Đường dẫn truy cập

Mỹ: Di dân bang Louisiana muốn kết hôn phải có giấy khai sinh


Louisana: Di dân phải xuất trình giấy khai sinh hợp lệ mới được kết hôn
Louisana: Di dân phải xuất trình giấy khai sinh hợp lệ mới được kết hôn

Nhằm mục đích chặn đứng những vụ kết hôn giả mạo hay gian lận, dân biểu Cộng hòa Valeri Hodge trong quốc hội tiểu bang Louisana đã bảo trợ một đạo luật về hôn nhân gây nhiều tranh cãi bắt buộc các di dân phải xuất trình giấy khai sinh hợp lệ mới được kết hôn. Luật này đã được cựu Thống đốc tiểu bang Louisana Bobby Jindal ký ban hành vào năm 2015. Tuy nhiên sau một thời gian thi hành luật hiện đang bị một người tị nạn Việt Nam kiện trước Tòa án liên bang Mỹ.

Vào năm 2015, Quốc hội tiểu bang Louisiana thông qua một đạo luật đưa ra một số yêu cầu bắt buộc những di dân, người tị nạn hay những người sinh tại nước ngoài muốn kết hôn, lập hôn thú tại các Tòa án của tiểu bang phải xuất trình một số giấy tờ, mới được Tòa án chấp nhận cấp hôn thú. Luật này bắt đầu có hiệu lực từ tháng 1 năm nay.

Ông Nguyễn Xuân Tân, một chấp sự thuộc Hội thánh Báp-tít Việt Nam New Orleans tại thị trấn Gretna, cho VOA Việt ngữ hay ông đã liên lạc với Tòa án địa phương và được biết phải có 4 loại giấy tờ mới được Tòa cấp hôn thú:

“Khai sinh, nếu không có khai sinh thì mình sinh ở đâu phải trở về nơi quê quán để làm khai sinh lại, tòa cho biết là ở nước nào phải về chỗ đó hay nhờ những người ở nước mình để xin cho mình cái khai sinh. Đó là một. Có khai sinh mà không có passport cũng không được. Đó là thứ nhì. Thứ ba nữa là Tòa án cũng cần biết nếu đã li dị thì phải có giấy li dị. Thứ tư là căn cước có ảnh (Picture ID).”

Tuy nhiên, khó khăn nhất là làm sao có được giấy khai sinh, nhất là đối với những người vượt biên, những người tị nạn chiến tranh bị mất tất cả giấy tờ trong khi vượt biên hay giấy tờ bị tiêu hủy vì chiến cuộc.

Đối với cộng đồng Việt Nam tại tiểu bang Louisiana, theo nhận xét của ông Tân, phần lớn những người bị ảnh hưởng nhiều nhất vì luật này là những người từ Việt Nam trong thời gian gần đây.

Ông Tân nói:

“Có rất nhiều người qua đây một thời gian để du học hay để đi làm, sau khi hết hạn hai ba năm, họ ở lì luôn không chịu về, visa, passport của họ hết hạn. Họ muốn cưới những người có quốc tịch Mỹ để họ ở lại đây.”

Một phụ tá luật sư tại văn phòng luật sư Alan Ford Schoenberger chuyên lo các vấn đề về gia đình ở Harvey, New Orleans, cho biết:

“Có những người khách vô đây, họ qua đây theo những tình trạng khác nhau, nhưng khi gặp một đối tượng rồi thì họ muốn ở lại luôn, không muốn về nước nữa cho nên họ bắt buộc phải đi đăng ký kết hôn để đổi tình trạng cho mình. Khi ra tòa thì khó khăn ở chỗ là người bên Việt Nam thường có giấy khai sinh hẳn hoi nên không có trở ngại. Chỉ có trở ngại là những người ở bên Mỹ, những người vượt biên hồi xưa, qua đây mới 2, 3 tuổi thì làm sao có khai sinh. Tòa cũng nói là từ tháng 1 đến bây giờ, luật thay đổi bắt buộc phải có khai sinh original thì tòa mới chấp thuận làm hôn thú.”

Nữ phụ tá luật sư này cho biết văn phòng đã tìm đủ mọi cách để thay thế giấy khai sinh nhưng không được Tòa chấp thuận:

“Có những khách họ vô đây chỉ có bản sao, mà cũng chẳng phải original bản sao nữa, ông luật sư phải làm cái gọi là certified true copy nhưng họ cũng không chịu. Rồi làm những cái affidavit giải thích qua đây trường hợp như thế nào, lý do không có khai sinh nhưng Tòa án cũng làm khó không chấp thuận.”

Cô Hoàng Minh, cũng thuộc văn phòng luật sư Alen Ford Schoenberger, nói đòi hỏi khai sinh là một đòi hỏi khó đáp ứng:

“Những người Việt Nam mới qua thì không có vấn đề khai sinh đối với họ, người nào cũng có khai sinh, chỉ có những người ở bên Mỹ này, chẳng hạn như em đây làm sao em có khai sinh ở đây. Nếu đòi hỏi khai sinh làm sao em cung cấp được khai sinh đó.”

Luật sư Shandon Cường Phan tại Houston, một nhà hoạt động thường quan tâm đến quyền lợi của cộng đồng người Việt tại Mỹ, cho rằng luật mới của tiểu bang Louisiana là “một rào cản mới đối với di dân.”

Vậy những người bị ảnh hưởng bởi luật mới này có thể làm gì để bảo vệ quyền lợi của mình?

Luật sư Shandon Cường Phan:

“Dĩ nhiên họ có quyền tranh đấu và luật sư nào đại diện cho những người như vậy họ phải đi kiện và nếu chính phủ liên bang chấp nhận về mặt di trú thì tiểu bang cũng phải chấp nhận.”

Nhận xét của luật sư Shandon Cường Phan đã trở thành sự thật vì vào ngày thứ Ba vừa qua, ông Việt “Victor” Anh Võ, 31 tuổi, cư dân tại Louisiana, đã đệ đơn kiện lên Tòa án liên bang vì đã ngăn cản ông và những di dân khác kết hôn vì không có giấy khai sinh. Ông Võ sanh tại một trại tị nạn ở Indonesia vào năm 1985 và có quốc tịch Mỹ khi ông 8 tuổi. Hôn thê của ông là cô Heather Pham, sinh tại Mỹ.

Đơn kiện của ông Võ nêu lý do luật vi phạm những quyền hiến định của ông và nhằm kỳ thị những người sinh tại nước ngoài. Ông Võ được các luật sư tại Trung tâm Công lý Chủng tộc thuộc tổ chức Công nhân New Orleans và Trung tâm Luật Di trú Quốc gia, chuyên bênh vực quyền của di dân, một tổ chức có trụ sở tại Los Angeles, đại diện.

Trong khi chờ đợi luật được tu chính, sửa đổi hay bãi bỏ, di dân sanh tại nước ngoài không còn cách nào khác hơn là đến các tiểu bang lân cận để lập hôn thú.

VOA Express

XS
SM
MD
LG