cáo về tội khi quân và cảnh sát có bổn phận phải điều tra, mặc dù các chi tiết về hành vi bị cho là phạm tội hiếm khi được công khai vì những người nhắc lại hành vi đó hoặc ấn hành những thông tin về hành vi đó cũng có thể bị truy tố.

Chuyên viên về Thái Lan của Hội Ân xá Quốc tế, ông Benjamin Zawacki nói rằng luật này của Thái Lan không phù hợp với Công ước Quốc tế về các Quyền Chính trị và Dân sự mà họ đã ký kết và phê chuẩn.

Ông Zawacki nói: "Ngoài sự kiện là chính bản thân của luật về tội khi quân có vấn đề, luật này còn bị lợi dụng và sử dụng sai trái bởi cả hai bên của lằn ranh chính trị để phục vụ cho những mục tiêu chính trị."

Ông Thanthawut bị bắt hồi năm ngoái vì cho đăng các bài viết và hình ảnh trên trang web của ông trong lúc xảy ra những vụ xuống đường qui mô lớn để chống chính phủ của những người thường được gọi là phe Aùo Đỏ. Những người này đã chiếm các khu vực ở thành phố Bangkok trong nhiều tuần lễ để đòi chính phủ tổ chức các cuộc bầu cử trước hạn kỳ.

Chính phủ ra lệnh cho quân đội dùng vũ lực để chấm dứt vụ biểu tình, làm bùng ra những vụ xung đột gây tử vong cho 90 người, phần lớn là thường dân.

Trang web của ông Thanthawut ủng hộ những người biểu tình.

Luật sư nhân quyền Somchai Homlaor, Tổng thư ký của Quỹ Nhân quyền và Phát triển Thái Lan, nói rằng ông Thanthawut bị nhắm làm mục tiêu đàn áp.

Ông Somchai nói: "Hiện nay có nhiều người có thể bị xem là phạm tội, dựa theo luật về tội khi quân. Nhưng chỉ có một số vụ mà nhà cầm quyền quyết định truy tố. Những người bị truy tố phần lớn là những người chống đối chính phủ."

Ông Somchai nói rằng số người bị tố cáo lăng nhục hoàng gia đã gia tăng song song với sự chia rẽ ngày càng lớn về chính trị ở Thái Lan.

Vấn đề này cũng trở nên nhạy cảm hơn vì Quốc vương Bhumipol Adulyadej, 85 tuổi, đã phải nằm bệnh viện từ năm 2009. Quốc vương Bhumipol này là vị vua trị vì lâu nhất thế giới và là một sức mạnh tạo nên sự đoàn kết ở Thái Lan.

Giới hữu trách Thái Lan nhất mực nói rằng những luật lệ này là cần thiết để bảo vệ hoàng gia.

Ông Thanthawut cũng bị tuyên án tù dựa theo Luật về tội phạm máy vi tính, được dùng để truy tố những tội có liên quan tới computer như tin tặc và phát tán mã độc. Tuy nhiên, đạo luật ban hành năm 2007 này cũng hình sự hóa việc dùng computer để phổ biến những thông tin bị cho là đe dọa tới an ninh quốc gia.

Ông Zawacki của Hội Ân xá Quốc tế nói rằng định nghĩa mơ hồ và phạm vi áp dụng quá rộng của luật này hạn chế quyền tự do ngôn luận.

Ông Zawacki nhận xét: "Nói một cách tổng quát, luật này ảnh hưởng tới việc dân chúng ở đây cảm thấy họ có thể nói ra những gì. Bởi vì trong hầu hết các trường hợp người dân không biết rõ là những gì mà họ nói có thể khiến họ phạm tội hay không. Và vì thế, dân chúng thường quyết định là phải họ thận trọng và hầu như không nói điều gì cả. Lập luận được nêu ra ở đây là tình trạng đó là mục tiêu tối hậu của luật này – đó là hạn chế quyền tự do diễn đạt và làm cho dân chúng hoàn toàn không nói tới một số đề tài."

Một người điều hành một trang web khác cũng đang đối mặt với những cáo trạng tương tự và các tổ chức nhân quyền nói rằng đây là một phần của nạn kiểm duyệt internet đang trên đà gia tăng. Bà Chiranuch Premchaiporn, chủ biên của trang mạng tin tức độc lập Prachatai, bị truy tố vì đã không nhanh chóng gỡ bỏ những lời phê bình trên trang web của bà mà nhà chức trách cho là xúc phạm tới hoàng gia.

Phiên xử bà Chiranuch sẽ được mở lại vào tháng 9 và bà phải đối mặt với án tù mấy mươi năm nếu bị tòa xét là có tội.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG