Đường dẫn truy cập

Thái Lan: Biểu tình đòi dân chủ nhắm vào Vua Rama X


Quốc vương Thái Lan Maha Vajiralongkorn và Hoàng hậu Suthida vẫy tay chào sau lễ mừng sinh nhật của Hoàng Thái hậu Sirikit ở Bangkok, ngày 12/8/2020.
Quốc vương Thái Lan Maha Vajiralongkorn và Hoàng hậu Suthida vẫy tay chào sau lễ mừng sinh nhật của Hoàng Thái hậu Sirikit ở Bangkok, ngày 12/8/2020.

Sinh viên Thái Lan đã tổ chức biểu tình hầu như hàng ngày trong suốt một tháng qua, nhưng cuộc biểu tình hôm Chủ nhật 16/8, là một trong các cuộc biểu tình chống chính phủ rầm rộ nhất kể từ khi Thủ tướng Prayuth Chan-ocha lên nắm quyền sau cuộc đảo chính năm 2014.

Ông Prayuth Chan-ocha mới tái đắc cử hồi năm ngoái trong các điều kiện nhằm bảo đảm ông duy trì được vị thế quyền lực. Phe đối lập cáo buộc đây là một cuộc bầu cử gian lận, gây nhiều tranh cãi và phẫn nộ trong công chúng.

Tờ Dominion trích lời một nữ sinh 15 tuổi tham gia biểu tình, xin giấu tên vì sợ bị trả thù và đã trốn cha mẹ đi biểu tình, nói:

“Tôi muốn một nền dân chủ. Ngay lúc này, dưới quyền cai trị của quân đội, đất nước chúng tôi không được cải tiến. Rất nhiều người trẻ bị bắt giữ, bị đe dọa chỉ vì nói lên ý kiến của mình. Chúng tôi muốn nhà độc tài (Thủ Tướng Prayuth Chan-o cha) phải ra đi”!

Trong tuần này, lần đầu tiên giới sinh viên nhắm vào nền quân chủ, nêu lên sự can thiệp của hoàng gia vào các vấn đề chính trị, và tài sản kếch sù của Quốc vương Vaijiralongkorn, cũng như ảnh hưởng của ông đối với tập đoàn quân nhân nắm quyền cai trị tại Thái Lan.

“Chúng tôi muốn cải cách nền quân chủ Thái Lan, tương tự như ở Anh, nơi mà gia đình hoàng gia không can thiệp trực tiếp vào các vấn đề chính trị,” cô Panusaya Sithijirawattanakul, sinh viên năm thứ 3 của Đại học Thammasat, một lãnh đạo biểu tình, nói trong một cuộc phỏng vấn với tờ Dominion.

“Thái Lan có thể thành công và trở thành một quốc gia phát triển, nếu đất nước này không bị chôn chân trong các truyền thống xưa cũ đang cản trở tiến bộ.”

Theo luật hiện hành ở Thái Lan, lời phát biểu đó có thể đưa cô vào tù tới 15 năm. Thái Lan là nước có luật gắt gao nhất chống bất cứ ai chỉ trích nhà vua hoặc hoàng gia.

Trong cuộc biểu tình vào chiều tối Chủ nhật, tia laser chiếu bên hông Tượng đài Dân chủ đặt một câu hỏi vẫn bị cấm kỵ:

“Tại sao chúng ta cần một ông vua?”

Sinh viên giơ 3 ngón tay chào kiểu trong phim Hunger Games, biểu tượng của phong trào chống đảo chính trong cuộc biểu tình ở Đại học Thammasat gần Bangkok ngày 10/8/2020. Reuters
Sinh viên giơ 3 ngón tay chào kiểu trong phim Hunger Games, biểu tượng của phong trào chống đảo chính trong cuộc biểu tình ở Đại học Thammasat gần Bangkok ngày 10/8/2020. Reuters


Báo The Age của Úc tường trình rằng cuộc biểu tình kéo dài 8 tiếng có sự tham gia của ít nhất 10.000 người, đa số là sinh viên, luật sư và các nhà hoạt động. Họ chất vấn chế độ độc tài của Thái Lan và kêu gọi chính phủ từ nhiệm.

Họ đòi một hiến pháp mới, giải tán quốc hội và bảo vệ nhân quyền vào lúc mà nhiều người chỉ trích quân đội và nền quân chủ bị ‘sát hại hay mất tích’.

Bất chấp đã bị chính quyền cấm bàn về chế độ quân chủ, luật sư nhân quyền trẻ tuổi Arnon Nampa đã bước lên sân khấu và lần thứ 3 trong tháng này, phát biểu về đề tài nhạy cảm thường chỉ được nói sau những cánh cửa đóng kín.

Luật sư Arnon nhắc tới “ước mơ lớn nhất là được thấy hoàng gia đồng hành với xã hội Thái Lan, thay vì ngự trị trên xã hội, không hề bị giới hạn bởi luật pháp hay hiến pháp”.

Anh nói: “Nhà chức trách bảo chúng ta hãy thôi mơ ước, tôi xin tuyên bố ở đây rằng chúng ta sẽ tiếp tục ước mơ.”

Hôm 10/8 một cuộc biểu tình khác tại Đại học Thammasat đã đưa ra một tuyên ngôn 10 điểm để cải cách Thái Lan, nhằm bảo đảm một nền quân chủ lập hiến, đặt nhà vua dưới Hiến pháp.

Trong khi đó, một cuộc tuần hành ủng hộ nền quân chủ chỉ thu hút được có 60 người, theo báo Bangkok Post.

Luật phạm thượng

Mặc dù Thái Lan đã chuyển từ một chế độ quân chủ chuyên chế sang thành một chế độ quân chủ lập hiến trong cuộc cách mạng không đổ máu năm 1932, nhưng hoàng gia Thái Lan vẫn duy trì nhiều quyền hạn rộng rãi, và nắm một vai trò quan trọng trong lĩnh vực kinh tế và văn hóa.

Theo luật cấm phạm thượng hiện hành ở Thái Lan, xúc phạm hoặc phỉ báng hoàng gia có thể bị phạt án tù, từ 3 tới 15 năm. Những người phê bình tố cáo chính quyền là ngày càng dùng luật này như một ‘công cụ chính trị’.

Trong một phiên họp nội các hôm thứ Ba tuần trước, Thủ Tướng Prayuth Chan-ocha cảnh báo các sinh viên biểu tình có thể đã phạm luật, và cần điều tra xem ai là người tài trợ và khích động biểu tình.

Một cuộc biểu tình như thế là điều không thể tưởng tượng được dưới triều Quốc vương Bhumibol Adulyadej, cha của Vua Vajiralongkorn, một vị vua được thần dân yêu kính đã ngự trị trên ngai vàng Thái Lan trong suốt 70 năm. Ông được coi như một vị cha già, giúp ổn định đất nước qua nhiều thăng trầm, xáo trộn chính trị, và luôn cố gắng cải thiện đời sống của thần dân. Vua Bhumibol nắm trong tay quyền lực tuyệt đối, nhất là về mặt tinh thần, cho phép ông đứng lên trên chính trị, Nhờ đó nhà vua có thể dẹp một cuộc đảo chính chỉ bằng một lời nói, các tướng lãnh đã phải quỳ lạy vâng phục.

Nhưng vua Vajiralongkorn không có những đức tính của vua cha và không được thừa kế uy tín của cha, mà ngược lại là một nhân vật có nhiều tai tiếng.

Vua Varijalongkorn là ai?

Quốc vương Vajiralongkorn lên ngôi năm 2016 sau khi vua Bhumibol băng hà, lễ đăng quang được cử hành sau thời kỳ để tang 3 năm, vào tháng Năm năm 2019.

Lễ đăng quang ngày 4/5/2019 của Quốc vương Thái Lan Maha Vajiralongkorn tại Cung điện Hoàng gia ở Bangkok.
Lễ đăng quang ngày 4/5/2019 của Quốc vương Thái Lan Maha Vajiralongkorn tại Cung điện Hoàng gia ở Bangkok.



Ra đời ngày 28/7/1952, ông là con trai duy nhất và là con thứ nhì của Quốc vương Bhumibol Adulyadej và Hoàng hậu Sirikit. Năm lên 20 tuổi, ông chính thức được vua cha phong làm Hoàng Thái tử.

Lễ đăng quang cử hành trọng thể từ ngày 4-6/5/2019, nhưng chính phủ Thái Lan điều chỉnh ngày lên ngôi là ngày vua Bhumibol băng hà, 13/10/2016. Trở thành vị vua thứ 10 của triều đại Chakri, ông lấy hiệu là Rama X.

Từ thuở bé thái tử đã được gửi sang Anh du học. Tốt nghiệp trung học vào tháng 7/1970, ông được gửi sang Úc để dự khóa huấn luyện quân sự 5 tuần ở The King’s School ở Sydney. Năm 1972, ông ghi danh tại Trường Quân sự Hoàng gia Duntroon ở Canberra. Chương trình học gồm 2 phần: huấn luyện quân sự, và song song là chương trình cử nhân văn chương tại Đại học NSW. Ông tốt nghiệp khóa huấn luyện quân sự với bằng cử nhân Văn chương.

Năm 1982, ông lấy thêm bằng cử nhân luật.

Quân đội

Sau khi hoàn tất học vấn, Thái tử Vajiralongkorn phục vụ trong Quân đội Hoàng gia Thái Lan. Ông từng trải qua nhiều khoa huấn luyện với quân lực Hoa Kỳ, Anh và Úc.

Quốc vương Thái Lan giữ danh vị Lãnh đạo tối cao của các lực lượng vũ trang, và mặc nhiên mang cấp bậc Thống chế Hải Lục Không quân khi đăng quang.

Ngoài ra, ông Vajiralongkorn còn có bằng lái máy bay chiến đấu F-5, F-16 và máy bay Boeing 737-400.

Đời tư

Đời tư của Vua Varijalongkorn là một đề tài vô cùng nhạy cảm vì luật cấm phạm thượng gắt gao của Thái Lan. Luật này nghiêm cấm mọi chỉ trích, châm biếm đối với nhà vua, hoàng hậu, thái tử, gia đình hoàng gia, còn sống hay quá cố, và ngay cả các ‘thú cưng hoàng gia’.

Mặc dù vậy trong vòng riêng tư, đời tư của Thái tử và sau này, Vua Vajiralongkorn là đề tài đàm tiếu. Tin đồn về cuộc sống xa hoa với nhiều chuyện tình gay cấn, vẫn được truyền miệng ở Thái Lan và trên báo chí nước ngoài.

Truyền thông Tây phương cũng bị chi phối bởi luật cấm phỉ báng hoàng gia. Phóng viên Shawn Crispin và Rodney Tasker của tạp chí Far Eastern Economic Review (FEER) bị thu hồi visa vì đề cập tới những liên hệ làm ăn của Thái tử với Thủ Tướng lúc bấy giờ là Thaksin Shinawatra.

Năm 2002, tạp chí The Economist bị cấm phát hành ở Thái Lan chỉ vì bài báo đánh giá Thái tử Vajiralongkorn là không thể nào sánh với vua cha, và rằng Thái tử ‘không được yêu kính như Vua Bhumibol’.

Một bài báo khác của The Economist viết Thái tử Vajiralongkorn bị nhiều người ‘vừa ghét vừa sợ’, ‘tính khí bất thường tới lập dị’ trong khi báo Asia Sentinel nói ông được coi là ‘bất nhất, không có khả năng để lên trị vì’.

Trong một công hàm ngoại giao bị Wikileaks tiết lộ, một quan chức ngoại giao cấp cao của Singapore nói ông Vajiralongkorn ham mê cờ bạc.

Là vua Thái Lan, nhưng phần lớn thời gian ông vẫn sống ở Đức.

Một số nhà hoạt động và học giả nói nhiều người trong công chúng coi ông là một ông vua ‘vắng mặt’, phần lớn cư ngụ ở nước ngoài, và có một cuộc sống xa hoa hưởng thụ.

Thời chưa lên ngôi, Vajiralongkorn phong hàm chó cưng của ông tên Foo-Foo, làm Thượng tướng Không quân. Năm 2009, một đoạn video được tung ra trên Wikileaks chiếu cảnh Thái tử Vajiralongkorn và Công chúa Srirasmi Suwadee ăn mặc không mấy kín đáo, được người hầu phục vụ khi ăn mừng sinh nhật ‘Thượng tướng Foo-Foo’. Một đoạn trong video này đã được chiếu trong chương trình “Foreign Correspondent” của Hệ thống truyền thông ABC của Úc trong một bộ phim tài liệu 30 phút về hoàng gia Thái Lan.

Gia đạo

Vua Vajiralongkorn có ít nhất 4 vợ, chưa kể vợ bé.

Người vợ đầu tiên là Công nương Soamsawali Kitiyakara (sinh 1957). Họ có một con gái sinh năm 1978.

Thái tử Vajiralongkorn sống chung với nữ diễn viên Yuvadhida Polpraserth và có 5 người con với bà. Bất chấp sự chống đối của Hoàng hậu Sirikit, đám cưới được cử hành tại cung điện hoàng gia vào tháng 2/1994, với sự đồng lòng của Vua cha và Hoàng Thái Hậu.

Nhưng chỉ 2 năm sau đám cưới, Công nương Yuvadhida mang tất cả con cái chạy sang Anh, Thái tử Vajiralongkorn ra lệnh cho người hầu dán bố cáo khắp dinh thự nơi ông cư ngụ, tố cáo Công nương về tội ngoại tình. Sau cùng, ông bắt cóc được cô con gái duy nhất mang về Thái Lan phong chức công chúa, nhưng ông từ bỏ tất cả 4 hoàng tử ở lại với mẹ, và tước hết huy hiệu của cả mẹ lẫn con. Bà Sujarinee và các con trai sau này di dân sang Hoa Kỳ.

Thái tử Vajiralongkorn lập gia đình lần thứ 3 vào năm 2001 với một thường dân, bà Srirasmi Suwadee, nhưng không công bố cho công chúng biết cho tới đầu năm 2005, khi bà hạ sinh một con trai, Hoàng tử Dipangkorn Rasmijoti, bà được phong tước hiệu Công nương. Hai vợ chồng hoàng gia ly dị vào năm 2014.

Ba ngày trước lễ đăng quang vào tháng 5/2019, Vajiralongkorn làm lễ thành hôn với bà Suthida Tidjai, bà nghiễm nhiên trở thành Hoàng hậu Thái Lan.

Ảnh không rõ ngày chụp tải lên trang mạng của Hoàng gia hôm 26/8/2019 chụp ảnh Vua Maha Vajiralongkorn với thứ phi, Trung Tướng Sineenatra Wongvajirabhakdi.
Ảnh không rõ ngày chụp tải lên trang mạng của Hoàng gia hôm 26/8/2019 chụp ảnh Vua Maha Vajiralongkorn với thứ phi, Trung Tướng Sineenatra Wongvajirabhakdi.


Hai tháng sau, ngày 28/7/2019, ông chính thức trao tước hiệu cho vợ thứ, Trung tướng Sineenat Wongvajirapakdi. Đây là lần đầu tiên trong gần 1 thế kỷ, một phụ nữ được chính thức công nhận là thứ phi của vua Thái Lan. Nhưng chỉ 3 tháng sau, Hoàng gia tước bỏ mọi tước hiệu của thứ phi Sineenat, viện lẽ bà bất kính với Hoàng hậu Suthida và bất trung với Vua.

Vua Rama X lên ngôi nhưng lòng dân bất an

Từ khi lên ngôi, Vua Maha Vajiralongkorn lấy hiệu Rama X, đã có những bước để củng cố quyền hành và cương vị nguyên thủ quốc gia.

Vua đòi nắm quyền chỉ huy trực tiếp một số đơn vị quân đội, phê chuẩn các sửa đổi luật pháp cho phép ông sở hữu toàn bộ tài sản của Hoàng gia, kể cả Ngân hàng Thương mại Siam, và Siam Cement tổng trị giá khoảng 6,7 tỉ USD, theo trang web của các công ty này và các tính toán của Bloomberg.

Dân chúng, vốn đã bất mãn vì chế độ quân phiệt chuyên chế, lại càng bất bình vì vua không đứng trên chính trị mà dường như ngả hẳn về tập đoàn quân phiệt cai trị Thái Lan sau cuộc đảo chính.

Báo Melbourne Age dẫn lời Paul Handley, người viết tiểu sử Vua Bhumibol, nói rằng nỗi bất mãn âm ỉ từ lâu, đặc biệt trong giới trẻ, gần đây đã leo thang để trở thành ‘phong trào chống đối ngai vàng mạnh mẽ nhất từ khi chế độ quân chủ chuyến chế kết thúc vào năm 1932’.

Trong khi đó, Vua Vajiralongkorn phần lớn thời gian vần tiếp tục sinh sống ở Đức.

Dưới triều Vua Bhumibol, đại đa số dân chúng Thái Lan ủng hộ nền quân chủ. Ngay cả những người không thích chế độ quân chủ, cũng coi đây là một định chế và chấp nhận nó. Nhưng thời thế nay đã khác.

Ông Handley nói:

“Những người chống đối bây giờ trực tiếp chỉ trích hoàng gia. Họ ghét bỏ vua Vajiralongkorn và các quan chức hậu thuẫn nhà vua.”

Nhà hoạt động dân chủ Nuttaa Mahattana nói với báo New York Times:

“Có rất nhiều chia rẽ chính trị ở trong nước, nhưng bây giờ rất nhiều người chúng tôi đoàn kết trong việc chất vấn tính chính đáng của chính quyền hiện nay.

Lãnh đạo sinh viên Parit Chiwarak bị bắt giữ hồi gần đây về nhiều tội danh, kể cả tội xúi giục nổi loạn. Sau khi được cho tại ngoại hầu tra hôm thứ Bảy 16/8, anh tuyên bố sẽ tiếp tục phản đối chính quyền.

Anh viết trên trang Facebook:

“Chúng tôi không chỉ đấu tranh chống chế độ độc tài quân phiệt, mà còn đấu tranh để giải quyết các vấn đề với hoàng gia.”

Ông Handley nói phong trào chống đối đã lan rộng tới mức chính phủ khó có thể ngăn chặn bằng cách tống giam một vài người.

“Không mấy ai thích vua Vajiralongkorn. Nhưng làm sao thay đổi vai trò của nhà vua, có nên truất phế ông?

Cuộc biểu tình do nhiều nhóm sinh viên học sinh lãnh đạo hôm Chủ nhật 16/8, thu hút ước lượng 10.000 người, đám đông hô to “đả đảo nhà nước độc tài”, đòi Thủ Tướng Prayuth Chan-ocha từ chức, chấm dứt các hành động sách nhiễu và sửa đổi hiến pháp.

Các cuộc biểu tình đã diễn ra gần như mỗi ngày trong tháng qua, đối với một thành phần tham gia biểu tình, giờ tập trung vào lời kêu gọi hãy từ bỏ chế độ quân chủ, một định chế từ lâu được coi là “bất khả xâm phạm”, hoặc ít ra hạn chế các quyền hạn của nhà vua, và đòi chính quyền quân nhân của Thủ Tướng Prayuth Chan-ocha từ nhiệm.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG