Đường dẫn truy cập

Nhân viên cứu trợ Úc được phóng thích ở Afghanistan


Bà Kerry Jane Wilson bị bắt cóc từ văn phòng của hội từ thiện của bà ở Jalalabad hồi tháng 4. (Ảnh tư liệu)
Bà Kerry Jane Wilson bị bắt cóc từ văn phòng của hội từ thiện của bà ở Jalalabad hồi tháng 4. (Ảnh tư liệu)

Nhà chức trách Afghanistan cho hay các lực lượng an ninh đã giải cứu được một nhân viên cứu trợ Úc, 4 tháng sau khi bà bị dí súng và bắt cóc mang đi từ văn phòng của bà ở đông bộ Afghanistan.

Hai người đàn ông vũ trang giả dạng làm nhân viên tình báo Afghanistan đã bắt cóc bà Kerry Jane Wilson, 60 tuổi, vào tháng Tư từ văn phòng của hội từ thiện của bà ở Jalalabad, thủ phủ của tỉnh Nangarhar đầy xáo trộn.

Cơ quan tình báo Afghanistan, gọi tắt là NDS, hôm thứ Hai cho hay là các lực lượng đặc biệt đã phát động chiến dịch giải cứu con tin để phóng thích bà Wilson. Họ bắt giữ 4 nghi can có liên quan tới vụ bắt cóc. Một cuộc điều tra đang được xúc tiến, theo NDS, nhưng cơ quan tình báo của Afghanistan không cho biết thêm chi tiết nào khác.

Một người phát ngôn của chính quyền địa phương, Attalullah Khogyani, nói với Đài VOA rằng nhà chức trách vẫn đang tìm cách xác định danh tính của những kẻ đã bắt cóc bà Wilson.

Ông Khogyani nói:

“Bà Wilson sắp được giao lại cho giới thẩm quyền Úc. Những người có liên hệ với vụ bắt cóc đã bị bắt và đang qua thẩm vấn để xác định động cơ của họ. Ngoài ra, tôi có thể cho biết là bà Wilson đang trong tình trạng sức khoẻ tốt”.

Ngoại trưởng Julie Bishop xác nhận bà Wilson đã được phóng thích và không bị hãm hại, và bà đã ngỏ lời cảm ơn chính quyền Afghanistan. Bà Bishop nói trong một thông báo:

“Tôi vô cùng cảm kích về những việc làm của chính quyền Afghanistan, nhờ sự hỗ trợ của quý vị mà bà Wilson giờ đây đã được tự do, tôi cũng xin cảm ơn các nhân viên lãnh sự quán Úc vẫn tiếp tục giúp đỡ bà Wilson cùng gia đình của bà.”

Hội từ thiện của bà Wilson có tên là Zardori, đang giúp phụ nữ Afghanistan khởi sự các doanh nghiệp nhỏ của họ. Bà đã làm việc từ Kabul trong gần 2 thập niên qua. Hiện không rõ ai, hay nhóm nào đứng sau vụ bắt cóc bà.

Ngoại trưởng Julie Bishop không cung cấp thêm chi tiết nào khác về làm cách nào đã giải cứu được bà Wilson, bà Bishop khuyến cáo rằng làm như vậy có thể phương hại tới sự an toàn và an ninh của những công dân Úc đang còn bị cầm giữ, hoặc có thể gặp nguy cơ bị bắt cóc ở Afghanistan.

Chính sách của chính phủ Úc là không trả tiền chuộc mạng trong các tình huống con tin bị bắt, bà Bishop nhấn mạnh hồi tháng Tư khi nói về vụ bắt cóc.

Một nhà giáo Úc và một đồng nghiệp tại Viện Đại học American ở Afghanistan đã bị bắt cóc ở Kabul hồi đầu tháng. Hiện không rõ tung tích của hai người này.

Bắt cóc để đòi tiền chuộc mạng đã trở thành một thách thức đối với chính quyền Afghanistan, vẫn đang chật vật đối phó với cuộc nổi dậy của phe Taliban.

Một nhân viên cứu trợ Ấn Độ đã được trả tự do hồi tháng 7, vài tuần lễ sau khi bà này bị dí súng và bắt cóc mang đi khi đang tới gần nhà ở thủ đô Kabul. Nhưng cả chính quyền Afghanistan lẫn chính quyền Ấn Độ đều không cho biết chi tiết về cái gọi là “chiến dịch giải cứu”, hoặc ngay cả ai hay nhóm nào đã “bắt cóc” các con tin.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG