Đường dẫn truy cập

Quốc hội Pakistan đưa ra lập trường về an ninh, mối quan hệ với Hoa Kỳ


Quốc hội Pakistan
Quốc hội Pakistan

Mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Pakistan xuống dốc trong những tháng gần đây và đã xuống tới mức thật thấp sau khi máy bay chiến đấu của Hoa Kỳ bắn nhầm một đồn biên phòng vào tháng 11 năm ngoái làm 24 binh sĩ Pakistan thiệt mạng. Hiện nay Quốc hội Pakistan đang đưa ra những điều kiện mới về hợp tác an ninh với Hoa Kỳ.

Những yêu cầu này được Quốc hội Pakistan nhất trí thông qua trong tuần trước trong một nghị quyết không có tính cách ràng buộc. Nghị quyết này bao gồm việc chấm dứt các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái tại Pakistan, cấm những cuộc hành quân đơn phương của Hoa Kỳ-như cuộc đột kích giết Osama bin Laden tại Abbottabad-cấm những hoạt động của tình báo Hoa Kỳ, và không cấp visa cho các nhân viên tình báo và nhân viên hợp đồng phụ trách an ninh.

Nghị quyết cũng đòi hỏi Washington xin lỗi về cuộc oanh kích của Hoa Kỳ mới đây đã nhầm lẫn giết chết binh sĩ Pakistan trong vùng biên giới Afghanistan.

Điều làm cho việc này bất thường là những yêu cầu không phải từ chính phủ liên bang, nhưng từ Quốc hội Pakistan.

Cựu phụ tá trợ lý ngoại trưởng Hoa Kỳ phụ trách Nam Á Teresita Schaffer nói:

“Chưa có bất cứ tiền lệ nào tại Pakistan về quyết định của Quốc hội trong chính sách ngoại giao như thế này. Và lý do Quốc hội được yêu cầu phải có hành động này là trên căn bản, cả chính phủ, và có lẽ quan trọng hơn cả, quân đội đều muốn được che chở, chống đỡ.

Dù Quốc hội Pakistan quyết định những gì, họ muốn được che chở về mặt chính trị. Và tôi nghĩ là cả chính phủ lẫn quân đội không muốn chống lại việc Quốc hội đưa ra lập trường khá cứng rắn.”

Sau vụ việc xảy ra tại biên giới tháng 11 năm ngoái, chính phủ Pakistan cấm tái tiếp tế cho quân đội Hoa Kỳ tại Afghanistan bằng đường bộ xuyên qua Pakistan. Những con đường tiếp tế này, chỉ chở những vật phẩm không phải vũ khí gây tử vong, có thể được mở trở lại nếu Washington đạt được thỏa thuận căn cứ trên những đòi hỏi mới.

Tuy nhiên, các nhà phân tích nói Hoa Kỳ không nhất thiết cần con đường tiếp tế của Pakistan. Bà Christine Fair, một chuyên gia về Nam Á tại trường đại học Georgetown, nói Hoa Kỳ và NATO đã tìm cách sống còn mà không cần con đường tiếp tế trên bộ kể từ khi Pakistan đóng những con đường này.
Bà Fair nói:

“Chúng ta trả giá cao hơn vì chúng ta chuyển vận các trang cụ bằng đường hàng không. Nhưng ngay cả phải làm như vậy, chúng ta không phải bận tâm về việc chặn đường. Chúng ta trả thêm tiền nhưng chúng ta thực sự có được những gì chúng ta chi trả. Do đó vấn đề lớn của Hoa Kỳ là vấn đề máy bay không người lái.

Pakistan liên tục kêu gọi chấm dứt những vụ tấn công bằng máy bay không người lái vào những căn cứ của các phần tử tình nghi Taliban trên lãnh thổ Pakistan. Nhưng các vụ tấn công vẫn tiếp diễn. Một số nhà phân tách nêu nghi vấn liệu chính phủ của Tổng thống Asif Ali Zardani có bí mật đồng ý những cuộc tấn công này hay không.

Những hoạt động tình báo trong bản chất là bí mật, nhưng thường được im lặng cho phép được thực hiện trong nước bằng các thỏa thuận ngầm.

Bà Teresita Schaffer nói Tổng thống Zardari và đảng Nhân dân Pakistan của ông có thể được một số ủng hộ về chính trị bằng cách thúc đẩy Quốc hội đưa ra những yêu cầu cứng rắn, nhưng chính phủ có thể bị tổn hại nghiêm trọng nếu bất cứ những thỏa thuận bí mật nào giữa Hoa Kỳ và Pakistan bị đưa ra ánh sáng. Bà Schaffer nói thêm:

“Quí vị sẽ thấy là không chỉ Quốc hội không đồng ý với máy bay không người lái, nhưng Quốc hội còn chỉ rõ trong nghị quyết là không có những thỏa thuận bí mật hay thỏa thuận miệng liên hệ đến mối quan hệ Hoa Kỳ-Pakistan và bất cứ các thỏa thuận này trước đây đều bị hủy bỏ. Rõ ràng điều đó có nghĩa là những thỏa thuận theo kiểu bắt tay thường được thực hiện trong quá khứ rất dễ bị những tai tiếng bất thình lình phơi bày ra.”

Bà Christine Fair cho biết chính quân đội chứ không phải Quốc hội hay ngay cả chính phủ dân sự sẽ quyết định cần phải làm gì trong mối quan hệ an ninh Pakistan-Hoa Kỳ.

Bà Fair nói: “Tôi nghĩ đây là một điều tốt khi Quốc hội can dự vào những vấn đề này. Và hệ quả tất yếu là người dân Pakistan cũng quan hệ đến những vấn đề an ninh quốc gia. Tôi nghĩ là họ chưa từng bao giờ phấn khích về các vấn đề chính trị thuộc an ninh quốc gia đến mức độ như vậy. Tuy nhiên cuối cùng quân đội sẽ quyết định thi hành đến mức độ nào về những điều Quốc hội đưa ra.”

Các giới chức Hoa Kỳ nói đang trông đợi để thảo luận về những đòi hỏi của Quốc hội với chính phủ Pakistan để thiết lập mối quan hệ rất xây dựng trên căn bản hiểu biết lẫn nhau.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG