Đường dẫn truy cập

Mỹ thêm 8 nước vào danh sách những nước có buôn bán người tệ hại nhất


Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry cầm một bản sao của phúc trình năm 2016 về nạn buôn bán người (TIP) trong buổi lễ vinh danh những anh hùng TIP tại Bộ Ngoại giao ở Washington, ngày 30 tháng 6 năm 2016.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry cầm một bản sao của phúc trình năm 2016 về nạn buôn bán người (TIP) trong buổi lễ vinh danh những anh hùng TIP tại Bộ Ngoại giao ở Washington, ngày 30 tháng 6 năm 2016.

Hoa Kỳ đã thêm 8 nước nữa vào danh sách đen những quốc gia tham gia vào kỹ nghệ mua bán người. Trong bản phúc trình công bố hôm qua tại Bộ Ngoại giao, Miến Điện, Haiti, Djibouti, Papua New Guinea, Sudan, Suriname, Turkmenistan và Uzbekistan đã bị liệt vào cùng với 27 nước khác trong danh sách vi phạm tệ hại nhất.

Theo Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry, mua bán người là một kỹ nghệ toàn cầu trị giá 150 tỷ đôla biến những người yếu thế thành nô lệ thời hiện đại – với con số lên tới 20 triệu vào bất cứ thời điểm nào.

Ông Kerry nói: “Con số 20 triệu đó gồm những người giống như tất cả mọi người ở đây. Họ có tên tuổi. Trong nhiều trường hợp, họ có hay đã từng có gia đình. Và họ đã buộc phải chịu đựng cảnh địa ngục – một địa ngục sống thời hiện đại mà không nên để một con người nào phải trải qua.”

Các nạn nhân bị buộc phải làm việc như nô lệ tình dục, công nhân, lao động công nghiệp hay trong nhà, binh lính hay tội phạm mà không được đền bù hay hy vọng được tự do. Họ thường sống trong cảnh bần hàn, không có đủ thức ăn hay được chăm sóc y tế. Ngoại trưởng Kerry nói tiếp:

“Chúng ta đều biết rõ tình cảnh đau buồn: các em gái buộc phải làm nô lệ tính dục, phụ nữ ngủ trong những căn phòng chật hẹp, chỉ được cho ra ngoài để nấu nướng, giặt quần áo và lau sàn nhà. Đàn ông và các em trai bị buộc phải bỏ ăn bỏ ngủ để làm việc suốt ngày đêm, thường là trong tiết nóng bỏng hay trong những điều kiện khủng khiếp.”

Tại những vùng bị xâu xé vì chiến tranh, trẻ em bị bắt cóc để huấn luyện thành chiến binh cho các phe phái khác nhau. Một số người trở thành nô lệ một cách tự nguyện vì không còn chọn lựa nào khác. Thanh niên nghèo khó thường bị cám dỗ làm nô lệ bằng những lời hứa cho công ăn việc làm và giàu có ở một nước khác, như Hoa Kỳ.

Một nhân viên của Cơ quan Điều tra Liên bang Hoa Kỳ ở thành phố Detroit trong bang Michigan cho biết: “Trên toàn quốc, 153 trẻ vị thành niên đã được phát hiện khắp nước Mỹ.”

Nhưng nhà chức trách ở nhiều nước khác đã làm lơ không chú ý đến tội ác này. Và trong một số trường hợp, việc mua bán người lại được nhà nước bảo trợ. Chính phủ ở Miến Điện tiếp tục ép buộc các khối người thiểu số làm lao động cưỡng bách và trẻ em được tuyển mộ vào quân lực quốc gia. Uzbekistan khét tiếng về việc buộc người trưởng thành làm việc trong các cánh đồng bông.

Hoa Kỳ buộc các chính phủ phải chịu trách nhiệm về việc không truy tố những kẻ buôn bán người.

VOA Express

XS
SM
MD
LG