Đường dẫn truy cập

Nam Triều Tiên: Thủ đoạn chính trị trì hoãn việc thông qua FTA với Mỹ


Biểu tình ủng hộ hiệp định thương mại tự do (FTA) Mỹ-Hàn tại Seoul, ngày 1/11/2011
Biểu tình ủng hộ hiệp định thương mại tự do (FTA) Mỹ-Hàn tại Seoul, ngày 1/11/2011

Đe dọa sẽ nổ ra ẩu đả giữa các nhà lập pháp Nam Triều Tiên đang gây trì hoãn cho việc thông qua một hiệp ước thương mại trọng yếu với Hoa Kỳ. Từ Seoul, thông tín viên Steve Herman của đài VOA gởi về bài tường trình sau đây.

Ngày thứ Hai liên tiếp, các chính trị gia đối lập tiếp tục ngăn không cho các đồng sự thuộc đảng đương quyền vào phòng họp của quốc hội. Hành động này ngăn cản không cho một ủy ban đệ trình lên toàn thể Quốc hội Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) Mỹ-Hàn.

Nếu được đệ trình, hiệp định này chắc chắn sẽ được thông qua vì Đảng Đại Quốc đương quyền đang chiếm thế đa số, và họ ủng hộ hiệp ước này. Nhưng nhiều nhà lập pháp thuộc Đảng Dân chủ, vốn đã ủng hộ hiệp định này hồi 4 năm trước, nay lại phản đối. Trong số này có cựu Bộ trưởng Bộ Thống nhất Chung Dong-young.

Ông Chung nói rằng ông không tranh đấu cho Đảng Dân chủ, mà tranh đấu cho tương lai của người dân Triều Tiên.

Điều duy nhất mà hình như hai bên đều đồng ý là sẽ xảy ra những vụ ẩu đả giữa các nhà lập pháp nếu đảng đương quyền tìm cách xúc tiến thủ tục phê chuẩn hiệp định này. Ngày hôm qua, thứ Hai, Đảng Dân chủ đã bác bỏ một thỏa hiệp với Đảng Đại Quốc và bắt đầu chặn cửa văn phòng ủy ban. Họ muốn loại bỏ một điều khoản cho phép các nhà đầu tư Mỹ được nộp đơn cho một tổ chức trọng tài để kiện các công ty Nam Triều Tiên.

Một điều khoản tương tự cũng có trong các hiệp định thương mại giữa Nam Triều Tiên với Liên hiệp châu Âu, Chile và Singapore.

Quốc hội Hoa Kỳ đã phê chuẩn hiệp định này ngày 12 tháng 10. Thỏa thuận này được điều đình lần đầu tiên vào năm 2007 khi các chính quyền tiền nhiệm vẫn đang nắm quyền ở Washington và Seoul.

Bộ trưởng Tài chánh Bahk Jae-wan nói việc thông qua hiệp định này là vô cùng cần thiết, bởi vì nó sẽ giúp thúc đẩy nền kinh tế đang trì trệ của Nam Triều Tiên.

Ông Bahk nói rằng chính phủ đã tuyên bố sẽ sẵn sàng một loạt biện pháp đầy đủ để hỗ trợ cho những ai tại Nam Triều Tiên bị thiệt hại bởi hiệp ước này. Ông nói rằng đã đến lúc phải hành động nhanh chóng và tiến tới với việc thông qua hiệp ước. Sau khi được quốc hội ở cả Washington và Seoul phê chuẩn, hiệp ước sẽ có hiệu lực sau 60 ngày. Nếu Nam Triều Tiên không phê chuẩn hiệp ước trong tuần này thì có nghĩa là thỏa thuận này sẽ không có hiệu lực thực thi vào ngày 1 tháng Giêng năm tới như đã dự liệu.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG