Đường dẫn truy cập

Nghi vấn xoay quanh chuyện vi phạm nhân quyền tại Bắc Triều Tiên


Lời khai của ông Shin Dong-hyuk trước Ủy ban Điều tra LHQ về Bắc Triều Tiên giúp thu thập tài liệu về một hệ thống các nhà tù chính trị tại Bắc Triều Tiên và những hành vi tàn ác bao gồm giết người, giam cầm và tra tấn.
Lời khai của ông Shin Dong-hyuk trước Ủy ban Điều tra LHQ về Bắc Triều Tiên giúp thu thập tài liệu về một hệ thống các nhà tù chính trị tại Bắc Triều Tiên và những hành vi tàn ác bao gồm giết người, giam cầm và tra tấn.

Những tiết lộ của một nhân chứng quan trọng của Liên Hiệp Quốc nói rằng nhiều điểm trong lời khai của ông về đời sống trong các trại tù ở Bắc Triều Tiên không đúng sự thật, đang khơi ra những nghi vấn về tính khả tín của một bản phúc trình Liên Hiệp Quốc về những vụ vi phạm nhân quyền tại nước này. Thông tín viên Đài VOA Brian Padden tường trình rằng trong khi Liên Hiệp Quốc cho biết lời khai đã được chỉnh sửa không quan trọng đối với cuộc điều tra, câu chuyện được kể lại cách khác của ông ta chứng tỏ sự khó khăn trong việc kiểm chứng thông tin tại một trong những quốc gia bí mật nhất thế giới.

Lời khai của ông Shin Dong-hyuk trước Ủy ban Điều tra Liên Hiệp Quốc về Bắc Triều Tiên giúp thu thập tài liệu về một hệ thống các nhà tù chính trị tại Bắc Triều Tiên và những hành vi tàn ác bao gồm giết người, giam cầm và tra tấn.

Nhưng lời thú nhận mới đây của ông nói rằng nhiều điểm trong lời kể của ông không đúng sự thật, đã khiến cho Bình Nhưỡng nêu nghi vấn về bản phúc trình của Ủy ban. Thông tấn xã nhà nước Bắc Triều Tiên nói “việc thú nhận nói dối của ông ta chứng tỏ là không thể tin được mọi điều mà những người tự nhận là đào tị từ miền Bắc kể lại.”

Chủ tịch Ủy ban Liên Hiệp Quốc nói những điều không chính xác trong lời chứng của ông Shin không gây phưông hại đến tính khả tín của phúc trình trong đó có lời khai của hàng trăm nhân chứng.

Ông Ahn Chan-il, một người đào tị Bắc Triều Tiên và là chủ tịch của Viện Nghiên cứu Thế giới về Bắc Triều Tiên cũng bênh vực phúc trình của Liên Hiệp Quốc.

Ông Ahn nói trên thực tế, những vụ vi phạm nhân quyền vẫn còn tiếp diễn tại Bắc Triều Tiên, cao gấp 10 hay 100 lần những gì ông Shin Dong-hyuk và những nạn nhân khác đã khai chứng.

Ông Shin Dong-hyuk vẫn cho rằng những chi tiết về việc ông bị tra tấn tàn bạo trong những trại giam là đúng sự thật, gồm có bị treo vào một cái móc bên trên đống lửa và chứng kiến việc hành hình mẹ và anh ông. Nhưng ông thú nhận là ông đưa ra tin tức sai lạc về ngày giờ và địa điểm. Ôg cũng không nói là ông đào thoát hai lần đến Trung Quốc, bị bắt và bị gởi trả về Bắc Triều Tiên, và ông bị tra tấn vì tội đào thoát vào lúc ông 20 tuổi, chứ không phải 13 tuổi như ông đã nói trước đây.

Nhà bênh vực nhân quyền Choi Yong-sang thuộc Mạng lưới Dân chủ và Nhân quyền ở Bắc Triều Tiên, nói có thể đơi lúc khó yêu cầu các người đào thoát đưa ra những câu chuyện hoàn toàn và trung thực và những kinh nghiệm họ trải qua. Một số có thể giấu những chi tiết để bảo vệ gia đình ở miền Bắc. Một số có thể kiềm chế những ký ức đau đớn và bị chấn thưông. Và ông nói một số phóng đại câu chuyện của họ với truyền thông, nhất là nếu họ được trả tiền về những cuộc phỏng vấn.

Ông Choi Yong-sang nói những người đào tị kể những câu chuyện giật gân và lý thú hơn được truyền thông phanh phui và việc này dính líu trực tiếp đến tiền bạc.

Bởi lẽ Bắc Triều Tiên hạn chế chặt chẽ du khách nước ngoài và thông tin trong nước, những tổ chức bên ngoài phải dựa vào những người đào tị trốn thoát được để kiểm chứng những vụ bị cáo buộc là vi phạm nhân quyền. Và trong khi câu chuyện của ông Shin không chứng tỏ hoàn toàn chính xác, các tổ chức nhân quyền nói vẫn còn có rất nhiều chứng cứ hỗ trợ những phát hiện của ủy ban Liên Hiệp Quốc để đề nghị đưa tình trạng nhân quyền tại Bắc Triều Tiên ra trước Tòa Hình sự Quốc tế.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG