Đường dẫn truy cập

Mỹ cảnh cáo Nga không được khích động căng thẳng ở Ukraine


Cảnh sát ngăn chặn người biểu tình ủng hộ Nga gần tòa nhà hành chính trong khu vực Kharkiv, Ukraine, ngày 6/4/2014.
Cảnh sát ngăn chặn người biểu tình ủng hộ Nga gần tòa nhà hành chính trong khu vực Kharkiv, Ukraine, ngày 6/4/2014.
Hoa Kỳ cảnh cáo Nga không được khích động tình cảm ly khai ở miền đông Ukraine, sau khi rối loạn xảy ra ở vài thành phố trong vài ngày vừa qua. Các giới chức Mỹ nói rằng có những dấu hiệu rõ ràng cho thấy những người biểu tình thân Nga được điều khiển từ bên ngoài.

Trong khi đó, những biến cố gần đây ở Ukraine đã làm cho những người gốc Nga có chủ trương ly khai ở Moldova cảm thấy phấn khởi và họ đã lập lại đòi hỏi tách khỏi Moldova để độc lập và gia nhập liên bang Nga.

Những người biểu tình thân Nga ở miền đông Ukraine yêu cầu tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý tương tự như cuộc trưng cầu dân ý đã dẫn tới chỗ Nga sáp nhập Crimea hồi tháng trước.

Tại thành phố Donestsk, những người làm loạn đã xông vào trụ sở chính quyền khu vực hôm chủ nhật và thay quốc kỳ Ukraine ở đó bằng quốc kỳ Nga, trong khi những người khác vỗ tay reo hò và đồng loạt hô to “Nước Nga.”

Những cuộc biểu tình thân Nga cũng diễn ra ở thành phố Kharkiv. Bà Emily Belkina, một phụ nữ 3 con, cho biết người gốc Nga ở Ukraine muốn tự trị.

"Chính phủ mới này đã lên nắm quyền cai trị bằng sức mạnh, như quí vị đã biết, bằng súng ống trong tay và chúng tôi không có người đại diện của mình trong chính phủ mới."
Người biểu tình ủng hộ Nga (trái) đụng độ với các nhà hoạt động hỗ trợ sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine ở thành phố phía đông Kharkiv, ngày 7/4/2014.
Người biểu tình ủng hộ Nga (trái) đụng độ với các nhà hoạt động hỗ trợ sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine ở thành phố phía đông Kharkiv, ngày 7/4/2014.
Tại Washington, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Jen Psaki nói rằng có bằng chứng chắc chắn là một số người biểu tình là gián điệp Nga. Bà cho biết Ngoại trưởng John Kerry đã nêu vấn đề này với Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov.

"Ông yêu cầu Nga công khai bác bỏ những hoạt động của những phần tử đòi ly khai, những phần tử phá hoại, những phần tử khích động; hô hào cho nỗ lực giảm căng và đối thoại, và kêu gọi tất cả mọi bên né tránh những hành vi khích động ở Ukraine."

Phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc Jay Carney cho biết Nga tiếp tục gia tăng sức ép lên Ukraine.

"Chúng tôi nhìn thấy điều này qua các binh sĩ đã tập kết ở biên giới. Chúng tôi nhìn thấy điều này qua những diễn tiến khác nhau bên trong Ukraine, trong những khu vực có đông người gốc Nga của nước này."

Nga cho biết họ không hề có ý định tiến sâu hơn vào Ukraine sau khi đã chiếm bán đảo Crimea. Nhưng những hành động của Moskova đã làm tăng những mối lo ngại tại các nước Cộng hòa thuộc Liên Xô cũ.

Moldova đang lo ngại về việc có thể bị mất vùng Trans-Dniester, nơi mà khối dân đa số người gốc Nga đã phát động một cuộc chiến để giành độc lập vào năm 1992 và giờ đây đang lập lại đòi hỏi độc lập với mục tiêu gia nhập Liên bang Nga.

Những người chống đối ảnh hưởng của Nga tại Moldova đã tổ chức một cuộc biểu tình hôm chủ nhật vừa qua bên ngoài sứ quán Nga ở thủ đô Chisinau. Một người biểu tình cho biết như sau.

"Chúng tôi tới đây để bày tỏ sự căm tức đối với việc người Nga xâm lăng Nước Cộng hòa Moldova. Chúng tôi không muốn xảy ra tình huống Crimea ở đây. Chúng tôi muốn cho con cái của mình có tương lai."

Khoảng 10 ngày nữa, các giới chức Hoa Kỳ và Âu châu sẽ họp với các giới chức Nga và Ukraine để thảo luận về việc làm thế nào để giảm bớt căng thẳng của vụ khủng hoảng ở Ukraine và làm cho Nga không gây thêm căng thẳng trong khu vực.

VOA Express

XS
SM
MD
LG