Đường dẫn truy cập

Lào đối mặt với áp lực đòi ngưng xây đập thủy điện trên sông Mekong


Các nhà hoạt động thuộc tổ chức phi chính phủ Campuchia (NGO) tại một cuộc biểu tình chống việc xây đập Don Sahong tại Phnom Penh.
Các nhà hoạt động thuộc tổ chức phi chính phủ Campuchia (NGO) tại một cuộc biểu tình chống việc xây đập Don Sahong tại Phnom Penh.

Lào đang đối mặt với áp lực mỗi ngày một tăng đòi họ đình hoãn dự án xây đập thủy điện có công suất 260 megawatt trên sông Mekong vì những mối lo ngại về tác động đối với môi trường và xã hội. Theo tường thuật của thông tín viên Ron Corben của đài VOA ở Bangkok, một hội nghị diễn ra ở Lào hồi tuần trước đã nêu bật vụ tranh cãi đang tiếp diễn về dự án này.

Các nước thành viên của tổ chức Những người bạn của Mekong Hạ (Friends of the Lower Mekong) hồi tuần trước đã họp với các nước trong khu vực lần đầu tiên kể từ khi tổ chức này được thành lập vào năm 2009 – đánh dấu một bước tiến mới trong các áp lực ngoại giao đòi chính phủ Lào đình hoãn việc xây đập Don Sahong. Dự án 600 triệu đô la trong vùng Siphadone ở miền nam nước Lào chỉ cách biên giới Campuchia chưa đầy 2 kilomét. Đập này sẽ sản xuất điện lực để hỗ trợ cho sự phát triển kinh tế trong khu vực, nhưng những người bảo vệ môi trường và các nước láng giềng lo ngại là nó có thể gây thiệt hại cho hệ thống sinh thái cực kỳ quan trọng để nuôi sống hàng triệu người ở Đông Nam Á.

Đập Don Sahong là đập thứ nhì được dự trù xây dựng ở hạ lưu sông Mekong sau đập Xayabury. Dự án Xayaburi có kinh phí 3,8 tỉ đô la ở miền bắc nước Lào cũng là tâm điểm của những cuộc tranh luận vì tác động có thể có đối với môi trường.

Chính phủ Lào đồng ý tiến hành một cuộc tham khảo ý kiến trong khu vực kéo dài 6 tháng về đập Don Sahong. Nhưng cuộc tham khảo đã kết thúc hồi hạ tuần tháng giêng và các giới chức Lào cho biết họ chuẩn bị bắt đầu công tác xây dựng trong nay mai, bất chấp những mối quan tâm của các tổ chức cho rằng cần phải nghiên cứu thêm về dự án này.

Hội nghị của tổ chức Những người bạn Mekong Hạ - gồm có Australia, New Zealand, Liên hiệp Châu Âu, Nhật Bản, Nam Triều Tiên, Ngân hàng Phát triển Châu Á, Ngân hàng Thế giới, và Hoa Kỳ, tại thành phố Pakse ở nam Lào tập trung vào những vấn đề nguồn nước, nhu cầu điện lực và an ninh lương thực.

Ông Carl Thayer, giáo sư chính trị học tại Đại học New South Wales, nói rằng hội nghị do Hoa Kỳ dẫn đầu dường như có mục đích đánh đi một thông điệp để đòi chính phủ Lào xem xét lại dự án Don Sahong.

"Tôi nghĩ rằng hội nghị của nhóm Những người bạn của Mekong Hạ được tổ chức một cách khéo léo về mặt ngoại giao vì Don Sahong không tốn kém bằng Xayaburi – dự án này nhỏ và ảnh hưởng có thể rất lớn. Cho nên, theo một ý nghĩa nào đó, chính phủ Lào dễ dàng từ bỏ dự án này hơn để tập trung vào những khoản tiền lớn hơn, nếu dự án này trở thành một vấn đề quan trọng về chính trị."

Giáo sư Thayer cho biết Campuchia và Việt Nam đã mạnh mẽ vận động để Lào xem xét lại, vì những tác động tiêu cực của đối với nguồn cá và dòng chảy.

Các nhà khoa học nói rằng Đập Don Shaong sẽ ngăn kênh chính của dòng sông, làm cho các loài cá không thể thiên di trong mùa khô, và đe dọa tới loài cá heo Irrawaddy có nguy cơ tuyệt chủng.

Ông Sorya Sim, Giám đốc Viện Dân chủ Khmer ở Campuchia, nói rằng sự can dự quốc tế trong quá trình làm ra quyết định là cần thiết vì con đập sẽ ảnh hưởng tới dòng sông khi nó chảy qua những nước khác.

Các nhà khoa học nói Đập Don Shaong sẽ ngăn kênh chính của dòng sông, làm cho các loài cá không thể thiên di trong mùa khô, và đe dọa tới loài cá heo Irrwaddy có nguy cơ tuyệt chủng.
Các nhà khoa học nói Đập Don Shaong sẽ ngăn kênh chính của dòng sông, làm cho các loài cá không thể thiên di trong mùa khô, và đe dọa tới loài cá heo Irrwaddy có nguy cơ tuyệt chủng.

"Xây đập không phải là vấn đề của một nước. Nó liên hệ tới cả khu vực và liên hệ tới nhân quyền, môi trường, kinh tế và văn hóa. Cho nên cần phải thu thập ý kiến của quốc tế, bất kể là của Mỹ, của Châu Âu hay của Châu Á. Khi nào có thêm ý kiến và có được cơ cấu chính trị và pháp lý thì khi đó mới có thể xúc tiến."

Mặc dù vậy, các khoa học gia được thuê bởi công ty xây đập là Công ty Mega First ở Malaysia, đã bác bỏ những mối quan tâm của các tổ chức bảo vệ môi trường, kể cả những sự lo ngại của Việt Nam là đập Don Sahong sẽ làm trầm trọng thêm nạn ngập mặn ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Bà Pian Deetes, điều hợp viên ở Thái Lan của Các dòng sông Quốc tế, một tổ chức môi trường ở Mỹ, cho biết có dấu hiệu cho thấy quá trình tham khảo ý kiến do Uûy ban Sông Mekong giám sát đã bị đổ vỡ, và do đó cơ hội để tất cả các nước bị ảnh hưởng tán đồng dự án này đã bị giảm đi khá nhiều.

"Tuy ba chính phủ khác không thật sự tán đồng dự án, nhưng chính phủ nước chủ nhà vẫn khăng khăng cho rằng họ có các quyền chủ quyền để triển khai dự án. Có một điều rất quan trọng là những ảnh hưởng xuyên biên giới đã bị làm ngơ. Vậy thì ai sẽ phải trả giá? Đó chính là hàng triệu người mà cuộc sống lệ thuộc rất nhiều vào tài nguyên của sông Mekong."

Tổ chức Những người bạn của Mekong Hạ cho biết những sáng kiến mới đang được thực hiện để thúc đẩy cho năng lượng lâu bền, bao gồm năng lượng tái tạo, và cung cấp ngân khoản cho việc nghiên cứu về tác động của thủy điện đối với các cộng đồng dân cư và môi trường và hỗ trợ cho việc phát triển một mạng lưới điện quốc gia cho nước Lào.

VOA có ứng dụng mới

Xem tin tức VOA trực tiếp trên điện thoại và máy tính bảng! Ứng dụng VOA có thiết kế mới và cải thiện khả năng truy cập tin tức. Các tính năng mà bạn yêu thích trước đây được tích hợp cùng các công cụ vượt tường lửa để truy cập tin tức VOA bằng 22 ngôn ngữ.

Tải ứng dụng VOA trên App StoreGoogle Play!

VOA Express

XS
SM
MD
LG