Đường dẫn truy cập

Nhật Bản giữ lại Thủ tướng giữa bối cảnh chính trị đang biến chuyển


Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda (thừ nhì, từ phải) và các đối thủ trong đảng bày tỏ sự đoàn kết sau khi ông thắng họ dễ dàng trong cuộc đua để giữ chức chủ tịch đảng DPJ và tiếp tục là Thủ tướng
Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda (thừ nhì, từ phải) và các đối thủ trong đảng bày tỏ sự đoàn kết sau khi ông thắng họ dễ dàng trong cuộc đua để giữ chức chủ tịch đảng DPJ và tiếp tục là Thủ tướng
Hôm nay, thủ tướng Nhật Bản đã lướt tới việc được tái đắc cử trong cuộc bầu cử chủ tịch đảng của ông. Ðiều đó có nghĩa là ông sẽ vẫn tiếp tục lãnh đạo đất nước cho tới cuộc tổng tuyển cử quốc hội kỳ tới. Nhưng theo bài tường trình của thông tín viên VOA Steve Herman từ Tokyo, thì bối cảnh chính trị ở Nhật Bản đang có nhiều chuyển biến.

Trong một nước đã có đến 5 vị thủ tướng từ năm 2006, vị thủ tướng đương nhiệm vừa nhậm chức trên một năm đã được gia hạn nhiệm kỳ.

Giới chức của Ðảng Dân chủ Nhật Bản, còn gọi tắt là DPJ, ông Minoru Yanagida loan báo Thủ tướng Yoshihiko đã dứt khoát đánh bại 3 đối thủ và giữ chức chủ tịch đảng.

Ông Noda tuyên bố ông không có gì để mà vui cười, và cam kết sẽ đem các nụ cười trở lại trên các gương mặt trẻ em Nhật Bản.

Thắng một cách dễ dàng trước ba đối thủ, ông Noda kể lại với các đồng chí trong đảng rằng ban lãnh đạo vững mạnh của đảng DJP có thể đem lại một sự phục hồi sau những thiên tai đã giáng xuống Nhật Bản cách đây 18 tháng.

Thách thức lớn nhất đối với ông Noda trong vai trò tiếp tục công việc điều hành nền kinh tế lớn thứ ba trên thế giới sẽ đến với ông sau khi ông tổ chức cuộc tổng tuyển cử trong vòng vài tháng nữa.

Cuộc tuyển cử này sẽ đặt thủ tướng và đảng DJP vào thế tranh đua với đảng đã cai trị Nhật Bản phần lớn thời kỳ sau Thế chiến thứ hai.

Ðảng Tự do Dân chủ LDP, có chủ trương bảo thủ bất chấp tên gọi, sẽ chọn người ra tranh chức thủ tướng vào thứ tư tới.

Trong số các ứng viên có cựu thủ tướng Shinzo Abe, người bất chợt từ chức chỉ 3 ngay sau khi quốc hội mới vừa nhóm, viện lý do sức khỏe và căng thẳng.

Ông Abe nói ông muốn có một cơ hội thứ hai để lên nắm vai trò lãnh đạo, và khẳng định rằng so với các ứng viên khác thì ông có kinh nghiệm lãnh đạo lâu năm.

Ðể lên giữ chức thủ tướng một lần nữa, ông Abe sẽ phải đánh bại 4 đối thủ trong đảng LDP và giúp đảng chiếm được đủ số ghế trong cuộc bầu cử quốc hội để có thể thành lập một chính phủ.

Tuy nhiên, đây không còn phải là một cuộc tranh đua giữa hai đảng nữa.

Một đảng mới thứ ba, được thành lập bởi cựu thị trưởng Osaka, thành phố lớn thứ ba của Nhật Bản, là ông Toru Hashimoto, gần như đã làm đảo lộn bối cảnh chính trị trong một sớm một chiều.

Cựu luật sư quay sang làm người dẫn chương trình hội thoại truyền hình nổi tiếng muốn chính phủ trung ương bớt can dự vào các vấn đề địa phương, có thêm sự cạnh tranh thị trường tự do và củng cố quân đội Nhật Bản, hiện đang bị hạn chế vì hiến pháp chủ hòa của Nhật.

Một số cuộc thăm dò công luận cho thấy đảng Phục Hồi Nhật Bản được lòng dân chúng hơn cả đảng cầm quyền DJP lẫn đảng đối lập LDP, và trong lần đầu tiên tham gia bầu cử, đảng này có thể chiếm đủ ghế để xác định đảng nào trong hai đảng lớn kia sẽ lên cai trị Nhật Bản.

Cựu phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nhật Bản Tomohiko Taniguchi cho rằng sức thu hút của ông Hashimoto và tài ăn nói của ông có thể sẽ không biến dễ dàng thành sự kiện nhiều người ủng hộ ông sẽ chiếm được ghế tại Quốc hội. Ông nhận định

“Ông ấy thông thạo cách thức trên TV hơn so với tất cả các chính trị gia khác. Ðiều đó là chắc chắn rồi. Nhưng khi nói về các thành viên trong đảng, thì họ không được mấy ai biết đến, do đó thay vì đặt sự tin tưởng vào những người vô danh như thế, thì dân chúng có thể chuyển qua việc đặt lòng tin vào những người mà họ đã biết rõ như những người của đảng LDP.”

Cả ba đảng đều có một lập trường chính sách chính giống nhau. Họ ủng hộ một đường lối diều hâu có liên quan đến các vụ tranh chấp lãnh hải với các lân quốc của Nhật Bản.

Phân tích gia Taniguchi cho rằng các đảng này đáp lại sự quan ngại ngày càng nhiều của công chúng.

“Cảm giác yếu thế đã thấm vào đầu óc nhiều người ở Nhật Bản. Ðã có nhận thức rằng nhìn vào một nước Nhật bị suy yếu, họ cảm thấy những nước như Trung Quốc, Nam Triều Tiên và Nga đang lợi dụng thế yếu về phía Nhật Bản mà họ vừa nhận thấy.”

Chính giới cũng tự thấy mình đứng trước một tình cảm chống hạt nhân chưa từng có từ trước đến nay sau các vụ tan chảy lò phản ứng hồi năm ngoái tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima. Sự kiện đó đã châm ngòi cho các cuộc biểu tình với sự tham gia của một số người đáng kể trên các đường phố ở Tokyo lần đầu tiên từ nhiều thập niên.

Các chính trị gia của đảng LDP và DPJ cũng sẽ bị thách thức về việc đã không đảo ngược được tình trạng èo uột kinh tế kéo dài của Nhật Bản, cộng thêm với bài toán khó khăn là làm cách nào để dành sự chăm sóc đầy đủ của khối người cao niên ngày càng nhiều trong một đất nước với 125 triệu dân.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG