Đường dẫn truy cập

Lấy tuổi dọa người


Lấy tuổi dọa người
Lấy tuổi dọa người

Thỉnh thoảng, trong các cuộc cãi cọ giữa giới cầm bút, tôi nghe nhiều người cầm bút cao niên nói về các đồng nghiệp trẻ tuổi hơn họ, đại khái: Khi tôi đã in bao nhiêu cuốn sách thì nó…chưa ra đời!

Thoạt đầu, thú thực, tôi không hiểu được cái luận điệu ấy. Mình sinh ra trước thì…so what? Khi Nguyễn Du viết Truyện Kiều và trở thành nổi tiếng lừng lẫy, có lẽ nhiều nhà nho gàn dở cũng nói y như vậy: Khi tôi khăn gói đi thi hương, thi hội, thi đình thì nó… còn bú mẹ! Khi phong trào Thơ Mới rộ lên và chiến thắng huy hoàng trong trận chiến thơ ca vào đầu thập niên 1930, có lẽ nhiều người cầm bút cũng lại nói ý như vậy: Khi tôi đã có cháu ngoại, cháu nội thì bọn đó, những Thế Lữ, Xuân Diệu, Huy Cận, Hàn Mặc Tử, v.v…miệng còn hôi sữa!

Bạn có thấy nhảm không?

Nhảm chứ. Sinh trước thì đã sao? Ngày xưa, trong xã hội nông nghiệp lạc hậu, có khi tuổi tác được xem là một thế mạnh vì nó gắn liền với kinh nghiệm. Nhưng khi khoa học được phát triển và giáo dục được phổ cập, kiến thức vượt hẳn ra ngoài quỹ đạo của kinh nghiệm: nó đến chủ yếu từ học đường và từ sách vở. Lúc ấy một sinh viên mới tốt nghiệp về nông nghiệp dễ dàng áp đảo hẳn các nông dân già nua; một nhân viên trẻ tuổi ở nha khí tượng am hiểu về tình hình thời tiết hơn hẳn các vị cao niên chỉ quen ngắm trời ngắm mây và rình nghe hướng gió.

Đó là chưa kể, khi tốc độ tiến hoá của nhân loại càng nhanh, sự đảo lộn của xã hội càng nhiều, tuổi tác có khi lại trở thành một nhược điểm: Họ mất đi rất nhiều cơ hội để có được một nền giáo dục tốt cũng như mất đi khả năng thích ứng với môi trường mới, và cuối cùng, như là hậu quả của hai sự mất mát ấy, họ rất dễ dối diện với nguy cơ bị tụt hậu hoặc bị đẩy ra ngoài lề.

Trong thời đại ngày nay, hình như không ở đâu việc sinh ra trước có thể được xem là một thế mạnh, trừ một trường hợp duy nhất: cuộc chạy đua vào cõi chết.

Trong văn chương, thế giới của sự sáng tạo, tuổi tác lại càng vô nghĩa. Nó không chứng minh được điều gì cả. Trong văn học của bất cứ nước nào trên thế giới, người ta cũng có thể kể ra vô số tài năng xuất hiện khi còn rất trẻ, ngay cả khi chưa học xong trung học. Trong sự nghiệp của các tên tuổi lớn, chưa chắc những tác phẩm ra đời muộn đã hay hơn những tác phẩm đầu tay.

Vậy tại sao người ta lại hay so đo về chuyện tuổi tác?

Lý do chính là do thiếu tự tin. Một người cầm bút tài năng thừa hiểu sự nghiệp của mình nằm trong tác phẩm. Chỉ những người không có tác phẩm hoặc biết tác phẩm của mình không có giá trị gì đặc biệt mới phải ăn gian bằng cách sử dụng những tiêu chí ngoài văn học, trong đó, tiêu chí đơn giản – thực ra là ngây ngô – nhất là tuổi tác.

“Tao cầm bút lúc mày chưa ra đời!”

Với tôi, đó là một câu diễu dở của những kẻ bất tài. Và hơi kém thông minh.

  • 16x9 Image

    Nguyễn Hưng Quốc

    Nhà phê bình văn học, nguyên chủ bút tạp chí Việt (1998-2001) và đồng chủ bút tờ báo mạng Tiền Vệ (http://tienve.org). Hiện là chủ nhiệm Ban Việt Học tại trường Đại Học Victoria, Úc. Đã xuất bản trên mười cuốn sách về văn học Việt Nam.

Đường dẫn liên quan

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG