Đường dẫn truy cập

LHQ hỗ trợ Myanmar chống buôn lậu ma túy


Ma túy tịch thu được mang ra đốt trong vùng ngoại ô Rangoon của Miến Điện
Ma túy tịch thu được mang ra đốt trong vùng ngoại ô Rangoon của Miến Điện

Cơ quan Liên Hiệp Quốc đặc trách Ma túy và Tội ác đang khởi sự một chương trình mới giúp hệ thống thi hành công lực của Myanmar làm tốt hơn công tác diệt trừ nạn buôn lậu ma túy và tội phạm xuyên quốc gia. Các tổ chức nhân quyền hoan nghênh chương trình này là một cách để giải quyết tình trạng đặc miễn và các hoạt động tội phạm mà Liên Hiệp Quốc cảnh báo đang gây phương hại cho các nỗ lực phát triển của Myanmar.

Chương trình kéo dài 4 năm với kinh phí 45 triệu đôla được đưa ra vào lúc Cơ quan đặc trách Ma túy và Tội phạm của Liên Hiệp Quốc, còn gọi tắt là UNODC, nói rằng hoạt động tội phạm ở Myanmar đang gây phương hại cho sự phát triển của nước này, làm gia tăng tình trạng thiếu an ninh cho dân chúng, và đe dọa đến các cuộc đàm phán hòa bình nhằm chấm dứt các vụ nổi dậy sắc tộc.

Ðại diện của UNODC tại khu vực Ðông nam Á và Thái Bình Dương, ông Jeremy Douglas nói nền kinh tế ‘đen’ hoạt động lén lút này đem lại hàng triệu đôla được rửa vào các lãnh vực khác của nền kinh tế, đe dọa đến xã hội rộng lớn hơn.

Ông Douglas nói nền kinh tế đen rất rộng lớn ở miền bắc Myanmar, chủ yếu do ma túy thúc đẩy, nhưng cũng còn rất nhiều hoạt động buôn bán lậu đi trước nữa, có các hình thức buôn bán lậu khác và các vấn đề xuyên quốc gia đem lại khoản thu nhập to lớn, khoản thu nhập không nằm trong tay của nhiều người và đồng thời số tiền cần được di chuyển và hợp thức hóa. Vì thế nó thực sự tác động đến nền kinh tế chính thức.

Trong khi nền kinh tế của Myanmar đã phát triển trong những năm gần đây, được thúc đẩy bởi các cải cách kinh tế và chính trị, Myanmar vẫn gặp khó khăn vì vấn đề chính quyền tham nhũng ở mức cao. Tổ chức Minh bạch Quốc tế xếp hạng Myanmar rất thấp, nằm ở vị trí 157 trong số 177 quốc gia.

Chương trình của Liên Hiệp Quốc, thoạt đầu được tài trợ bởi Hoa Kỳ, là nguồn cung cấp tài chính cho các nỗ lực cải thiện các khả năng thi hành công lực trong việc giải quyết vấn đề tội phạm xuyên quốc gia, trong đó có nạn buôn bán người và ma túy. Chương trình này còn bao gồm các biện pháp chống tham nhũng, và những cải cách về hệ thống nhà tù và công lý tội phạm. Ông Douglas nói một mục tiêu chính yếu là phát triển các hoa mầu thay thế cho các nông gia trồng thuốc phiện ở miền đông bắc Myanmar.

Myanmar là nước lớn nhất về sản xuất ma túy nhân tạo ở Ðông nam Á và là nước sản xuất thuốc phiện đứng hàng thứ nhì sau Afghanistan.

Các nhà hoạt động nhân quyền cho rằng công cuộc mua bán thuốc phiện và ma túy đã dẫn đến tình trạng các cá nhân có thế lực tiến lên các chức vụ cao trong chính trường, kể cả ở quốc hội. Nhà hoạt động cho nhân quyền ở Myanmar, bà Debbie Stothard nói thế lực ngày càng tăng của những người như thế là nguyên do gây quan ngại vào lúc nền kinh tế nước này phát triển:

“Nhiều kẻ đồng phạm bị liệt vào sổ đen đang được các doanh gia quốc tế tôn vinh đã trở nên giàu có nhờ tham nhũng và nhờ các liên hệ với những hoạt động tội phạm. Ðiều chúng ta đang thấy hiện nay là một tình hình trong đó thế hệ trước của những kẻ tội phạm, tội phạm có tổ chức, trong nhiều trường hợp đã trở nên được kính nể dưới chế độ cải cách hiện thời.”

Bà Stothard nói những người thân cận với các mạng lưới buôn lậu ma túy ở Myanmar được bầu vào quốc hội trong cuộc bầu cử năm 2010. Bà nói có một sự liên hệ giữa những người này và các tỷ lệ cao về sản lượng thuốc phiện. UNODC báo cáo một sự tăng vọt tới 26 phần trăm về sản lượng thuốc phiện ở Myanmar trong năm 2013 lên tới 870 tấn, dựa vào việc trồng trọt gia tăng.

Bà Stothard nói những quan ngại về nhân quyền và tình trạng thiếu tự do và pháp trị được cho là có liên hệ đến sự gia tăng về tội phạm trong những năm gần đây. Nhu cầu gia tăng về đất đai để phát triển cũng đã dẫn tới sự xung đột tăng cao giữa những nhà kinh doanh địa ốc và dân địa phương.

Ông Phil Robertson, phó giám đốc của tổ chức Human Rights Watch ở châu Á, nêu ra tình trạng đặc miễn kéo dài là một vấn đề ngày càng nghiêm trọng vì hoạt động tội phạm gia tăng trong nền kinh tế:

Theo ông Robertson, mối liên hệ cơ bản giữa nền kinh tế đen hay nền kinh tế tội phạm mà ta đang bàn tới và vấn đề nhân quyền là tình trạng đặc miễn mà nhiều người có được nếu họ quen biết lớn, nếu họ là một người thân cận với một vị bộ trưởng, nếu họ có quen biết với một vị tư lệnh quân đội để lạm dụng các quyền hành. Vấn đề then chốt là tình trạng đặc miễn.”

Ông Robertson nói một trắc nghiệm chính của chương trình của UNDOC sẽ là liệu nó có giảm thiểu được nền văn hóa đặc miễn này, qua việc truy tố những người có quen biết lớn dính líu đến hoạt động buôn lậu ma túy hay các hoạt động tội phạm khác hay không.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG