Đường dẫn truy cập

Thái Lan đe dọa trục xuất một triệu công nhân di trú bất hợp pháp.


Công nhân di trú Miến Điện vừa rời thuyền đánh cá tại khu chợ hải sản trong thị trấn Mahachai của Thái Lan
Công nhân di trú Miến Điện vừa rời thuyền đánh cá tại khu chợ hải sản trong thị trấn Mahachai của Thái Lan
Thái Lan đe dọa trục xuất hơn một triệu công nhân di trú bất hợp pháp, hầu hết là từ Miến Điện, nếu họ không làm đủ hồ sơ cần thiết trước hạn chót là ngày 14 tháng 12. Các tổ chức nhân quyền nói rằng tiến trình xác nhận quốc tịch lẽ ra có mục đích bảo vệ pháp lý, thì lại bị lợi dụng bởi các giới chức tham nhũng, những kẻ môi giới, và các chủ nhân để bóc lột thêm các di dân.

Giới hữu trách Thái chịu trách nhiệm về việc quy định lao động di trú đã đẩy lùi các kỳ hạn chót trước cho các công nhân nước ngoài trở thành hợp pháp.

Nhưng sở tuyển mộ công nhân tại Bộ Lao Động vẫn giữ đúng kỳ nạn chót vào ngày thứ Sáu 13 tháng 12, nếu kỳ hạn này được thi hành thì sẽ có một triệu công nhân di trú hay hơn nữa bị trục xuất.

Bà Jackie Pollock giám đốc Chương trình Trợ giúp Di dân có trụ sở ở Thái Lan. Bà nói rằng việc tăng mức lương tối thiểu của Thái Lan bắt đầu vào tháng Giêng, tới khoảng 10 đôla một ngày chắc sẽ làm thái độ của giới hữu trách cứng rắn hơn. Bà nói:

“Tôi nghĩ rằng họ không muốn khuyến khích di dân tới Thái Lan để có lương tối thiểu. Vì thế tôi nghĩ rằng họ sợ là sẽ có một đợt sóng mới các công nhân di trú đổ vào Thái Lan bởi vì lương tối thiểu cao hơn nhiều so với bất cứ nơi nào tại Miến Điện. Do đó tôi nghĩ rằng họ sẽ tìm cách làm ra vẻ chặt chẽ và nghiêm ngặt trong vấn đề này và để gây áp lực bắt di dân trở về nước làm hồ sơ và nhập cảnh trở lại nước này một cách hợp pháp.”

Theo ước tính có khoảng hai triệu rưỡi công nhân di trú tại Thái Lan. Khoảng 80% là từ Miến Điện, bởi vì chi phí đắt đỏ, tham nhũng, và biên giới không được kiểm soát chặt chẽ, hầu hết mọi người trong số họ không có hồ sơ.

Họ làm việc trong các nhà máy, các vườn cây trái, đánh cá, và xây dựng, nhưng quy chế bất hợp pháp của họ khiến họ dễ bị lợi dụng bởi các chủ nhân vô liêm sỉ, các cảnh sát viên, và các giới chức tham nhũng.

Thái Lan đã tìm cách điều chỉnh tình hình của những di dân này bằng cách làm việc với các nước láng giềng về một chương trình kiểm tra quốc tịch, nhờ đó họ có được hộ chiếu tạm thời để có thể gia hạn giấy phép làm việc.

Cho tới nay, có khoảng 900.000 người tham gia chương trình này. Nhưng khoảng 350.000 người vẫn còn chờ đợi hồ sơ của họ, trong khi hơn một triệu người hoặc không muốn, hoặc không thể , và không bao giờ bắt đầu thực hiện.

Những người hoạt động bênh vực quyền các công nhân di trú nói rằng, chương trình này có ý định tốt nhưng hoạch định kém đã biến nó thành một âm mưu tham nhũng có hệ thống.

Ông Andy Hall là một chuyên viên di dân tại Trung tâm Di trú của Trường Đại Học Mahidol. Ông nói rằng những người trung gian lấy 600 đô la hay hơn để làm hồ sơ, chi phí này bằng nhiều tháng lương của công nhân. Ông nói:

“Như vậy, mặc dầu các di dân trở thành hợp pháp qua tiến trình này, chi phí trở thành quá đắt. Và, điều chúng ta đã thấy là một sự chuyển đổi từ tham nhũng không chính thức bởi các cảnh sát viên sang những người đang chi phối các công nhân, các giới chức di trú, và các giới chức lao động những người lấy tiền từ công nhân. Chúng ta đã thấy sự chuyển đổi từ đó sang hệ thống trung gian bất hợp pháp. Những trung gian này chịu trách nhiệm về tiến trình xác nhận quốc tịch, cấp hộ chiếu, giờ đây kiếm tiền qua các di dân bị lợi dụng qua những phương tiện này.”

Ông Hall nói rằng nhiều công nhân di trú bị buộc phải mượn tiền từ các chủ nhân, khiến họ mắc nợ, bị nô lệ thành lao động khổ sai.

Chương trình này cũng đòi hỏi công nhân di trú phải được sự trợ giúp của các chủ nhân, mà ông Hall nói là một số chỉ muốn khước từ để giữ những công nhân không được ghi danh, bất hợp pháp và dễ bị bóc lột. Ông nói tiếp:

“Có quá nhiều chủ nhân tại Thái Lan không muốn công nhân của họ được có qui chế, không muốn công nhân của họ được cấp hộ chiếu, bởi vì hộ chiếu đem lại tự tin, đem lại tự do di chuyển, đem lại sự uyển chuyển cho công nhân và một quy chế nhân đạo cho công nhân mà họ chưa hề có trước đây.”

Mặc dầu những lạm dụng này, có những lợi ích cụ thể từ việc xác nhận quốc tịch cho công nhân di trú hoàn tất tiến trình này.

Các công nhân có hồ sơ sẽ có điều kiện tốt hơn để tiếp nhận giáo dục, chăm sóc sức khỏe và sự mềm dẻo để sống bên ngoài nơi làm việc.

Tuy nhiên, bà Pollock nói rằng trong một cuộc thăm dò điều kiện tại nơi làm việc của Chương trình Trợ giúp Di dân mới đây, mặc dầu có hồ sơ, điều kiện đó vẫn không được cải thiện. Bà nói:

“Trong số 500 công nhân mà chúng tôi phỏng vấn, chỉ có 30% công nhân có hồ sơ nói rằng có thiết bị phòng cháy chữa cháy tại nhà máy của họ và không có ai được huấn luyện về việc phải làm gì khi có đám cháy.”

Bà Pollock nói rằng, những địa điểm xây dựng có công nhân di trú làm việc dễ nhận biết bởi vì không giống như các công nhân Thái, công nhân di trú không có nón bảo hiểm hay giầy thích hợp và làm việc với các dàn giáo ọp ẹp không vững chắc.

Lần mới nhất mà Thái Lan toan trục xuất đông đảo các công nhân di trú là trong cuộc khủng hoảng tài chánh hồi thập niên 1990. Nhưng, việc ghi danh lại các công nhân di trú đã tái tục mau chóng sau khi có phàn nàn của các chủ nhân Thái Lan.

Bà Pollock nói rằng sẽ là một sự ngạc nhiên nếu nhà chức trách thật sự áp dụng lời đe dọa của họ lần này. Bà nói, Thái Lan cần công nhân di trú và việc xác nhận quốc tịch là một tiến trình chậm chạp. Bà nói:

“Việc này tối thiểu phải mất ba tuần lễ và nếu có hằng trăm ngàn công nhân di trú làm việc đó thì rõ ràng là phải mất nhiều tháng. Như vậy trong khoảng thời gian đó, các nhà máy sẽ phải đóng cửa, trái cây trong vườn không có người hái, cá ngoài biển không có ai đánh bắt. Và như vậy sẽ là một tai họa cho nền kinh tế Thái Lan.”

Nhà chức trách Thái Lan nói rằng, nếu cần, họ có thể dựa vào những thỏa thuận trực tiếp giữa các chính phủ để bảo đảm có các công nhân di trú.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG