Đường dẫn truy cập

Quốc gia ‘tai tiếng’ nhân quyền chủ trì hội thảo nhân quyền quốc tế


Nhóm quan tâm đến các luật sư nhân quyền Trung Quốc biểu tình chống lại sự đàn áp của chính phủ Trung Quốc đối với các luật sư nhân quyền
Nhóm quan tâm đến các luật sư nhân quyền Trung Quốc biểu tình chống lại sự đàn áp của chính phủ Trung Quốc đối với các luật sư nhân quyền

‘Hội thảo Nhân quyền Nam-Nam’ khai mạc tại Bắc Kinh ngày 7/12, quy tụ khoảng 300 thành viên tham dự từ hơn 50 quốc gia chủ yếu là các nước đang phát triển.

“Đây là đáp án của Trung Quốc trước câu hỏi rằng xã hội loài người đang tiến về đâu, và trình bày các cơ hội cho việc phát triển nhân quyền,” Ngoại trưởng Vương Nghị phát biểu tại lễ khai mạc.

Tham dự hội thảo chủ yếu là giới chức chính phủ, các nhà ngoại giao, và các học giả cùng với đại diện từ Liên hiệp quốc, Liên đoàn Ả Rập, Liên hiệp Châu Phi, Ngân hàng Thế giới và Tổ chức Y tế Thế giới. Tuy nhiên, sự kiện này thiếu sự góp mặt của đại diện các tổ chức phi chính phủ hoạt động trong lĩnh vực bảo vệ quyền dân sự và quyền chính trị như Ân xá Quốc tế, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, hay Phóng viên Không biên giới.

Trung Quốc lâu nay khước từ các khái niệm truyền thống về nhân quyền được định nghĩa trong Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền và hiến pháp Tây phương.

Bắc Kinh tái định nghĩa quan niệm nhân quyền theo hướng các quyền về phát triển, dinh dưỡng, sức khỏe, nhà ở, xóa đói giảm nghèo; và các diễn giả tại hội thảo giữ phát biểu của họ trong đúng ‘khuôn thước’ đó.

Ông Saad Alfaragi, báo cáo viên đặc biệt của Liên hiệp quốc về quyền phát triển lưu ý rằng trên toàn cầu hiện có 800 triệu người còn sống trong cảnh đói nghèo.

“Hợp tác Nam-Nam có nhiều cơ hội cho sự hợp tác phát triển,” ông Alfaragi nhấn mạnh trong bài phát biểu.

Hội thảo diễn ra giữa bối cảnh nhà cầm quyền Trung Quốc đang tiến hành chiến dịch trấn áp nặng tay nhất trong nhiều thập niên nhắm vào giới hoạt động và bất đồng chính kiến, khơi dậy chỉ trích từ các nước phương Tây.

Nhà nghiên cứu về Trung Quốc trong tổ chức Ân xá Quốc tế, William Nee, nói “Tự do ngôn luận, tự do tôn giáo, tự do báo chí, tất cả những quyền này bị giới hạn nghiêm ngặt tại Trung Quốc trong những năm gần đây.”

Trong vài tuần nay, thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc cũng bị chỉ trích vì các vụ truy quét hàng chục ngàn lao động nhập cư từ nông thôn lên thành thị mưu sinh. Nhà chức trách viện lý do an toàn phòng cháy chữa cháy sau vụ hỏa hoạn khiến 19 người chết. Tuy nhiên, nỗ lực này gây chú ý về sự bất công đối với một hệ thống có quyền kiểm soát nơi ăn chốn ở của người dân cũng như khước từ không cho lao động nhập cư từ nông thôn Trung Quốc được có nhà, được đi học, được trợ cấp y tế như các cư dân sinh sống trong những đô thị phồn hoa.

Mức độ phát triển tùy thuộc vào cách các nước ưu tiên nhân quyền tới đâu, ông Brantly Womack, chuyên gia nghiên cứu về chính trị Trung Quốc tại Đại học Virginia, Mỹ, nhấn mạnh.

Dù Trung Quốc hiện là nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới, nhưng tiêu chuẩn sống của đa số dân chúng vẫn còn thấp và hàng triệu dân Trung Quốc vẫn còn phải ngụp lặn trong đói nghèo.

Theo AP

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG