Đường dẫn truy cập

LHQ tố cáo Iran vi phạm nhân quyền của ký giả, luật sư


Chuyên gia LHQ cảnh báo rằng tình hình nhân quyền ở Iran đang có những 'xu thế đáng báo động'
Chuyên gia LHQ cảnh báo rằng tình hình nhân quyền ở Iran đang có những 'xu thế đáng báo động'
Chuyên gia Liên Hiệp Quốc phụ trách việc theo dõi tình hình nhân quyền Iran cảnh báo rằng tình hình nhân quyền ở nước này đang có những “xu thế đáng báo động”, bao gồm việc truy tố những người bảo vệ nhân quyền và luật sư, xử tử mà không thông qua những cuộc xét xử công bằng, và giam giữ các nhà báo cùng với những nhà bình luận trên internet. Từ trụ sở Liên Hiệp Quốc ở New York, thông tín viên VOA Margaret Besheer gởi về bài tường thuật sau đây.

Trong bản báo cáo thứ ba nộp cho Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, ông Ahmed Shaheed, báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc, nói rằng tình hình nhân quyền nói chung ở Iran “rất đáng lo âu”.

Quốc gia Hồi giáo này là một trong những nước có tỉ lệ hành quyết cao nhất thế giới. Những người bị xử tử phần lớn là những người phạm các tội, như buôn lậu ma túy, là những tội mà theo các tiêu chuẩn quốc tế không phải là nghiêm trọng nhất và đáng bị tử hình.

Chỉ riêng trong tuần này, Tehran loan báo có thêm 10 người bị xử tử về các tội liên quan tới ma túy. Những người chưa tới tuổi thành niên cũng bị lãnh án tử hình.

Tại cuộc họp báo hôm thứ tư, ông Shaheed báo cáo những số liệu cho thấy những người hành nghề ký giả và luật sư là những người bị bách hại nhiều nhất.

Ông Shaheed cho biết: "Tình hình nhân quyền nói chung ở nước này vẫn tiếp tục gây lo ngại. Thí dụ, số ký giả bị giam ở Iran hiện nay là một trong những con số cao nhất trên thế giới, với hơn 40 người vẫn còn bị cầm tù."

Báo cáo của ông Shaheed cho biết từ tháng giêng đến tháng 5 năm nay có ít nhất 19 nhà báo đã bị bắt. 10 người trong số đó đã được thả. Ông nói rằng các nhà báo bị giam trong những điều kiện tồi tệ và thường bị biệt giam.

Ông Shaheed cũng cho biết những ký giả khác bị theo dõi thường xuyên. Họ còn bị hăm dọa là bản thân họ và người trong gia đình có thể bị bắt, tạo ra một bầu không khí sợ hãi và đe dọa.

Những nhà báo tự do và những nhà bình luận trên mạng cũng bị câu lưu dựa theo các luật lệ về internet. Những luật này qui định việc quản lý nội dung và hoạt động trên mạng và đòi hỏi các quán cà phê internet phải lập hồ sơ và lưu trữ thông tin của người sử dụng và hoạt động trên mạng của họ trong 6 tháng.

Ông Shaheed nói: "Những luật lệ mới về tội phạm trên mạng và về quán cà phê internet tìm cách hạn chế quyền tự do diễn đạt và quyền thông tin và rõ ràng là được dùng để truy tố những người dùng phương tiện truyền thông này để chỉ trích chính phủ. 19 công dân mạng đã bị bắt giam, trong đó có 4 người bị tuyên án tử hình.

Các luật sư và những người bênh vực nhân quyền cũng bị đàn áp bởi chính phủ Iran hiện nay."

Báo cáo của ông Shaheed ước tính khoảng 32 luật sư đã bị truy tố kể từ năm 2009 và có ít nhất 9 luật sư biện hộ hiện đang bị cầm tù.

Báo cáo viên đặc biệt Shaheed được Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc giao trách nhiệm điều tra và theo dõi tình hình nhân quyền ở Iran, nhưng chính phủ Iran không để cho ông được vào nước họ. Ông cho biết ông đã thực hiện 99 cuộc phỏng vấn với những người bên trong Iran và những người ở nước ngoài.

Báo cáo của ông thúc giục chính phủ Iran đặc biệt lưu ý tới những luật lệ trong nước vi phạm các quyền được bảo đảm trong 5 hiệp ước nhân quyền quốc tế mà Iran ký kết và điều tra một cách thỏa đáng và ngăn chặn những vụ vi phạm nhân quyền.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG