Đường dẫn truy cập

Ký giả Hong Kong phản đối dự luật Hạn chế Thông tin về các giám đốc công ty


Trưởng đặc khu hành chính Hong Kong Lương Chấn Anh
Trưởng đặc khu hành chính Hong Kong Lương Chấn Anh
Các ký giả ở Hong Kong đã công bố một bản kiến nghị kêu gọi chính phủ bãi bỏ một dự luật đề nghị hạn chế thông tin cá nhân mà các giám đốc đại công ty phải công khai cho dân chúng biết. Giới chỉ trích lập luận rằng tu chính án này sẽ hạn chế tự do báo chí và bảo vệ các giám đốc có thể tham nhũng tránh sự soi mói của công chúng vào tài sản kinh doanh của họ. Từ Hong Kong, thông tín viên VOA Ivan Broadhead ghi nhận chi tiết trong bài tường thuật sau đây.

Tu chính án theo đề xuất sẽ chấm dứt việc các giám đốc doanh nghiệp có nhiệm vụ phải công bố địa chỉ nhà và các con số đầy đủ về lý lịch trong một sổ đăng ký của công ty mà công chúng có thể tiếp cận. Kế hoạch này sẽ được đưa ra thảo luận tại viện lập pháp Hong Kong trước tháng 5 và có thể có hiệu lực vào đầu năm tới.

Bà Mak Yin-ting, đứng đầu Hiệp hội Ký giả Hong Kong, là người đứng ra tổ chức bản kiến nghị đòi bãi bỏ khoản tu chính này. Bà nói mặc dầu nổi tiếng về tính minh bạch trong doanh nghiệp, Hong Kong đang ngày càng trở nên một nơi phổ biến cho các nhà đầu tư tìm cách che giấu tài sản.

Bà Mak nói: “Khoản tu chính này sẽ gây trở ngại rất nhiều cho việc tường thuật mang tính cách điều tra. Chúng tôi nhận thấy rằng chính quyền đang ngày càng trở nên gắt gao đối với luồng thông tin tự do. Quyền lợi của công chúng đang lâm nguy.”

Trong khi Hong Kong được hưởng nhiều quyền tự trị hơn về pháp lý và chính trị đối với Bắc Kinh, giới chỉ trích bầy tỏ sự quan ngại là chính quyền Hoa lục đang làm áp lực buộc các nhà lập pháp Hong Kong phải ban hành tu chính án.

Cuộc tranh luận diễn ra vài tháng sau khi các hãng truyền thông của Hoa Kỳ là Bloomberg và báo New York Times làm cho giới lãnh đạo Trung Quốc bối rối với những lời tố cáo tham nhũng ít nhất đã được kiểm chứng một phần qua việc nghiên cứu các cơ sở dữ liệu của các đại công ty Hong Kong.

Cuộc nghiên cứu cho thấy các khoản tiền lời doanh nghiệp nhiều tỷ đôla nằm trong tay các gia đình của Thủ tướng Ôn Gia Bảo và chủ tịch nướcTập Cận Bình sắp nhậm chức.

Bà Mak nói các trang web của cả hai tổ chức truyền thông vẫn bị chận ở Trung Quốc.

Bà Mak nói tiếp: “Xét duyệt hiện tượng tài sản nhà nước tuồn vào Hong Kong qua gia đình các nhà lãnh đạo là một việc hợp pháp do các ký giả thực hiện. Do đó chúng tôi kêu gọi chính quyền Trung Quốc hãy bãi bỏ lệnh cấm càng nhanh càng tốt để chứng tỏ cho thế giới thấy rằng Trung Quốc để cho dân chúng được hưởng quyền tự do báo chí.”

Các tổ chức trong đó có Hiệp hội các Ngân hàng Hong Kong - một tổ chức hợp pháp đại diện cho các cơ quan tài chính trong nước và quốc tế - đồng ý về tầm quan trọng phải duy trì việc công chúng tiếp cận được với các dữ liệu để có thể bảo toàn danh tiếng của Hong Kong về sự minh bạch công ty.

Tuy nhiên, giới ủng hộ tu chính án lập luận rằng một giám đốc công ty phải được quyền giữ kín địa chỉ nhà và số căn cước đầy đủ của mình. Ông Mike Wong là trưởng ban quản trị Viện các Công ty Niêm yết của Hong Kong.

Ông Wong nói mọi người dường như cứ nhất quyết đòi biết nơi ở của một giám đốc.Theo những khoản thay đổi, các công ty vẫn cần phải cung cấp một địa chỉ chính thức…họ tên đầy đủ của các giám đốc và một vài con số trong căn cước của họ. Ðây là quyền riêng tư mà nhiều người tán đồng. Tại sao các giám đốc lại phải theo các điều khoản khác đi?

Bản kiến nghị, được đăng trên các nhật báo địa phương hôm nay, chỉ tiêu biểu cho một vụ xung đột mới nhất với công chúng của nhà lãnh đạo Hong Kong Lương Chấn Anh. Hàng ngàn người đã xuống đường trong tháng này lên án người được Bắc Kinh hậu thuẩn là thiếu viễn kiến để hoặc làm giảm nhẹ tình trang nghèo khó đang ngày càng tăng ở thành phố hoặc để thực thi quyền phổ thông đầu phiếu. Các cuộc thăm dò công luận mới đây cho thấy sự ủng hộ dành cho ông Lương đã tụt xuống dưới mức 30% kể từ sau bài phát biểu đầu tiên về chính sách của ông.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG