Đường dẫn truy cập

Người Mỹ bị tù ở Bắc Triều Tiên tiếp tục kêu gọi sự giúp đỡ


Nhà truyền giáo người Mỹ Kenneth Bae tại Bệnh viện Hữu nghị Bình Nhưỡng. (Ảnh ngày 20/1/2014).
Nhà truyền giáo người Mỹ Kenneth Bae tại Bệnh viện Hữu nghị Bình Nhưỡng. (Ảnh ngày 20/1/2014).
Nhà truyền giáo người Mỹ gốc Triều Tiên Kenneth Bae vừa mới đưa ra lời kêu gọi Hoa Kỳ giúp ông ra khỏi một trại giam lao động khổ sai tại Bắc Triều Tiên.

Yêu cầu của ông Bae được đưa ra sau khi Bình Nhưỡng lần thứ hai trong những tuần lễ gần đây rút lại lời mời một phái viên cao cấp của Hoa Kỳ đến thăm và thảo luận về việc trả tự do cho ông Bae.

Trong một cuộc phỏng vấn được công bố ngày hôm nay trên báo Chosun Sinbo, ông Bae nói sức khỏe kém làm ông khó làm việc 8 giờ một ngày tại trại lao động theo như qui định.

Ông Bae nói ông nghĩ rất khó tiếp tục làm việc tại đây trong thời gian dài, vì ông vẫn còn rất đau nơi lưng và chân. Do đó nếu lại vẫn trì hoãn, ông có thể sẽ phải được chữa trị dài hạn tại một bệnh viện. Ông hy vọng vấn đề của ông sẽ được giải quyết càng sớm càng tốt để ông có thể trở về trong vòng tay của gia đình

Cuộc phỏng vấn được một tờ báo thân Bắc Triều Tiên có trụ sở tại Nhật Bản thực hiện vào ngày thứ Sáu tuần trước. Phóng viên báo này đã đi thăm ông Bae cùng với một viên chức tòa đại sứ Thụy Điển tại Bắc Triều Tiên.

Ông Bae hy vọng về chuyến đi thăm được dự trù của ông Robert King, Đặc sứ của Hoa Kỳ về các Vấn đề Nhân quyền. Yêu cầu của ông được đưa ra chỉ vài ngày trước khi miền Bắc hủy bỏ cuộc viếng thăm của ông King khiến Hoa Kỳ đưa ra chỉ trích.

Phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc Jay Carney ngày hôm qua tuyên bố Hoa Kỳ “rất thất vọng về hành động này” của Bắc Triều Tiên. Oâng cảnh báo Bình Nhưỡng không nên liên kết trường hợp ông Bae với cuộc tập trận Hoa Kỳ-Nam Triều Tiên sắp tới.

Ông Carney nói Hoa Kỳ nhắc cho Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên biết là cuộc tập trận Hoa Kỳ-Cộng hòa Triều Tiên là minh bạch, đã dự trù thường xuyên và có tính cách phòng ngự. Những cuộc tập trận này không có liên hệ gì đến trường hợp ông Bae, và Hoa Kỳ tin là Bắc Triều Tiên biết việc này.

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết cũng ủng hộ những nỗ lực của lãnh tụ dân quyền Mỹ Jesse Jackson giúp ông Bae được trả tự do. Bộ Ngoại giao Mỹ nói thêm là ông Jackson đã đề nghị đi Bắc Triều Tiên theo yêu cầu của gia đình ông Bae.

Cũng vào ngày hôm qua, Bắc Triều Tiên tiếp một phái đoàn khác của Mỹ.

Một đoàn do ông Donald Gregg, cựu đại sứ Hoa Kỳ tại Seoul, hướng dẫn, đến Bình Nhưỡng ngày hôm qua theo lời mời của Bộ Ngoại giao Bắc Triều Tiên.

Ông Lynn Turk, một nhà cựu ngoại giao khác của Mỹ, đã có những cuộc thảo luận với Bình Nhưỡng trong những năm 1990, cho biết phái đoàn này đến Bắc Triều Tiên để 'xây dựng nhịp cầu' giữa hai nước. Cả ông Turk lẫn ông Gregg đều không nhắc đến tên ông Bae.

Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry sẽ đến thăm Nam Triều Tiên cuối tuần này và những vấn đề liên hệ đến Bình Nhưỡng chắc chắn sẽ là đề tài chính trong những cuộc thảo luận.

Thứ Sáu tuần trước, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nói ông Bae, 45 tuổi đã được chuyển từ một bệnh viện về trại lao động.

Bắc Triều Tiên bắt ông Bae vào cuối năm 2012 và sau đó kết án ông 15 năm tù lao động khổ sai về tội âm mưu lật đổ chính phủ.

Những lời kêu gọi trả tự do cho ông vì lý do nhân đạo không được đáp ứng.

Ông Bae sinh tại Nam Triều Tiên và di cư đến Hoa Kỳ cùng với cha mẹ và chị vào năm 1985. Ông đã sống tại Trung Quốc trong tư cách là một nhà truyền giáo khoảng 7 năm trước khi bị bắt.

Trong vòng vài năm qua, ông bắt đầu hướng dẫn những toàn du lịch nhỏ, hầu hết là người Mỹ và người Canada, đi vào 'đặc khu kinh tế' được thiết lập nhằm khuyến khích thương mại tại vùng đông bắc Bắc Triều Tiên.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG