Đường dẫn truy cập

Quan hệ kinh tế Việt-Mỹ, 23 năm sau


Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo (trái) hội kiến Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh tại Bộ Ngoại giao ở Hà Nội, ngày 9 tháng 7, 2018.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo (trái) hội kiến Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh tại Bộ Ngoại giao ở Hà Nội, ngày 9 tháng 7, 2018.

Hai mươi ba năm về trước vào ngày 11/7/1995, Tổng thống Mỹ Bill Clinton loan báo Hoa Kỳ và Việt Nam đã bình thường hóa và thiết lập bang giao với nhau. Một tháng sau, hai nước cựu thù nâng các văn phòng liên lạc đã thiết lập từ tháng Giêng năm 1995 lên cấp sứ quán. Hai năm sau, năm 1997, cựu Dân biểu “Pete” Peterson, một cựu tù binh chiến tranh của Việt Nam, trở thành Đại sứ Mỹ đầu tiên tại Việt Nam thời hậu chiến. Hai nước cựu thù từng chiến đấu sống mái với nhau trong chiến tranh Việt Nam về phần lớn đã bỏ lại quá khứ sau lưng. Ngày nay, Việt Nam được giới phân tích đánh giá là một trong các quốc gia thân Mỹ nhất tại Đông Nam Á. Các cuộc thăm dò mới nhất cho thấy có đến 84% người dân Việt Nam có cái nhìn thiện cảm đối với Hoa Kỳ. Theo đà cải thiện quan hệ song phương, các quan hệ kinh tế cũng khởi sắc hơn xưa. Cách đây vài ngày, trong chuyến đi thăm Việt Nam, Bộ trưởng Ngoại giao Mike Pompeo đã gặp gỡ cộng đồng doanh nhân Việt Nam tại khách sạn Sofitel ở Hà nội. Tuy nhiên các quan hệ kinh tế giữa hai quốc gia vẫn vấp phải một số hạn chế khiến cho hai bên chưa thực hiện được đầy đủ tiềm năng trong mối quan hệ song phương. Đúng vào ngày kỷ niệm 23 năm bình thường hóa bang giao giữa hai nước, ông Nguyễn Cao Trí, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc của tập đoàn Capella, Capella Holdings, một đơn vị đầu tư đa ngành tại Việt Nam, dành cho VOA-Việt ngữ cuộc phỏng vấn sau đây.

please wait

No media source currently available

0:00 0:04:39 0:00
Tải xuống

VOA: Thưa ông, vào năm 1995 Hoa Kỳ và Việt Nam bình thường hóa quan hệ và chính thức thiết lập bang giao với nhau, xin ông đánh giá các quan hệ thương mại Việt-Mỹ, 23 năm sau?

Ông Nguyễn Cao Trí (phải), Chủ Tịch kiêm Tổng Giám Đốc tập đoàn Capella Holdings - Việt Nam
Ông Nguyễn Cao Trí (phải), Chủ Tịch kiêm Tổng Giám Đốc tập đoàn Capella Holdings - Việt Nam

Ông Nguyễn Cao Trí: “Kể từ ngày Việt Nam với Mỹ bang giao thương mại và ngoại giao trên nhiều mặt thì thật ra đến giờ đối với các doanh nhân và doanh nghiệp Việt Nam thì luôn luôn xem Mỹ là những đối tác rất là tin cậy, và là một trong những đầu mối mà khi chúng tôi - trong những quan hệ làm ăn và đầu tư - thì thông thường chúng tôi có ưu tiên lựa chọn những nhà đầu tư từ phía Mỹ. Nếu từ phía Mỹ mà có những vấn đề trục trặc thì lần lượt chúng tôi sẽ tìm đến những nhà đầu tư khác, bởi vì Mỹ có một cái thương hiệu về đầu tư và thương mại rất tốt ở Việt Nam. Nhiều người ở Việt Nam rất là tin tưởng vào chất lượng, các sản phẩm, dịch vụ cũng như các đối tác ở Mỹ, đặc biệt là trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam với vấn đề Biển Đông và một số dấu số khác thì người ta lại càng cảm thấy các đối tác Mỹ là rất quan trọng.”

VOA: Ngoài những mặt tích cực, có thể thấy một số mặt tiêu cực, một số vấn đề cần khắc phục trong bang giao thương mại Mỹ-Việt, sau 23 năm?

Ông Nguyễn Cao Trí: “Đương nhiên là với những đối tác như Mỹ thì cũng có những hạn chế, tức là cái độ thích ứng, cái linh hoạt thì nó kém hơn những đối tác khác trong khu vực Châu Á như Nhật Bản, Hàn quốc hoặc Hong Kong, ví dụ như vậy. Có những dự án mà chúng tôi cho rằng Mỹ thì có tiềm lực rất là tốt nhưng mà cách tiếp cận của phía Mỹ…có thể họ là một đối tác thương mại lớn thì họ luôn luôn có những chính sách cẩn trọng, và cái cách tiếp cận thì nó không được linh hoạt cho lắm. Chẳng hạn như một số lãnh vực về hạ tầng, hoặc là những lĩnh vực về công nghệ cao ở Việt Nam thì tiềm năng ở Mỹ rất là lớn, nhưng mà thực tế các dự án triển khai ở Việt Nam thì cũng còn thấp so với tiềm lực của Mỹ.”

VOA: Theo ông thì làm thế nào để khắc phục những khó khăn đó?

Ông Nguyễn Cao Trí: “Chúng tôi thì nghĩ rằng những năm gần đây thì đã có cải thiện rất là nhiều, trên cơ sở là sự tin tưởng và quan hệ cấp đối tác chiến lược giữa 2 quốc gia. Những bộ ngành ở Mỹ thì cũng có độ cọ sát và có cái thường xuyên tiếp xúc với thị trường Việt Nam, đặc biệt là thông qua cấp đại sứ và lãnh sự quán Mỹ cũng như Phòng thương mại, công nghiệp của Mỹ, các bộ Nông nghiệp… Còn về giáo dục thì tôi thấy có những vấn đề cải tiến rất là nhanh. Nhưng mà bên cạnh đó thì có lẽ một số chính sách còn triển khai chậm. Ngoài ra tăng cường nhiều hơn những đầu mối Mỹ tại thị trường Việt Nam, đặc biệt là tại hai thành phố lớn, tp HCM và Hà nội, không có gì nhanh bằng là ở đây cảm nhận được cái thị trường là có thông tin thì thúc đẩy những đối tác làm cầu nối cho các doanh nghiệp Việt Nam và Mỹ, thì tôi nghĩ rằng đó là những giải pháp mang tính kỹ thuật tức là nếu cảm thấy thị trường Việt Nam tốt. Việt Nam thì luôn luôn ưa chuộng thị trường đầu tư với Mỹ, mà Mỹ thì có những nghiệp vụ cụ thể thì hiện nay thấy nó cũng còn mỏng, tức là so với tiềm năng hai bên thì cần phải triển khai nhiều đầu mối hơn ở Việt Nam thì thương mại, dịch vụ và đầu tư nó sẽ tốt hơn.”

VOA: Theo sự quan sát của ông thì có mm thay đổi nào trong chính sách của Mỹ đối với Việt Nam từ khi Tổng thống Trump lên nhậm chức?

Ông Nguyễn Cao Trí: “Một số điều có thể cảm nhận được thì các doanh nghiệp Việt Nam họ cảm thấy rằng ông Trump vốn là một doanh nhân thì ông ấy có vẻ là thực tế hơn, không có hoa mỹ nhiều nhưng mà những điều mà ông ấy nói hoặc những điều mà ông thực hiện, những chính sách của ông ấy thì thay đổi rất nhanh. Có những cái chúng ta cũng rất là bất ngờ, chẳng hạn như nói thì làm liền. Những đời tổng thống Mỹ trước thì giữa nói với làm với thị trường Việt Nam – khu vực khác thì không biết sao nhưng thị trường Việt Nam, thì thấy chậm. Ông Trump thì ông ấy nói thì thấy có chuyển biến, có hoạt động ngay lập tức. Và cụ thể thì phía Việt Nam cũng rất là chủ động, ngay khi mà Tổng thống Trump đắc cử thì một trong những nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên gọị chúc mừng là Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc của Việt Nam, thì đó cũng cho thấy rằng chính phủ Việt Nam cũng rất là tin tưởng sự hợp tác đối với Mỹ. Việt Nam rất là chủ động chứ không có thụ động như trước đây.”

Thay mặt Đài Tiếng Nói Hoa Kỳ-VOA và thính giả/độc giả của đài, xin thành thực cảm ơn ông Nguyễn Cao Trí, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc của tập đoàn tài chính Capella Holdings, Việt Nam, đã dành cho chúng tôi cuộc phỏng vấn này.

VOA Express

XS
SM
MD
LG