Đường dẫn truy cập

Liên Hiệp Quốc tiếp tục chia rẽ về vấn đề Syria


Ðại sứ Anh Mark Lyall Grant và Ðại sứ Mỹ tại LHQ Susan Rice
Ðại sứ Anh Mark Lyall Grant và Ðại sứ Mỹ tại LHQ Susan Rice
Hội đồng Bảo an LHQ hôm thứ tư mở một cuộc họp kín để bàn về tình hình Syria. Theo thông tín viên VOA Larry Freund ở New York, các nhà ngoại giao tham dự cuộc họp rõ ràng đã không đồng ý với nhau về hành động kế tiếp của Hội đồng Bảo an nhằm chấm dứt cuộc giao tranh giữa lực lượng chính phủ Syria và phe chống đối.

Đặc sứ Kofi Annan hồi đầu tuần này đã tiến hành những cuộc thảo luận về vấn đề Syria tại Damascus, Tehran và Baghdad. Hôm thứ tư, ông đã báo cáo tại cuộc họp kín của Hội đồng Bảo an. Phát biểu trực tuyến từ Geneve, ông Annan nhắc lại với các phóng viên báo chí lời khuyến cáo của ông gửi tới các nhà ngoại giao là nếu Hội đồng bảo an nói lên một tiếng nói chung thì tiếng nói đó sẽ mạnh hơn rất nhiều.

Ông Annan nói: "Chúng ta phải làm sao để có thể hợp tác với nhau để đạt được lợi ích chung, thay vì đi theo những hướng khác nhau. Nếu không như vậy, mọi người đều bị thua thiệt và người dân Syria sẽ trở thành những nạn nhân lớn nhất."

Ðặc sứ Annan nói với Hội đồng Bảo an rằng việc chính phủ Syria và phe đối lập tiếp tục làm ngơ những nghị quyết đòi chấm dứt giao tranh sẽ có những hậu quả rất tai hại. Nhưng sự đoàn kết mà ông Annan đang thúc giục đã không được tỏ lộ khi các vị đại sứ tại LHQ rời khỏi cuộc họp và nói chuyện với các phóng viên.

Nga đã đề nghị một nghị quyết mà trên cơ bản là gia hạn sứ mạng của phái bộ LHQ tại Syria để giám sát một cuộc ngưng bắn. Sứ mạng này sẽ chấm dứt vào ngày 21 tháng 7. Ðại diện của Pháp gọi đề nghị của Nga là “không hữu hiệu”. Ðại sứ Anh Mark Lyall Grant đề nghị một nghị quyết thay thế, trong đó nói rõ rằng hội đồng bảo an nhất quyết đòi thực thi yêu cầu chấm dứt giao tranh.

Ðại sứ Grant nói: "Và vì thế, nghị quyết này bao gồm cả một lời đe dọa rõ ràng là các biện pháp chế tài sẽ được áp dụng nếu chế độ Syria không thực hiện bước đầu tiên là chấm dứt việc sử dụng các vũ khí hạng nặng trong một thời gian nhất định."

Ðại sứ Lyall Grant cho biết ông hy vọng tất cả 15 nước thành viên của Hội đồng bảo an sẽ ủng hộ bản nghị quyết, trong đó các biện pháp cấm vận sẽ căn cứ vào Chương 7 của Hiến chương LHQ, cho phép hội đồng hành động khi hòa bình bị đe dọa.

Tuy nhiên, Trung Quốc và Nga - hai nước có quyền phủ quyết tại Hội đồng Bảo an - trước đây đã ngăn chận nỗ lực của các nước Tây phương đòi trừng phạt Syria. Ðại diện của Nga, ông Alexander Pankin, kêu gọi tạo áp lực đối với tất cả các phe phái ở Syria, cùng với sự đồng ý của Hội đồng Bảo an về phương cách giúp đỡ đặc sứ Annan.

Ông Pankin nói: "Điều đó không nhất thiết là phải thực hiện dựa theo Chương 7. Chương 7 là chọn lựa cuối cùng. Trong nhiều trường hợp, Chương 7 không phải là một công cụ hữu hiệu cho lắm nếu không có ý chí chính trị của các nước tham gia vào tiến trình to lớn này."

Ðại sứ Mỹ tại LHQ Susan Rice nói rằng Hội đồng Bảo an nên làm rõ, qua việc viện dẫn chương 7 của bản Hiến chương LHQ, rằng sẽ có những hậu quả rõ ràng nếu Syria không tuân thủ nghị quyết.

Bà Rice nói: "Tình trạng bạo động phải chấm dứt và tiến trình chuyển tiếp dẫn tới một chính phủ Syria hậu Assad phải bắt đầu."

Hội đồng Bảo an đang đối mặt với một thời hạn chót để cứu xét một nghị quyết trước ngày 21 tháng 7, khi sứ mạng của phái bộ quan sát tại Syria hết hạn.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG