Đường dẫn truy cập

LHQ lập hồ sơ vi phạm nhân quyền của Bắc Triều Tiên


Lãnh tụ Bắc Triều Tiên Kim Jong Un.
Lãnh tụ Bắc Triều Tiên Kim Jong Un.

Trong khi thành tích nhân quyền tồi tệ của Bắc Triều Tiên bị che phủ vì những vụ thử nghiệm hạt nhân và phi đạn có tích cách khiêu khích mới đây của Bình Nhưỡng, Liên hiệp quốc tiếp tục thu thập chứng cứ để truy tố Kim Jong Un và các cấp lãnh đạo của ông này về những tội ác chống nhân loại. Thông tín viên Brian Padden của đài VOA tường thuật từ Seoul.

Vào năm 2014, một Uỷ ban Điều tra Liên hiệp quốc về nhân quyền tại Bắc Triều Tiên viết tắt là COI công bố một phúc trình, trong đó nói tới một mạng lưới các nhà tù chính trị giam giữ 120.000 người và một danh sách những vụ tàn sát bao gồm “thu tiêu, giết hại, nô dịch, tra tấn, bỏ tù, hãm hiếp, buộc phá thai và những bạo động tình dục khác.”

Phúc trình cũng kêu gọi Liên hiệp quốc đưa nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên ra Tòa án Hình sự Quốc tế ICC về những tội phạm chống nhân loại.

Đại hội đồng Liên hiệp quốc bỏ phiếu ủng hộ khuyến nghị đưa lãnh tụ Bắc Triều Tiên ra trước Tòa án Hình sự Quốc tế, nhưng nghị quyết này bị chặn lại tại Hội đồng Bảo an vì đồng minh của Bắc Triều Tiên là Trung Quốc và Nga chắc chắn sẽ phủ quyết nếu vấn đề này được đưa ra biểu quyết.

Lập hồ sơ

Ông Marzuki Darusman báo cáo viên đặc biệt của Liên hiệp quốc về Bắc Triều Tiên.
Ông Marzuki Darusman báo cáo viên đặc biệt của Liên hiệp quốc về Bắc Triều Tiên.

Tuy nhiên, việc này vẫn tiếp tục được thực hiện bởi các tổ chức nhân quyền quốc tế và văn phòng Cao ủy trưởng Nhân quyền Liên hiệp quốc để hình thành một vụ kiện chống lại các giới chức Bắc Triều Tiên, nếu và khi nào chính phủ Kim Jong Un sụp đổ hay các giới chức nước này bị qui trách nhiệm tại một tòa án.

Ông Marzuki Darusman báo cáo viên đặc biệt của Liên hiệp quốc về Bắc Triều Tiên nói.

“Điều này khá độc đáo, khi ta so sánh với tập tục thông thường là việc đòi hỏi công lý được thực hiện sau khi có một sự kiện lớn xảy ra.”

Ông Darusman và những nhà hoạt động nhân quyền khác có mặt tại Seoul ngày hôm nay để tham dự một diễn đàn về những điều cần phải làm thêm để qui trách nhiệm cho các giới chức Bắc Triều Tiên về những vi phạm nhân quyền đang xảy ra tại quốc gia này.

Năm ngoái, Liên hiệp quốc thành lập Văn phòng Cao ủy Liên hiệp quốc về Nhân quyền OHCHR tại Seoul để thu thập các lời chứng và chứng cứ từ 30.000 người đào tị Bắc Triều Tiên để củng cố việc truy tố vi phạm nhân quyền tại Bắc Triều Tiên. Bà Signe Poulsen, Đại diện Văn phòng OHCHR Seoul nói tuy có tiến bộ chậm chạp, nhưng khó có căn bản pháp lý để khởi kiện nếu chỉ căn cứ trên những lời chứng của những người đào tị không thôi.

“Việc kiểm chứng cực kỳ khó khăn và đây là một thách thức đang xảy ra, và đó là điều mà tôi nghĩ chúng ta phải dè dặt vì chúng ta không được tiếp cận với những gì xảy ra tại chỗ.”

Hệ thống chỉ huy

Là lãnh tụ tối cao của Bắc Triều Tiên, ông Kim Jong Un chịu trách nhiệm tối hậu về những vụ tàn sát có hệ thống tại nước này, và các nhà điều tra nói có những chỉ thị và tài liệu viết chứng tỏ ông có liên hệ trực tiếp với những tội ác này.

Ông Greg Scarlatiou, một người bênh vực nhân quyền làm việc cho cơ quan Nhân quyền Bắc Triều Tiên nói điều quan trọng là nêu tên những cá nhân rõ rệt ngoài nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên, để cảnh báo những thủ phạm trung cấp trong các cơ quan an ninh là họ cũng có thể bị qui trách.

“Chúng tôi biết những cơ quan này, chúng tôi biết hệ thống cấp bậc trong các cơ quan này và chúng tôi cũng có nhiều danh sách ghi rõ tên tuổi của các giới chức vẫn đang còn làm việc, đang giữ những chức vụ tại các cơ quan này.”

Tuy nhiên, ông Remko Breuker, một nhà phân tích về Bắc Triều Tiên tại Trường đại học Leiden ở Hà Lan, nói cần phải có một số phân biệt giữa những người ra lệnh và những người thi hành. Và ông hy vọng vấn đề này cuối cùng sẽ được giải quyết tại một tòa án Bắc Triều Tiên vào một lúc nào đó trong tương lai hơn là Tòa án Hình sự Quốc tế.

“Việc qui trách nhiệm này ngưng lại ở đâu? Khi nào mọi người không có cách lựa chọn nào khác là tuân lệnh? Đây là những vấn đề nên để cho người Bắc Triều Tiên quyết định.”

Xác nhận quyền của các nạn nhân

Bảo tàng ở Berlin, Đức trưng bày một bộ sưu tập về các vấn đề nhân quyền ở Bắc Triều Tiên.
Bảo tàng ở Berlin, Đức trưng bày một bộ sưu tập về các vấn đề nhân quyền ở Bắc Triều Tiên.

Ngoài việc lập hồ sơ để đưa ra tòa, luật sư nhân quyền Jared Genser thuộc công ty luật Perseus Strategies, nói công khai thu thập tài liệu về những hành vi tàn ác và có hệ thống cũng có thể hành động để củng cố quyền của các nạn nhân và những điều họ trải qua.

“Những gì họ trải qua thật khủng khiếp, điều tệ hại nhất có thể xảy ra, việc một cá nhân đối xử với một cá nhân khác như vậy là không đúng, là bất hợp pháp theo luật quốc tế, và cộng đồng quốc tế công nhận là bất công đã xảy ra.”

Trong khi việc mang những thủ phạm vi phạm nhân quyền và tàn sát ra trước công lý dường như khó xảy ra trong tương lai gần, các giới chức Liên hiệp quốc này và các nhà hoạt động nói môi trường chính trị một ngày nào đó sẽ thay đổi và họ tiếp tục chuẩn bị cho ngày này.

Những chế tài mới của Liên hiệp quốc được áp đặt lên Bắc Triều Tiên tiếp sau những vụ thử nghiệm hạt nhân và phóng rốckết trước đây trong năm không có liên hệ rõ ràng với những vụ vi phạm nhân quyền tại nước này.
Tuy nhiên, Hoa Kỳ đã xem việc Bắc Triều Tiên phổ biến vũ khí hạt nhân và những hành vi tàn ác đang tiếp diễn có thể là cơ sở để áp dụng thêm các biện pháp chế tài đơn phương.

Trong năm nay, Nam Triều Tiên cũng chấp thuận những biện pháp mới để thu thập chứng cứ về những vụ vi phạm nhân quyền của Bắc Triều Tiên và làm việc để cải thiện tình trạng nhân quyền tại Bắc Triều Tiên.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG