Đường dẫn truy cập

Lào nhận chức Chủ tịch ASEAN giữa căng thẳng Biển Đông và tình hình bạo lực ở Myanmar


Lào, đã đảm nhận chiếc ghế chủ tịch luân phiên của ASEAN, phải đối phó với căng thẳng ở Biển Đông và bạo lực ở Myanmar.
Lào, đã đảm nhận chiếc ghế chủ tịch luân phiên của ASEAN, phải đối phó với căng thẳng ở Biển Đông và bạo lực ở Myanmar.

Căng thẳng âm ỉ ở Biển Đông giữa Trung Quốc với một số quốc gia Đông Nam Á hiện thường xuyên gây ra đối đầu trực tiếp. Cuộc chiến ở Myanmar chống lại chính phủ quân sự đã nắm quyền cách đây ba năm đã phát triển đến mức hầu hết các quốc gia đều cho rằng đất nước này hiện đang trong một cuộc nội chiến.

Người ta hy vọng rất cao rằng Indonesia có thể đạt được những tiến bộ đáng kể trong cả hai vấn đề này trong nhiệm kỳ Chủ tịch Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á năm 2023, sử dụng ảnh hưởng của mình với tư cách là quốc gia lớn nhất khối, nhưng Indonesia không mấy đạt được tiến bộ. Giờ đây, Lào, nước nghèo nhất và là một trong những nước nhỏ nhất trong khối, đã đảm nhận chiếc ghế chủ tịch luân phiên của ASEAN.

Khi các bộ trưởng ngoại giao tập trung tại Luang Prabang cho cuộc họp cấp cao đầu tiên trong năm nay vào cuối tuần này, nhiều người tỏ ra bi quan rằng ASEAN khó có thể khống chế những thách thức lớn nhất của mình.

Bà Shafiah Muhibat, chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Indonesia, nói: “Có rất nhiều kỳ vọng khi Indonesia bắt đầu nhiệm kỳ chủ tịch và một số kỳ vọng đó đã không còn như mong đợi”.

“Vì vậy, với việc Indonesia chuyển sang cho Lào, tôi nghĩ kỳ vọng về những gì Lào thực sự có thể làm là khá thấp.”

Sau khi quân đội nắm quyền kiểm soát Myanmar vào tháng 2 năm 2021 từ chính phủ được bầu cử dân chủ của bà Aung San Suu Kyi, ASEAN - bao gồm Indonesia, Thái Lan, Singapore, Philippines, Việt Nam, Malaysia, Myanmar, Campuchia, Brunei và Lào - đã đưa ra một kế hoạch “Đồng thuận 5 điểm” vì hòa bình.

Giới lãnh đạo quân sự ở Myanmar cho đến nay vẫn phớt lờ kế hoạch này. Đồng thời, một cuộc khủng hoảng nhân đạo đang gia tăng, với hơn 2,6 triệu người buộc phải rời bỏ nhà cửa do bạo lực leo thang, theo Liên hiệp quốc.

Indonesia, mặc dù đã đề nghị hơn 180 lần “giao tiếp” với các bên liên quan ở Myanmar, nhưng vẫn không thể đạt được bước đột phá.

Kế hoạch của ASEAN là kêu gọi chấm dứt ngay lập tức bạo lực, đối thoại giữa tất cả các bên liên quan, cử đặc phái viên ASEAN làm trung gian hòa giải, cung cấp viện trợ nhân đạo thông qua các kênh ASEAN và đưa đặc phái viên tới thăm Myanmar để gặp gỡ tất cả các bên liên quan.

Ông Muhammad Faizal, thuộc Viện Nghiên cứu Chiến lược và Quốc phòng tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam ở Singapore, nói: “ASEAN thực sự có rất ít đòn bẩy đối với Myanmar; Myanmar không quan tâm đến ASEAN chút nào”. “Họ không quan tâm đến năm điểm đồng thuận.”

Trong thời gian làm Chủ tịch ASEAN, Indonesia đã thành lập văn phòng chính thức của đặc phái viên, tăng cường nguồn lực cho vị trí này và nhà ngoại giao kỳ cựu Lào đảm nhận vai trò này đã tới Myanmar và gặp gỡ người đứng đầu hội đồng quân sự cầm quyền và các quan chức cấp cao khác. Để đảm bảo tính liên tục trong quan hệ với Myanmar, Indonesia cũng đã thiết lập cơ chế bộ ba gồm các chủ tịch trước đây, hiện tại và tương lai của ASEAN – hiện là Indonesia, Lào và Malaysia.

Ông Peter Haymond, cựu Đại sứ Hoa Kỳ tại Lào giai đoạn 2020-2023, người hiện đang làm việc tại Trung tâm Nghiên cứu An ninh châu Á-Thái Bình Dương ở Hawaii, cho biết bộ ba này sẽ cung cấp “năng lực và hỗ trợ” cho Lào trong năm làm chủ tịch, có nghĩa là nước này sẽ không phải hành động một mình.

Ông nói trên podcast Đài phát thanh Đông Nam Á của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế vào tháng 11: “ASEAN chỉ thực sự có trọng lượng nếu có thể phát biểu với tư cách một nhóm… vì vậy bộ ba này được các đối tác ASEAN với sự đồng tình của Lào tập hợp lại với nhau”.

“Tôi nghĩ Lào đang tìm kiếm sự giúp đỡ.”

Tuy nhiên, có khả năng Lào sẽ tiếp cận tình hình ở Myanmar từ quan điểm riêng của mình, ông Faizal nói.

“Họ muốn duy trì sự hợp tác an ninh xuyên biên giới với chính quyền quân sự Myanmar và nghĩ rằng có lẽ họ có lợi khi đảm bảo rằng chính quyền quân sự vẫn nắm quyền ở Myanmar. Tuy nhiên, trên thực tế, điều đó có thể không xảy ra,” ông nói trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại.

Hiện tại, quân đội Myanmar đang thua cuộc trước một cuộc tấn công phối hợp được phát động vào tháng 10/2023 bởi ba lực lượng dân quân hùng mạnh sau đó được nhiều lực lượng khác trên khắp đất nước tham gia.

Trung Quốc được coi là ít nhất đang ngầm ủng hộ nhóm ban đầu, được gọi là Liên minh Ba Anh em, xuất phát một phần từ sự khó chịu ngày càng tăng của Bắc Kinh trước hoạt động buôn bán ma túy đang phát triển mạnh mẽ và các tội phạm khác xuyên biên giới với Myanmar. Trung Quốc cũng có ảnh hưởng mạnh mẽ với giới cầm quyền quân sự của nước này.

Ông Faizal nói, Cộng sản Lào là một trong những quốc gia ASEAN có mối quan hệ chặt chẽ nhất với Bắc Kinh, vì vậy sẽ rất thú vị để xem liệu nước này có cố gắng tranh thủ sự hỗ trợ của Trung Quốc trong việc giải quyết xung đột ở Myanmar hay không.

Ông Faizal nói: “Rõ ràng là cả chính quyền và các nhóm khác đang cố gắng giành được sự ủng hộ hoặc ưu ái của Trung Quốc”.

Bắc Kinh khẳng định sẽ không can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia khác, vì vậy không rõ liệu họ có muốn đảm nhận vai trò lớn hơn trong việc cố gắng chấm dứt xung đột ở Myanmar hay không, ngay cả khi điều đó được các thành viên ASEAN khác chấp nhận.

Nhiều nước đang vướng vào các tranh chấp hàng hải với Trung Quốc về tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, một trong những tuyến đường thủy quan trọng nhất thế giới dành cho vận tải biển.

Philippines, Việt Nam, Malaysia, Đài Loan và Brunei đều có yêu sách riêng đối với các đảo, rạn san hô và tài nguyên dưới đáy biển trong khu vực. Indonesia cũng bày tỏ lo ngại về điều mà họ coi là sự xâm phạm của Bắc Kinh vào vùng đặc quyền kinh tế của nước này ở vùng biển.

Năm 2012, Trung Quốc và ASEAN đã nhất trí tuyên bố về ứng xử ở Biển Đông, tìm cách “tăng cường các điều kiện thuận lợi vì một giải pháp hòa bình và lâu dài cho những khác biệt và tranh chấp”, nhưng gần đây có rất ít dấu hiệu thiện chí.

Tranh chấp lãnh thổ kéo dài hàng thập niên đã leo thang giữa Bắc Kinh và Manila vào năm ngoái, làm dấy lên lo ngại nó có thể biến thành một cuộc xung đột lớn có thể liên quan đến Mỹ, một đồng minh hiệp ước lâu năm của Philippines.

Các tàu tuần duyên Trung Quốc và các tàu đi kèm đã sử dụng tia laser và vòi rồng cấp quân sự chống lại các tàu tiếp tế và lực lượng tuần duyên Philippines, đồng thời thực hiện các hoạt động nguy hiểm gần các bãi cạn tranh chấp, khiến Philippines đưa ra nhiều phản đối ngoại giao chống lại Trung Quốc.

Vào tháng 12/2023, Trung Quốc tuyên bố sẽ tiếp tục gây áp lực quân sự lên Philippines và các quan chức Philippines ngày càng bất bình trước điều mà họ cho là thiếu sự hỗ trợ từ các nước ASEAN khác.

Tình hình khó có thể thay đổi dưới sự lãnh đạo của Lào không giáp biển, đặc biệt là khi nước này có mối quan hệ với Bắc Kinh, ông Faizal nói.

Trong nhiệm kỳ chủ tịch trước đây vào năm 2016, Lào đã có thể đạt được sự cân bằng giữa tất cả các bên, đưa ra một thỏa hiệp mà các quan chức sau này mô tả là khiến mọi người đều không hài lòng như nhau.

Tuy nhiên, Lào, với dân số 7,4 triệu người, kể từ đó ngày càng trở nên phụ thuộc vào người hàng xóm khổng lồ ở phía bắc, ông Faizal lưu ý, với khoản nợ khổng lồ đối với các ngân hàng nhà nước Trung Quốc cho nhiều dự án cơ sở hạ tầng, bao gồm cả tuyến đường sắt cao tốc xuyên quốc gia mới.

Vẫn theo chuyên gia này, Lào “sẽ phải chịu rất nhiều áp lực từ Trung Quốc, vì về cơ bản họ phụ thuộc vào Trung Quốc về mọi mặt”. “Tôi tin rằng họ có thể sẽ cố gắng duy trì hiện trạng - không làm gì nhiều hơn mà chỉ duy trì những gì hiện có.”

Diễn đàn

Liên quan

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG