Đường dẫn truy cập

Giới lập pháp đòi Trump thúc đẩy nhân quyền Việt Nam


Lễ kỷ niệm Ngày Nhân quyền cho Việt Nam tại Quốc hội Hoa Kỳ, 11/5/2017
Lễ kỷ niệm Ngày Nhân quyền cho Việt Nam tại Quốc hội Hoa Kỳ, 11/5/2017

Lễ kỷ niệm năm thứ 23 Ngày Nhân quyền cho Việt Nam diễn ra hôm 11/5 tại Quốc hội Mỹ. Tham gia tổ chức buổi lễ là Cộng đồng Việt Nam vùng Washington DC, Maryland và Virginia, Tổ chức Tập hợp vì Nền Dân chủ, Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam và Hệ thống Truyền hình SBTN. Thượng nghị sĩ John Cornyn (đảng Cộng hòa, bang Texas) bảo trợ cho buổi lễ năm nay.

Đã 23 năm kể từ ngày Quốc hội Mỹ và Tổng thống Clinton chỉ định ngày 11/5 là Ngày Nhân quyền cho Việt Nam, song tình hình nhân quyền tại Việt Nam đến nay vẫn có nhiều vấn đề nghiêm trọng, theo Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng, chủ tịch Uỷ ban Cứu Người Vượt Biển (BPSOS), một diễn giả tại buổi lễ.

“Thứ nhất là trong thời gian gần đây có khá nhiều người bất đồng chính kiến, kể cả những người tranh đấu để đòi công lý đối với vấn đề nhiễm độc biển bởi Formosa, đã bị đánh đập và bị bắt bớ. Một điều rất đáng quan ngại nữa là càng ngày càng có vẻ là công an dùng côn đồ, xã hội đen để đánh đập người dân, để họ tránh tiếng. Một lĩnh vực nữa mà tôi cũng rất, rất quan tâm là tình trạng cướp đất của dân. Nó tạo ra người dân hết sức là khốn cùng. Và cuối cùng, chúng tôi rất quan tâm đến việc chính quyền tiếp tục đàn áp các cộng đồng tôn giáo, các tổ chức tôn giáo độc lập với chính quyền, không đăng ký hoạt động với chính quyền”.

Bên cạnh những vấn đề Tiến sĩ Thắng nêu ra, Phó Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Scott Busby đặc trách dân chủ, nhân quyền và lao động còn lưu ý đến tự do trên mạng internet và cuộc cải cách pháp lý của Việt Nam:

“Một diễn biến đáng lo ngại về nhân quyền ở Việt Nam trong năm qua là việc chính quyền tăng cường nỗ lực hạn chế các tài liệu đăng trên internet, nhất là trên Youtube và Facebook, nếu chính quyền có đó là các thông tin ‘độc hại’ hay ‘nhạy cảm về mặt chính trị’ … Có lẽ xu hướng quan trọng nhất mà tôi muốn bàn đến là những nỗ lực hiện nay của Việt Nam trong lĩnh vực cải cách pháp lý nhằm làm cho các luật phù hợp với Hiến pháp 2013 và các cam kết về nhân quyền đối với quốc tế … Nhưng tôi cần phải lưu ý rằng nỗ lực cải cách của Việt Nam có tốc độ chậm chạp hơn so với mong muốn của chúng tôi”.

Ông Busby cho hay tuần tới, Mỹ và Việt Nam sẽ thực hiện vòng đối thoại nhân quyền lần thứ 21, trước chuyến thăm của Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc tới Mỹ vào cuối tháng. Vẫn theo lời ông, những cuộc gặp cấp cao như vậy là cơ hội để Mỹ tiếp tục gây sức ép đòi Việt Nam cải thiện tình hình nhân quyền.

Trong nỗ lực gây sức ép từ phía lập pháp, Thượng nghị sĩ John Cornyn cho biết ông sẽ sớm giới thiệu lại dự luật mang tên Đạo luật Trừng phạt Nhân quyền Việt Nam, trừng phạt việc du hành của những công dân Việt Nam vi phạm nhân quyền.

Đề cập đến việc Tổng thống Trump sẽ thăm Việt Nam vào cuối năm nay, Thượng nghị sĩ Cornyn kêu gọi ông Trump sử dụng chuyến công du để nhắc lại cam kết của Mỹ với nhân quyền, cũng như nhắc nhở Việt Nam rằng có những điều kiện cho việc Việt Nam hội nhập quốc tế và gia tăng quan hệ an ninh, kinh tế với Mỹ.

Ông Cornyn nói:

“Chắc chắn là chúng ta có những lợi ích chung với Việt Nam, trong đó có hiệp định thương mại song phương, và chống lại sức mạnh quân sự cũng như những động thái hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông. Nhưng chúng ta không thể nhắm mắt làm ngơ với những gì diễn ra bên trong biên giới Việt Nam. Chúng tôi kêu gọi Việt Nam thả tất cả các tù nhân chính trị, tôn trọng nhân quyền và chấp nhận các lý tưởng dân chủ mà tất cả chúng ta đều trân quý”.

Các nhóm theo dõi nhân quyền Việt Nam cho biết hiện Hà Nội đang giam giữ 90 tù nhân lương tâm, những người hoạt động vì tiến bộ về nhân quyền và dân chủ.

Dân biểu Chris Smith (đảng Cộng hòa, bang New Jersey), ủy viên cấp cao trong Ủy ban Đối ngoại Hạ viện, nhấn mạnh:

“Không có chính phủ nào đàn áp chính người dân của mình, hạn chế các quyền tự do của họ lại có thể là đồng minh tin cậy của Mỹ. Không có chính phủ nào kiểm duyệt internet, bỏ tù các nhà bất đồng chính kiến lại có thể được tin tưởng để nhận các lợi ích thương mại và an ninh. Tổng thổng phải bảo đảm rằng chính phủ Việt Nam hiểu là cần có những cải thiện lớn để đạt được mối quan hệ đối tác vững chắc, lành mạnh giữa hai nước. Tổng thống phải nói rõ rằng việc mở rộng hơn nữa các lợi ích về thương mại và an ninh có điều kiện là những cải thiện lớn về nhân quyền, tự do, dân chủ có thể xác minh được cụ thể và không thể đảo ngược được”.

Kể từ khi lên nắm quyền hồi tháng 1 năm nay, Tổng thống Trump hầu như không có phát biểu nào đáng chú ý về nhân quyền. Trong bối cảnh như vậy, Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng thuộc BPSOS kêu gọi:

“Luật của Hoa Kỳ do Quốc hội ban hành và bất luận là đời tổng thống nào, hành pháp nào cũng phải chấp hành. Cử tri, những người Mỹ gốc Việt có thẩm quyền và có nhiệm vụ thúc đẩy Quốc hội giám sát việc thực thi của hành pháp. Thì dù không quan tâm đến vấn đề nhân quyền, vẫn phải thực thi luật của Hoa Kỳ. Năm ngoái, Quốc hội đã thông qua hai đạo luật về nhân quyền tôi nghĩ rất có hiệu quả nếu chúng ta biết sử dụng. Thứ nhất là Luật Magnitsky toàn cầu. Thứ hai là luật về bảo vệ quyền tự do tôn giáo quốc tế. Đó là hai biện pháp mà năm nay chúng tôi sẽ tận khai thác. Khía cạnh thứ hai là tự do tôn giáo. Phó tổng thống Mike Pence là người rất quan tâm đến quyền tự do tôn giáo. Chúng tôi phải làm sao thúc đẩy để đưa vấn đề tự do tôn giáo đang bị đàn áp trầm trọng ở Việt Nam để mà được sự chú ý của hành pháp Trump”.

Tháng 3 năm nay, trong báo cáo về tình hình thực thi nhân quyền các nước, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nhận xét “vấn đề nhân quyền gây chú ý nhất” của Việt Nam là việc cấm đoán chặt chẽ quyền chính trị của người dân.

Phúc trình nói Việt Nam ngăn cấm người dân thực hiện quyền thay đổi chính quyền qua quá trình bầu cử tự do và công bằng; giới hạn quyền tự do của công dân, trong đó có tự do hội họp, liên kết và biểu đạt; và bảo vệ không đầy đủ quyền công dân được hưởng các thủ tục pháp lý đúng đắn, trong đó có việc bảo vệ chống lại giam giữ tùy tiện.

Hà Nội không thừa nhận vi phạm nhân quyền, chỉ công nhận còn những vấn đề cần khắc phục và cho rằng có cách biệt trong quan điểm nhân quyền giữa các nước cần được thu hẹp.

Đáp lại, cộng đồng quốc tế nói nhân quyền là giá trị phổ quát trên toàn cầu, không thể có cách biệt trong cách diễn giải và áp dụng giữa nước này với nước khác.

VOA Express

XS
SM
MD
LG