Đường dẫn truy cập

13 phụ nữ Việt Nam làm việc ở Ả-rập Saudi kể chuyện bị ngược đãi


Những người phụ nữ Việt Nam cầm bảng kêu cứu trong một cơ sở tạm trú dành cho lao động nước ngoài gặp khốn khó, ở Riyadh, Ả-rập Saudi. Nhiều người trong số này nói họ bị chủ lao động hành hạ.
Những người phụ nữ Việt Nam cầm bảng kêu cứu trong một cơ sở tạm trú dành cho lao động nước ngoài gặp khốn khó, ở Riyadh, Ả-rập Saudi. Nhiều người trong số này nói họ bị chủ lao động hành hạ.

Xuất khẩu lao động trong những năm gần đây đã mở ra cơ hội cho nhiều người ở Việt Nam cải thiện đời sống của mình và gia đình.

Thu nhập cao và ổn định hơn so với cùng ngành nghề trong nước là một trong những điểm thu hút chính.

Đối với nhiều người, đi làm việc ở nước ngoài là cách duy nhất giúp họ thoát khỏi cuộc sống khốn khó ở những vùng quê hẻo lánh, nơi mà đa số người dân làm nghề nông và thu nhập ít ỏi khiến họ chật vật sinh tồn.

Nhưng đằng sau một công việc trả lương cao có thể là những câu chuyện mưu sinh cực nhọc và nhiều cay đắng, để lại những chấn thương về thể chất và tinh thần.

Mười ba lao động nữ người Việt tại một cơ sở tạm trú ở thủ đô Riyadh ở Ả-rập Saudi kể cho VOA về điều mà họ nói là sự ngược đãi của chủ lao động dưới những hình thức khác nhau. Tất cả họ đều lâm vào tình trạng cùng quẫn.

Đây là một phần câu chuyện của họ:

H'Thái Ayun

37 tuổi • Dân tộc Ê Đê • Đắk Lắk

"Hồi đó bà chủ không có mua đồ dùng cá nhân cho em nên em lén dùng xà bông và bông tắm của bà chủ. Bà chủ bắt em đền một cái là 30 riyal tương tương 180.000 tiền Việt Nam. Em có cãi nhau với bà chủ, em nói công ty có nói là bà chủ phải mua đồ dùng cá nhân cho tôi, nhưng mà bà chủ lại nói ngược là em không có dùng bông tắm mà dùng khăn tắm của bà ấy.

"Em mang dép tổ ong từ bên Việt Nam sang, em đi trong nhà nó rách. Em nói với bà chủ, bà chủ ơi mua dép cho tôi đi, dép của tôi rách rồi. Bà ấy không có mua. Sàn nhà ở bên sa mạc rất lạnh, em phải đi chân đất hai, ba ngày. Em có nói với bà chủ rồi mà bà chủ không muốn nghe, không nói lại một lời nào luôn."

La Thị Tỉ

43 tuổi • Dân tộc Thái • Nghệ An

"Tự dưng đang làm việc thì bà chủ bảo đi ra công ty. Em hỏi đi ra công ty làm gì, tôi còn ba tháng nữa là tôi hết hợp đồng rồi. Bà ấy nói là đi ấn dấu vân tay rồi làm việc cho tôi. Em lại không biết tiếng. Bà chủ đưa đi một nhà môi giới bên này, bà ấy bán cho nhà môi giới đấy. Đúng là một tháng 10 ngày, cái nhà đấy thu đi điện thoại, bắt làm từ 6 giờ sáng tới 3 giờ sáng mới được ngủ, bắt làm suốt, tiền lương không trả. Lúc đó em mới chạy ra công an. Nếu mà em không chạy ra công an là bị nó đánh đập. Những người da đen thì đánh nhiều lắm. Em thì chưa bị đánh mà nó bắt làm nhiều lắm, không đủ sức mà làm."

Mã Thị Tùng

30 tuổi • Dân tộc Hmông • Lai Châu

"Nhà rất là to, hai cái nhà. Em làm từ 7 giờ tới 3-4 giờ sáng mới được nghỉ. Em chỉ có ngủ được 2-3 tiếng thôi, rất là mệt, đau hết cả tay cả chân. Em làm gần hết hợp đồng còn bốn tháng thôi thì em mới được nghỉ lúc 12 giờ, ngủ đến 6 giờ thì lại dậy đi làm.

"Em đang quét cái sân của họ thì bà chủ bảo em vào làm cái phòng của bà chủ. Nhưng mà em bảo là ở trong phòng thì có đèn, ở ngoài thì không có đèn, cho em quét xong đã hẵng vào thì bà chủ kêu. Em bảo tí đã thì bà chủ cứ kêu nhiều nhiều. Thế là bà chủ xuống bà chủ đánh em. Em bảo là không có chuyến bay cho em về Việt Nam thì đánh em chết ở đây cũng được vì em cũng giống như con của bà chủ thôi.

"Vào trong phòng thì họ lục cái nọ cái kia xem em có trộm của họ cái gì không, nhưng mà em không trộm cái gì. Họ nhìn thấy tiền của em thì họ lấy 200 [riyal]. Họ cũng giữ máy điện thoại của em."

Vi Thị Lan

25 tuổi • Dân tộc Thái • Thanh Hóa

"Em bị nhà chủ hành hạ trước khi em hết hợp đồng hai năm. Em bảo là em nhớ gia đình, em nhớ con cái, em muốn về nước. Từ đấy em đòi về là chủ hành hạ. Nó đánh đập, nó đẩy xuống cầu thang rồi nó đá, lấy gậy đánh.

"Chủ của em chuyển đến nhà mới. Nó bảo xách cái va-li để mày về nước, nó nói thế. Chở đến nhà ở Riyadh thì nó cứ đánh đập em, nó nhốt cửa không cho ra. Cái nhà ở Riyadh nó khóa lại, lúc đó em chỉ mở cái ô cửa ra để mà thở để mình sống thôi. Em lại giơ tay ra để có người cầu cứu nhưng mà chắc là cũng không có ai. Người ta hở ra một cái là em chạy ra được ngoài. Nhưng mà hai cái chân em ông chủ đá. Em chạy ra chỗ cái đường thì em ôm cây cột em đứng giữa đường.

"Vào trại [tạm trú] thì em cũng không nhớ bởi vì lúc đó em mất trí nhớ. Có một chị gái, lúc ấy em bị nặng quá, bọn em có trộm được một cái điện thoại để gọi về thôi, chụp và quay để đăng lên [mạng xã hội] để người ta cứu em."

Lang Thị Thu

53 tuổi • Dân tộc Thái • Nghệ An

"Bắt đầu dịch thì chị không về được. Chị ốm, chị không thở được nữa. Chị kiến nghị cho chị nghỉ hai, ba ngày nhưng mà ông chủ bà chủ không cho chị nghỉ... Chị dậy từ 9 giờ rồi làm làm làm cho tới 3 giờ [sáng] mới được ngủ. Có bữa họ đi chơi không đưa chị đi thì chị mới được ngủ sớm khoảng 11, 12 giờ.

"Có ngày thì họ mắng chửi chị, nói là làm cho nhanh, nếu mà không làm nhanh thì nhà không sạch. Mà chị nói chị liệt rồi chị không làm được nữa… Chân tay của chị, hai lóng tay tê không cầm được cây chổi quét nhà, lau nhà nữa.

"Chị xin ông chủ mua vé cho [về Việt Nam] vài lần nhưng mà ông chủ nói là chưa có máy bay. Có máy bay rồi mà ông chủ vẫn không mua cho."

Hoàng Thị Asin

23 tuổi • Dân tộc Pa Kô • Thừa Thiên Huế

"Em hết hạn hợp đồng, em bảo là không làm nổi, tiền lương không có, điện thoại không cho tôi dùng. Bố mẹ tôi ở nhà cho tôi đi làm để tôi gửi tiền mà tôi không có tiền lương thì tôi làm làm gì. Nhiều lần em không chịu làm việc thì họ bảo là mua thẻ cào nạp điện thoại của họ gọi về nhà nhưng mà không cho gọi lâu, lâu nhất là năm phút.

"Lúc mà em bảo đưa em ra đồn công an hoặc là đưa em ra công ty, em không làm nữa, họ không chịu. Xong em nói em đi tự tử. Họ đưa em ra đồn công an. Công an hỏi em tại sao bạn làm vậy. Em nói là tôi không có lương, tôi không muốn làm, tôi không làm nổi nữa, tôi nhớ nhà. Đến khi em được về lại nhà chủ thì chủ bảo là bây giờ tôi trả hết tiền lương của bạn, tôi sẽ đưa bạn ra văn phòng, em nói ừ. Tiền lương của em trả đủ hết nhưng mà họ nói gửi về Việt Nam qua ngân hàng. Nhưng mẹ em ở Việt Nam nói không nhận được. Giờ em không có đồng nào."

Lữ Thị Tuyết

44 tuổi • Dân tộc Thái • Nghệ An

"Em qua đây em vào nhà chủ làm. Chủ có nhiều nhà. Em mới nói là nếu mà làm nhiều nhà như thế này thì em không có đủ sức để làm. Em xin nhà môi giới đổi chủ cho em thì họ nói là chị đừng có làm việc nữa, chị cứ ngồi đó đi, chị cứ đình công thì họ sẽ đưa ra văn phòng. Nhưng mà em cũng không nghỉ ngày nào hết vì em sợ họ đánh em. Em cố cho đến hết hợp đồng thì em đòi về. Họ nói không có máy bay. Tháng nào em đòi thì họ cũng nói không có máy bay. Rồi thì làm nhiều quá em không có đủ sức nữa, đầu của em tê đi một nửa.

"Em vào trong trại [tạm trú] em không nhớ được cái gì nữa, không nhớ được phòng mình ở đâu để mà về phòng mình nữa. Đến bây giờ thì một nửa người em từ trên đầu xuống chân tê đi rồi, em đi nhắc nhắc. Muốn lấy thuốc để uống nhưng mà không có, không biết lấy ở đâu. Đêm nào em cũng ngâm chân bằng nước nóng. Trước khi đi ngủ em ngâm một tí cho nó đỡ nhưng mà cũng không thấy đỡ. Muốn uống thuốc cũng không có thuốc để uống mà muốn về cũng không có máy bay để về."

Vàng Thị Hoa

36 tuổi • Dân tộc La Chí • Hà Giang

"Vào nước Saudi này nói chung không được ra ngoài, chỉ làm việc nhà thôi. 8 giờ dậy làm đến 12 giờ đêm mới được ngủ. Nếu mà hôm nào có khách thì 3 giờ sáng mới được ngủ, 8 giờ lại dậy làm tiếp.

"Lúc chưa hết hợp đồng thì bà chủ trả lương đầy đủ nhưng mà hết hợp đồng rồi thì lương cũng không tăng. Em cũng không hiểu tại sao lúc em lĩnh lương rồi thì lại trừ tiền lương em 2000 [riyal] với lại em làm hai tháng cuối bà chủ không trả."

Ma Thị Đào

34 tuổi • Dân tộc Tày • Bắc Kạn

"Ban đầu em đi xuất khẩu lao động, em khám sức khỏe thì không [đủ tiêu chuẩn]. Em tưởng là tới nhà chủ đến khi ốm yếu thì được chủ đưa đi khám, nhưng chủ không đưa đi. Bởi vì em ốm yếu không làm việc được nên chủ hành hạ em. Chủ đánh đập em nhiều lắm. Em bị huyết áp thấp. Họ đấm em vào mặt hai ba phát xong rồi bà chủ kéo tóc.

"Hợp đồng của em chưa hết hạn đâu. Bởi vì em ốm yếu không làm việc được nên chủ đưa em vào công an, công an đưa em vào trại [tạm trú]."

Nguyễn Thị Quyết

34 tuổi • Dân tộc Mường • Hòa Bình

"Ông chủ gọi em ra vườn. Ông ấy cầm cây củi to như bắp đùi của em luôn. Em đi trước, ông ấy đi sau. Ông ấy lấy cái thanh củi đấy đập lên đầu em. Lúc đấy theo phản xạ em ngã xuống, chỉ biết ôm đầu thôi. Máu chảy xuống hết cả một bên mặt. Bên Ả-rập phải bịt khăn không được hở tóc, hai cái khăn trắng thấm ướt toàn máu là máu. Em chạy vào bà chủ, em bảo là tại sao em có làm gì ông chủ đâu mà ông chủ lại đánh em như thế này. Bà chủ thấy em chảy nhiều máu quá bà ấy chạy vào trong phòng lấy băng băng vào nhưng mà vẫn không được. Một lúc sau máu vẫn chảy ướt hết cả cái băng trắng. Bà ấy mới vào lấy cái áo của thằng bé ba tuổi con bà ấy chịt lên đầu em thì lúc đấy máu mới không còn ra nữa.

"Khi em vào trại [tạm trú] chủ không trả bất cứ giấy tờ, hành lý hay điện thoại gì hết… Vào đây một thời gian dài không có sự giúp đỡ của bên công ty, của Bộ Lao động, của đại sứ quán. Chỉ khi bọn em làm video phát tán trên mạng xã hội, đại sứ quán họ xem được thì lúc đó họ mới vào đây. Nhưng mà họ vào đây họ cũng không thể giúp được gì. Họ chỉ nói là những người nào có khả năng đặt vé để về nước ở mức 30 triệu tiền Việt Nam nhưng mà bọn em không có đủ khả năng."

Lý Thị Non

47 tuổi • Dân tộc Dao • Lai Châu

"Hết hợp đồng hai tháng chủ không trả lương, không cho ăn uống đầy đủ. Chăm sóc con cho bà chủ và làm hai nhà. Chỉ ngủ được một tí là phải dậy làm việc."

Là Thị Lập

30 tuổi • Dân tộc Thái • Lai Châu

"Em hết hợp đồng rồi em vào trong trại [tạm trú]. Lúc còn làm, ông chủ đánh em, đánh vào tay vào chân. Làm thì tới 3 giờ, 4 giờ sáng mới được ngủ. Tiền lương còn bốn tháng nữa bà chủ chưa trả.

"Nhà em nghèo lắm. Bố mẹ cũng già rồi, cũng bệnh. Em còn một đứa con nữa… Em không có đồng nào, em không đủ mua vé về đâu."

Cầm Thị Hoa

41 tuổi • Dân tộc Thái • Thanh Hóa

"Chị làm ở nhà chủ được 20 tháng, họ trả lương 12 tháng. Sau đó chị hỏi lương 8 tháng thì bà chủ đánh chị. Chị cũng nói với bà chủ là không thích tôi thì đưa tôi về Việt Nam, thứ hai là tiền lương không trả, tôi hỏi lương thì bà lại đánh tôi. Bà ấy cũng không nói gì. Chị nói thế lại đánh chị."

VOA Express

XS
SM
MD
LG