Đường dẫn truy cập

Sudan mở trưng cầu dân ý ở Darfur dù có quan ngại của Mỹ


Tổng thống Sudan Omar Hassan al-Bashir phát biểu tại cuộc mít tinh ở Đông Darfur, ngày 5/4/2016.
Tổng thống Sudan Omar Hassan al-Bashir phát biểu tại cuộc mít tinh ở Đông Darfur, ngày 5/4/2016.

Một cuộc trưng cầu dân ý kéo dài 3 ngày cho vùng Darfur của Sudan bắt đầu vào ngày 11 tháng 4 dù có những quan ngại của Hoa Kỳ là việc này không tin tưởng được và có thể phá hoại tiến trình hòa bình hiện nay. Thông tín viên James Butty của đài VOA gửi về bài tường thuật.

Cuộc đầu phiếu sẽ quyết định xem vùng này vẫn giữ 5 tiểu bang hay sẽ tái thống nhất như một thực thể duy nhất với một chính quyền bán tự trị.

Những người bị ly tán

Có khoảng 3 triệu người vẫn còn phải tản cư vì cuộc xung đột tại Darfur.

Trong một tuyên bố, Bộ Ngoại giao Mỹ nói "mất an ninh tại Darfur và việc ghi danh đi bầu không thuận lợi tại Darfur của những người tản cư trong nước hiện đang cư ngụ tại các trại tị nạn làm cho họ không được tham dự đầy đủ vào cuộc trưng cầu dân ý."

Tuy nhiên Bộ trưởng Thông tin Sudan Ahmed Bilal nói cuộc trưng cầu dân ý được tổ chức vào lúc Darfur đang có hòa bình. Ông nói Sudan đang cố gắng hoàn thành những cam kết theo thỏa thuận hòa bình Doha được ký vào năm 2011 giữa chính phủ Sudan và phe nổi dậy thuộc Phong Trào Giải phóng và Công lý.

Bộ trưởng Bilal phát biểu như sau trong cuộc phỏng vấn dành cho đài VOA: "Mọi người đều biết rằng đây là một cam kết chính trị của chính phủ chúng tôi về hiệp ước hòa bình Doha, và hiện nay mọi việc đều sẵn sàng để đảm bảo cho cuộc trưng cầu dân ý này được tiến hành trong 3 ngày."

Những người ủng hộ Tổng thống Sudan biểu diễn tại một cuộc mít tinh ở Zalingei, Darfur, ngày 3/4/2016.
Những người ủng hộ Tổng thống Sudan biểu diễn tại một cuộc mít tinh ở Zalingei, Darfur, ngày 3/4/2016.

Một số điều khoản của thỏa thuận Doha bao gồm việc ngưng tất cả những hành động thù nghịch và một cuộc ngưng bắn lâu dài, bảo vệ nhân quyền và tự do cho những tổ chức dân sự, và chia sẻ quyền hành và qui chế hành chánh của Darfur, và chia sẻ sự giàu có.

Thỏa thuận nói tình trạng hành chánh vĩnh viễn của Darfur sẽ được quyết định bằng một cuộc trưng cầu dân ý.

Hoa Kỳ chỉ trích những điều kiện tại Darfur

Trong tuyên bố được đưa ra vào cuối tuần qua, Bộ Ngoại giao Mỹ nói "hòa bình lâu dài tại Sudan chỉ có thể đạt được qua một tiến trình chính trị giải quyết những nguyên nhân chính yếu của cuộc xung đột Darfur, đảm bảo việc ngưng chỉ lâu dài những hành động thù nghịch, và tạo nên khung cảnh cho việc tham dự có ý nghĩa của những tổ chức tại Darfur và toàn thể người dân Sudan trong một cuộc đối thoại thực sự và toàn diện."

Bộ trưởng Bilal nói người dân Darfur phấn khởi về cuộc trưng cầu dân ý và chính phủ của Tổng thống Omar al-Bashir cam kết thi hành những điều khoản của thỏa thuận Darfur.

Bộ trưởng Bilal nói: "Trên thực tế, hiện nay Darfur hoàn toàn có hòa bình. Darfur hiện ở trong tình trạng tốt đẹp hơn bao giờ hết. Chúng tôi dự trù ghi danh đi bầu cho khoảng 2 triệu rưỡi người nhưng lại có 3 triệu rưỡi người ghi tên tham dự cuộc trưng cầu dân ý. Người dân ở đây sẵn sàng và nhiệt tâm tham gia cuộc trưng cầu dân ý này."

Ông nói Sudan đã giữ lời hứa và đã tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý đưa đến việc Nam Sudan được độc lập.

Có khoảng 3 triệu người vẫn còn phải tản cư vì cuộc xung đột tại Darfur. (Ảnh tư liệu)
Có khoảng 3 triệu người vẫn còn phải tản cư vì cuộc xung đột tại Darfur. (Ảnh tư liệu)

Những đòi hỏi của phe nổi dậy

Bộ trưởng Bilal nói phe nổi dậy Darfur luôn luôn đưa ra những đòi hỏi vô lý. Ông Cho biết: "Họ luôn luôn nói là mọi việc chúng tôi làm phải ngưng lại cho tới họ đến Darfur, nhưng cuộc sống không thể ngưng lại để chờ họ tới."

Các cuộc giao tranh gần đây nhất tại Dar-fur xảy ra vào ngày 9 tháng 1 năm nay, khi một nhóm không rõ tung tích tấn công làng Mouli rồi tẩu thoát.

Trong vòng hai tuần qua, Liên hiệp quốc cho biết có khoảng 19.000 người tản cư đến Bắc Darfur và 15.000 người khác đến Trung Darfur. Trong số 34.000 người tản cư có nhiều phụ nữ và trẻ em.

Tuy nhiên, ông Bilal nói nhiều người tản cư đã ghi danh đi bầu. Ông nói rằng nhiều người đã gặp Tổng thống Omar al-Bashir trong chuyến viếng thăm của ông đến vùng này trong tuần qua. Ông cho biết Darfur đang có hòa bình và "không có nơi nào bị phe nổi dậy chiếm giữ."

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG