Đường dẫn truy cập

Ở một đất nước ‘than đâu cho thấu’


Nhà hoạt động Nguyễn Bắc Truyển tại Berlin, Đức. Theo tin báo chí, ngoài ông Truyển, ông Mai Phan Lợi, còn hai người khác cũng đã được phép rời Việt Nam sang Mỹ cùng với thân nhân của họ sau một thời gian dài bị cấm xuất cảnh.
Nhà hoạt động Nguyễn Bắc Truyển tại Berlin, Đức. Theo tin báo chí, ngoài ông Truyển, ông Mai Phan Lợi, còn hai người khác cũng đã được phép rời Việt Nam sang Mỹ cùng với thân nhân của họ sau một thời gian dài bị cấm xuất cảnh.

"Một trí thức có tầm cỡ và có tâm với dân tộc nhưng thứ chị nhận về là sự bạc ác. Không biết chị bị bắt vì tội gì nhưng chắc chắn có tội… sinh ra làm người Việt Nam."

Trân Văn


Chuyến thăm Việt Nam của ông Biden đã góp phần đem lại tự do cho ông Nguyễn Bắc Truyển – một trong số những người tranh đấu cho tự do tôn giáo ở Việt Nam và ông Mai Phan Lợi – Chủ tịch Hội đồng khoa học của Trung tâm Truyền thông Giáo dục Cộng đồng (MEC). Ông Truyển và vợ bị tống xuất sang Đức còn ông Lợi thì được miễn thi hành 18 tháng tù còn lại sau khi bị giam 27 tháng vì có bản án 45 tháng tù, xác định ông “trốn thuế”. Theo nhiều hãng tin ngoại quốc thì ngoài ông Truyển và ông Lợi, còn hai người khác (một là luật sư, một hoạt động cho tự do tôn giáo) cũng đã được phép rời Việt Nam sang Mỹ cùng với thân nhân của họ sau một thời gian dài bị cấm xuất cảnh...

Phóng thích một số cá nhân bị cầm giữ vì những hoạt động của họ có liên quan đến tự do tôn giáo, thăng tiến nhân quyền, bảo vệ môi trường rồi bắt những người khác đang có những hoạt động tương tự là chuyện thu hút sự chú ý của nhiều người sử dụng mạng xã hội Việt ngữ cả ở tuần trước lẫn tuần này. Song song với việc hoan nghênh chính quyền Việt Nam phóng thích ông Nguyễn Bắc Truyển, ông Mai Phan Lợi, chính phủ nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế hoạt động cho tự do, dân chủ, nhân quyền tiếp tục đề cập đến việc Việt Nam nên phóng thích hàng trăm tù nhân lương tâm, phần lớn đã bị kết án, một số thì đang bị giam giữ chờ xét xử.

***

Riêng lĩnh vực môi trường, trong hai năm qua, chính quyền Việt Nam đã bắt giam năm người: Bà Ngụy Thị Khanh, ông Bạch Hùng Dương, ông Mai Phan Lợi, ông Đặng Đình Bách, bà Hoàng Thị Minh Hồng. Cả năm đều là những người đứng đầu các tổ chức được nhiều chính phủ, tổ chức quốc tế hỗ trợ để thực hiện các chương trình bảo vệ môi trường tại Việt Nam và cả năm đều bị bắt vì... “trốn thuế”. Bà Khanh – Điều phối viên của Mạng lưới sông ngòi Việt Nam, người sáng lập Trung tâm Phát triển và sáng tạo Xanh, tích cực vận động cho việc chấm dứt đốt than để phát điện bị bắt hồi tháng 2/2022, bị phạt 21 tháng tù vì “trốn thuế”, được trả tự do sau khi bị giam 15 tháng.

Ông Bạch Hùng Dương – Luật sư, Giám đốc MEC và ông Mai Phan Lợi Chủ tịch Hội đồng khoa học của MEC bị bắt hồi giữa năm 2021. Sau đó ông Lợi bị phạt 45 tháng tù, ông Dương bị phạt 27 tháng tù. Ông Dương đã mãn hạn tù còn ông Lợi được trả tự do trước thời hạn 18 tháng. Trong số những người bị bắt bởi “trốn thuế” khi tham gia vào các hoạt động bảo vệ môi trường còn có ông Đặng Đình Bách – Luật sư, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu pháp luật và chính sách phát triển bền vững. Ông Bách bị bắt sau khi có tin ông cùng ông Lợi muốn tham gia bộ phận cố vấn cho việc thực hiện Hiệp định Tự do Thương mại Liên Âu – Việt Nam. Ông Bách bị phạt năm năm tù.

Trong khi cộng đồng quốc tế chưa hết choáng váng vì bốn nhân vật tham gia tích cực vào các hoạt động bảo vệ môi trường tại Việt Nam, cũng là bảo vệ môi trường sống của nhân loại thì tới lượt bà Hoàng Thị Minh Hồng bị bắt. Bà Khanh từng được thiên hạ vinh danh là “Anh hùng môi trường” còn bà Hồng được thiên hạ vinh danh là “Anh hùng khí hậu”. Ngoài việc vận động bảo vệ động vật hoang dã, bà Hồng còn kêu gọi mỗi người Việt tự thay đổi các thói quen nguy hại cho môi trường để hướng tới “Việt Nam xanh sạch được bảo vệ bởi mọi người” (iCHANGE). Tháng 6 vừa qua, bà Hồng bị cáo buộc “trốn thuế” và bị bắt, chờ bị đưa ra xét xử...

Tin mới nhất cho biết, thêm một nhân vật nữa đang hoạt động trong lĩnh môi trường tại Việt Nam – bà Ngô Thị Tố Nhiên – vừa bị bắt. Viện Goethe (tổ chức văn hóa phi lợi nhuận của Đức, hoạt động trên phạm vi toàn cầu) tại Hà Nội vừa giới thiệu như thế này về bà Nhiên trên trang web của tổ chức này: Chuyên gia Việt Nam – Ngô Thị Tố Nhiên. Chị tốt nghiệp Cử nhân Điện tử Tin học tại Đại học Bách khoa Hà Nội Việt Nam (1994 - 2000); bằng Thạc sĩ Quản lý và Hệ thống Năng lượng của Đại học Flensburg, Đức (2006 - 2007). Chị từng là người nhận học bổng của Học bổng Bảo vệ Khí hậu Quốc tế Alexander von Humboldt (2012–2013), Đức.

Chị có hơn 20 năm kinh nghiệm làm tư vấn độc lập cho các dự án năng lượng do Ngân hàng Thế giới, EU (Liên minh châu Âu), Liên Hiệp Quốc, ADB (Ngân hàng Phát triển châu Á), Bộ Công Thương và Bộ Khoa học và Công nghệ tài trợ. Các hoạt động chuyên môn của chị tập trung vào kinh tế năng lượng, mô hình năng lượng, chính sách năng lượng và đánh giá các công nghệ năng lượng carbon thấp. Chị đã tham gia xây dựng bản đồ tiềm năng năng lượng tái tạo cho Việt Nam và xây dựng chính sách năng lượng tái tạo. Hiện tại, chị đang làm việc cho Doanh nghiệp xã hội Sáng kiến về Chuyển dịch Năng lượng Việt Nam (VIETSE), tổ chức tư vấn đầu tiên tại Việt Nam chuyên về chính sách chuyển đổi năng lượng và bảo vệ khí hậu, với tư cách là Giám đốc điều hành (1).

Trên mạng xã hội, Hiếu Bá Linh dẫn lại giới thiệu của Viện Goethe tại Hà Nội về bà Nhiên và tin bà bị bắt kèm lời than: Chúng cùn quá! Còn Hồng Thắm Phạm thì thắc mắc: Bị bắt vì tội gì? Theo Tiếp Nguyễn: Ở một quốc gia cộng sản thì không cần lý do. Những điều luật quái dị của cộng sản tồi lắm (2).

Trong khi Nguyễn Xuân Uyển Nhi ngậm ngùi: Một trí thức có tầm cỡ và có tâm với dân tộc nhưng thứ chị nhận về là sự bạc ác. Không biết chị bị bắt vì tội gì nhưng chắc chắn có tội… sinh ra làm người Việt Nam. Tội danh chỉ là thứ người ta phán là xong chứ thật giả gì!.. thì Charles Ai Le thì bảo: Không thế nào hiểu nổi! Có lẽ bạn ấy phản biện những chính sách ngu muội của cộng sản nên bị chúng bắt. Trung cộng muốn phá Việt Nam nên đem bán những nhà máy cũ tàn phá môi trường và sẵn sàng cho lại quả đậm nên mấy ông cán bộ ham lắm, nhất là sẵn sàng chuyển tiền đến bất cứ nơi nào trên thế giới cho bọn tham nhũng chính sách.

Son Dang – một thân hữu của Nguyễn Xuân Uyển Nhi – phán đoán: Chắc lại bị bắt vì tội trốn thuế sau khi thả vài người khác từng bị bắt vì tội trốn thuế! Phan Châu Thành mỉa mai: Hừm. Lương cán bộ mười triệu đồng/tháng, con đi du học ở Mỹ 45 ngàn USD/năm thì liệu có trốn thuế không nhỉ (3)?

Tương tự, Hue Chi Ha Thi buột miệng: Ôi trời đất ơi! Than đâu cho thấu!

Chú thích

(1) https://www.goethe.de/ins/vn/vi/kul/ges/iug/vne/ntn.html

(2) https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=pfbid02hLHWzavpjaiHoJaG6FtzVJB55PpfCnrMRyUsxAZQHngj3ZE7ehyurjRRDdE4gvdNl&id=61550227947175

(3) https://www.facebook.com/MimiUyenNhi/posts/pfbid02HEqJ4Uyo9tvx64kuazNeqFZdYEKqWMPcd1uAtbxzDB86rTQchvRQjJrmJHRhFHKCl

  • 16x9 Image

    Thiên Hạ Luận

    Tự kể điều mình biết, tự nói điều mình nghĩ với hàng triệu người đã trở thành chuyện đơn giản và bình thường. Khi một người nói, nhiều người có thể cùng nghe, bất kể người nói là ai, làm gì, ở đâu thì vai trò, vị trí của cá nhân trong tương tác với xã hội đã khác trước và chắc chắn sẽ càng ngày càng khác.

    Đó cũng là lý do để dù muốn hay không, hệ thống truyền thông chính thống phải tự thay đổi. Ban Việt ngữ VOA cũng thấy phải tự thay đổi...

    Trước mặt bạn là “Thiên hạ luận” – chuyên mục mới của Ban Việt ngữ VOA. Tuy nhiên đây chỉ là bước đầu tiên - tập hợp thông tin, ý kiến của nhiều người sử dụng mạng xã hội bằng Việt ngữ về những sự kiện, vấn đề đang được nhiều người quan tâm và có thể là mọi người nên biết, nên bàn thêm - của một tiến trình.

    Liệu “Thiên hạ luận” có thể trở thành nơi mà độc giả chủ động đóng góp mọi thứ (thông tin, ý kiến, hình ảnh) về những sự kiện, vấn đề mà theo họ, mọi người cần biết, cần bàn hay không sẽ do các bạn quyết định.

    Các bài viết của Thiên Hạ Luận là blog cá nhân và được đăng tải với sự đồng ý của đài VOA nhưng không phản ánh quan điểm chính thức của chính phủ Hoa Kỳ.

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG