Đường dẫn truy cập

Chính sách lãi suất cần phải thay đổi


Chính sách lãi suất cần phải thay đổi
Chính sách lãi suất cần phải thay đổi

Theo thông báo mới nhất của Bộ Công Thương do Vnexpress đăng, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của tháng 3 ở Việt Nam sẽ tăng 2% so với tháng 2 vừa qua. Như thế, mới chỉ có 3 tháng qua mà CPI ở Việt Nam đã tăng 6% so với cuối năm 2010 (1.75% trong tháng 1, 2.09% trong tháng 2, và 2% tại thời điểm giữa tháng 3). Mức tăng này gần bằng với mức tăng CPI của năm 2008. Với đà tăng CPI như thế, dự kiến CPI của Việt Nam khó có thể dưới mức 15%- 16% cho năm 2011.

Đồng tiền mất giá nhanh như vậy thì không thể là phương tiện dự trữ giá trị trừ khi lãi suất tiền gửi cao một cách hợp lý. Ít ra thì cũng không thấp hơn so với mức tăng trưởng CPI. Thế nhưng có vẻ như với việc Ngân Hàng Nhà Nước (NHNN) hiện nay đang thực hiện một chính sách lãi suất gây khó khăn cho người dân khi giữ tiền đồng:

Thứ nhất, NHNN không cho các Ngân Hàng Thương Mại (NHTM) trả lãi tiền gửi cho người dân cao quá 14% một năm.

Thứ hai, NHNN yêu cầu các ngân hàng thực hiện áp lãi suất tối đa bằng mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn thấp nhất trong trường hợp tổ chức, cá nhân rút tiền trước hạn (thông tư số 04/2011/TT-NHNN).

Với lạm phát dự kiến của năm 2011 sẽ không thấp hơn 15% - 16% và với lãi suất 14% thì giữ tiền đồng là một thiệt thòi lớn. Đặc biệt với những người vì lý do nào đó phải rút tiền trước thời hạn thì NHNN buộc họ phải nhận mức lãi suất thấp nhất có thể có. Như vậy có lý do gì để người dân giữ tiền đồng?

Có lẽ NHNN dựa vào một số lý do sau đây để thực hiện chính sách lãi suất trên:

Thứ nhất, giữ lãi suất huy động ở mức thấp (thấp dưới cả tốc độ trượt giá dự kiến của đồng tiền) để giữ lãi suất cho vay ở mức thấp. Qua đó giảm chi phí lãi vay và hạn chế bớt rủi ro cho hệ thống doanh nghiệp.

Thứ hai, nhà nước đã quyết tâm xóa bỏ thị trường ngoại tệ tự do và cấm kinh doanh vàng miếng. Điều đó khiến dân chúng có ít lựa chọn hơn và buộc phải giữ tiền đồng.

Thế nhưng cả hai lý do này, nếu đúng là lý do mà NHNN dựa vào, thì đều không ổn vì:

Thứ nhất là không có lý do gì các NHTM lại phải hạ thấp lãi suất cho vay ngay cả khi lãi suất huy động bị giữ ở mức thấp. Đó là vì (1) nhu cầu vay vốn của các doanh nghiệp vẫn cao, và (2) các NHTM bị hạn chế không thể cho vay nhiều do họ bị hạn chế tăng trưởng tín dụng ở mức 20%. Nói cách khác, mức cầu về tín dụng thì vẫn cao mà mức cung thì bị hạn chế. Điều đó đương nhiên dẫn đến lãi suất cho vay cao. Việc huy động tiền gửi với lãi suất thấp chỉ có nghĩa các NHTM sẽ có margin (tỷ lệ lợi nhuận) cao hơn.

Ngay cả khi lãi suất cho vay có thể giảm đi, thì động thái này không khác gì việc xã hội hóa gánh nặng chi phí lãi vay. Tức là người dân chịu thiệt để các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp hoạt động kém hiệu quả, được lợi. Điều này là không công bằng đối với người dân.

Thứ ba là việc sử dụng biện pháp hành chính như cấm kinh doanh vàng miếng để hạn chế lựa chọn của người dân về lưu trữ tài sản cũng là việc không công bằng. Đương nhiên còn có các kênh khác như đầu tư vào chứng khoán hay kinh doanh bất động sản. Tuy nhiên với những người dân có thu nhập trung bình hoặc trung bình khá, các kênh này là không dễ thực hiện, nếu không muốn nói là không khả thi, vì các vấn đề kỹ thuật (chứng khoán) và cần nhiều vốn (bất động sản).

Chính vì thế, NHNN cần phải thay đổi chính sách lãi suất hiện nay của mình nếu không muốn tạo ra các bất công không đáng có trong việc phân bổ nguồn lực và quyền được lựa chọn phương tiện tích trữ tài sản của công dân.

* Blog của Tiến sĩ Trần Vinh Dự là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

  • 16x9 Image

    Trần Vinh Dự

    Trần Vinh Dự chuyên nghiên cứu, tư vấn, và viết về các vấn đề kinh tế của Việt Nam, Hoa Kỳ và thế giới. Ngoài lĩnh vực sở trường này, ông cũng thường xuyên viết về các vấn đề quan hệ quốc tế liên quan tới Á Châu. Trần Vinh Dự tốt nghiệp tiến sĩ kinh tế tại Đại học tổng hợp Texas ở Austin, làm chuyên gia tư vấn kinh tế cho tập đoàn ERS Group Inc., đồng sáng lập và là cố vấn cho Quỹ nghiên cứu Biển Đông.

Đường dẫn liên quan

VOA Express

XS
SM
MD
LG