Đường dẫn truy cập

Một năm sau thỏa thuận hạt nhân Iran: Tuân thủ nhưng đề phòng


Ngoại trưởng Mỹ John Kerry trò chuyện với người đồng cấp Iran Mohammad Javad Zarif tại Vienna, Áo, 16/1/2016.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry trò chuyện với người đồng cấp Iran Mohammad Javad Zarif tại Vienna, Áo, 16/1/2016.

Một năm trước, các nhà ngoại giao từ Iran và nhóm 6 cường quốc mệt mỏi bước ra từ một cuộc họp tại một khách sạn sang trọng ở Vienna, Áo, với điều mà họ nỗ lực đạt được sau gần 2 năm: một thỏa thuận toàn diện giới hạn chương trình hạt nhân của Iran để đổi lấy việc dỡ bỏ các chế tài kinh tế khắc nghiệt.

Ngày nay, thỏa thuận có hiệu lực với kết quả rõ ràng trong các thành phần chính, nhưng cũng có những nghi ngờ dai dẳng từ cả hai phía rằng bên kia có thể lạm dụng và không tuân thủ nghĩa vụ.

“Chúng ta phải tiếp tục làm việc và sẽ tiếp tục làm việc. Chúng ta có một vị đại sứ đặc biệt với nhiệm vụ hàng ngày là dẫn đầu một toán chuyên gia đảm bảo rằng thỏa thuận này vẫn được tuân thủ và rằng chúng ta vẫn có thể giải quyết được bất kỳ vấn đề nào”, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tuyên bố hôm nay.

Tổng thống Barack Obama gọi thỏa thuận này là một thành công. Ông nói “Tất cả các ngã đường Iran tiến tới vũ khí hạt nhân vẫn bị khép lại.” Ông cho biết thỏa thuận thực thi hồi tháng Giêng đã đẩy khung thời gian để Iran phát triển vũ khí hạt nhân, trong trường hợp nước này vi phạm thỏa thuận, từ hai hoặc ba tháng đến “khoảng một năm.”

Nhưng những người Mỹ phản đối thỏa thuận này từ một năm trước vẫn không thay đổi quan điểm cho rằng thỏa thuận sẽ không ép được Iran chấm dứt các hoạt động quân sự tại Trung Đông hoặc ngăn chặn được nước này phát triển vũ khí hạt nhân.

Thượng nghị sĩ James Risch, một đảng viên Cộng hòa thuộc bang Idaho, nói với một ủy ban quốc hội rằng “Thỏa thuận này ngày càng tệ đi rất nhiều.” Ông nhấn mạnh: “Iran đang tiếp tục làm những việc trái quấy” chẳng hạn như tiến hành thử nghiệm phi đạn đạn đạo.

Ông Risch đề nghị Mỹ phải tự mình thực thi thỏa thuận, đồng thời tuyên bố rằng năm nước khác cùng tán thành thỏa thuận gồm Anh, Trung Quốc, Pháp, Nga và Đức “sẽ không giúp chúng ta.”

Các cuộc thương lượng khởi nguồn từ quan ngại của Tây phương từ năm 2002 rằng Iran đang phát triển vũ khí hạt nhân, điều mà chính phủ Iran nhiều lần phủ nhận. Có những biện pháp trừng phạt của Liên hiệp quốc và các chế tài khác bởi Hoa Kỳ và Liên hiệp Châu Âu nhằm gây sức ép buộc Iran từ bỏ mọi tham vọng vũ khí hạt nhân. Iran lúc bấy giờ vẫn duy trì hoạt động hạt nhân chủ yếu tập trung vào việc làm giàu uranium, trong lúc các biện pháp trừng phạt làm tổn hại nền kinh tế quốc gia.

Các cuộc đàm phán đạt bước đột phá vào cuối năm 2013 khi Iran và sáu cường quốc thế giới đạt được thỏa thuận tạm thời với một số giới hạn về hoạt động hạt nhân của Iran và việc nới lỏng một số biện pháp trừng phạt.

Các bên tự ra thời hạn tới giữa năm 2014 đi tới một thỏa thuận toàn diện, nhưng cũng giống như đa phần tiến trình thương thuyết, các cuộc đàm phán gặp trở ngại và nhiều lần để lỡ thời hạn. Một loạt các cuộc họp căng thẳng cuối cùng kéo dài suốt ba tuần ở Vienna rốt cuộc đã chung quyết được thỏa thuận.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG