Đường dẫn truy cập

Người tị nạn tại Mỹ hội nhập với cộng đồng


Subba và những người tị nạn khác từ khắp nơi trên thế giới đang tham gia chương trình New Roots của Ủy ban Cứu trợ Quốc tế IRC.
Subba và những người tị nạn khác từ khắp nơi trên thế giới đang tham gia chương trình New Roots của Ủy ban Cứu trợ Quốc tế IRC.

Hơn một nửa số người tị nạn định cư ở Hoa Kỳ mỗi năm đến từ các nước nông nghiệp. Và họ mang đến những kỹ năng giá trị khi tái thiết cuộc sống ở những cộng đồng mới. Thông tín viên June Soh đã gặp một số người nông dân tị nạn đang gây dựng cuộc sống mới ở Charlottesville, Virginia.

Mỗi sáng thứ Năm, ông Dhan Subba và những người nông dân tị nạn khác rửa và phân loại các loại rau vừa thu hoạch.

Ông Subba cho biết:

“Tôi thích làm việc ở nông trang bởi vì tôi có thể tự nuôi trồng thực phẩm và ăn uống lành mạnh.”

Người đàn ông Bhutan này sống tại trại tị nạn ở Nepal 18 năm trước khi được nhận vào Mỹ cách đây 6 năm.

Ông nói: “Tôi thấy vui khi có thể sử dụng những kỹ năng mà tôi học được từ việc trồng trọt ở Nepal và tôi có thể áp dụng ở đây.”

Subba và những người tị nạn khác từ khắp nơi trên thế giới đang tham gia chương trình New Roots của Ủy ban Cứu trợ Quốc tế IRC. Chương trình sử dụng những lô đất trống ở các khu vực đô thị để trồng trọt trên quy mô nhỏ. Chương trình này đã bắt đầu 10 năm trước ở San Diego, bang California, rồi lan rộng ra hơn 20 thành thị trên cả nước, kể cả Charlottesville, bang Virginia.

Ông Brooke Ray, giám đốc điều hành IRC khu vực Charlottesville, cho biết:

“Chương trình New Roots thực sự có nhiều phần khác nhau. Trước hết, nó là cơ hội cho mọi người sử dụng các kỹ năng vườn tược và trồng trọt mà họ đã có. Nhưng nó cũng là cơ hội để mọi người gặp gỡ láng giềng và tương tác với cộng đồng, mang về những thực phẩm lành mạnh. Giờ đây, chúng tôi có gần 3.5ha trên toàn thành phố.”

Những người nông dân này trồng nhiều nông phẩm – một số phổ biến ở xứ họ nhưng lại khó kiếm trong các siêu thị của Mỹ.

Trong chương trình New Roots, IRC cũng mở chương trình Micro Producer Academy, nơi những người tị nạn có thể học kỹ năng làm trang trại bền vững và các kỹ năng kinh doanh nhỏ, tạo thêm nguồn thu nhập.

Ông Ray cho biết:

“Những gì chúng tôi làm là lấy những kỹ năng và hiểu biết mà mọi người có và bàn xem làm cách nào để áp dụng tại Mỹ. Nhiều người từng trồng trọt trên diện tích rộng, và ở đây họ phải trồng trọt trên diện tích rất nhỏ. Chúng tôi cũng trao đổi về tiếp thị, giá thành, và các mùa vụ ở Mỹ.”

Những người nông dân tị nạn này trực tiếp bán sản phẩm của họ cho các nhà hàng địa phương.

Một đầu bếp tên là Adams Spaar chia sẻ:

“Nông sản của họ đặc biệt. Có thể thấy rằng họ đã bỏ rất nhiều thời gian, chăm sóc và tình cảm vào những thứ họ trồng.”

Họ cũng biến những khoảng đất trống thành một khu chợ tấp nập hàng tuần, nơi những người láng giềng thu nhập thấp, đặc biệt là những người tị nạn, có thể mua sản phẩm tươi với giá cả phải chăng. Nhưng họ không phải là những khách hàng duy nhất.

Một khách hàng tên Jane Ray cho biết:

“Tôi đến đây hàng tuần. Rau rất tươi ngon. Tôi có rất nhiều công thức nấu ăn để sử dụng chúng, và giá cả đều cực kỳ hợp lý.”

Những người tị nạn này có thể không bỏ việc để trồng trọt toàn thời gian, cô Brooke Ray cho biết, nhưng chương trình vừa kể giúp họ xây dựng nền tảng vững chắc ở những cộng đồng mới.

VOA Express

XS
SM
MD
LG