Đường dẫn truy cập

Đề nghị đàm phán của Bắc Triều Tiên được đón nhận với sự dè dặt


Binh sĩ biên phòng Nam Triều Tiên tuần tra gần các hàng rào tại Imjingak Pavilion gần làng biên giới Bàn Môn Ðiếm ở Paju, ngày 1/1/2011
Binh sĩ biên phòng Nam Triều Tiên tuần tra gần các hàng rào tại Imjingak Pavilion gần làng biên giới Bàn Môn Ðiếm ở Paju, ngày 1/1/2011

Seoul và Washington gạt bỏ đề nghị mới nhất của Bình Nhưỡng muốn xoa dịu căng thẳng qua đàm phán. Thông tín viên đài VOA Steve Herman tại Seoul ghi nhận chi tiết trong bài tường thuật sau đây.

Một ngày sau khi Bắc Triều Tiên đề nghị tham gia cuộc đối thoại về nhiều vấn đề mà không đặt ra điều kiện nào, các giới chức tại Seoul đã tỏ ra lãnh đạm trước cử chỉ đó.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Kim Young-sun hôm nay tuyên bố sự chân thành của Bình Nhưỡng cần phải bày tỏ bằng hành độïng nhiều hơn là qua lời nói.

Phát ngôn viên Kim nói rằng Bắc Triều Tiên đã công bố cơ sở tinh chế uranium mà trước đây họ chối là không có. Hành động như thế là trái với điều trông đợi của cộng đồng thế giới, vì thế, theo ông Kim, sự chân thành phải thể hiện qua hành động cụ thể chứ không phải chỉ qua ngôn từ.

Mặc dầu các giới chức Nam Triều Tiên tỏ ra không nhiệt tình lắm đối với các cuộc đàm phán mới, ông Kim cho biết các cơ quan chính phủ đang thảo luận về công bố mới nhất của miền Bắc.

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nói rằng cần phải có bối cảnh thích hợp để mở lại đàm phán. Nhắc lại lập trường của Seoul, một phát ngôn viên bộ ngoại giao nói rằng bối cảnh đó là Bình Nhưỡng cho thấy có tiến bộ trong những cam kết từ bỏ chương trình vũ khí mà họ đưa ra trước đó.

Trong đề nghị mới nhất của một loạt những đề xuất đối thoại, Bình Nhưỡng đề nghị thương thảo với các đảng phái và các tổ chức chính trị của Nam Triều Tiên, trong đó có các giới chức miền Nam. Thông cáo của Bắc Triều Tiên được các cơ quan thông tấn nhà nước loan tải, kêu gọi thảo luận về tất cả những vấn đề Liên Triều trong các cuộc đàm phán vô điều kiện.

Các cử chỉ hòa giải đó diễn ra sau một giai đoạn gây chiến của Bình Nhưỡng. Quân đội của họ đã pháo kích vào một hòn đảo của miền Nam hồi cuối tháng 11, làm 4 người thiệt mạng.

Hồi tháng ba năm ngoái một chiến hạm của Nam Triều Tiên bị chìm, làm 46 thủy thủ thiệt mạng. Một cuộc điều tra của quốc tế kết luận rằng chiếc Cheonan bị trúng một ngư lôi của Bắc Triều Tiên, nhưng Bình Nhưỡng chối là họ không can dự vào vụ này.

Hậu quả của hai hành động vừa kể là tình trạng căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên gia tăng, gây lo ngại sẽ xảy ra một cuộc chiến tranh toàn diện.

Một đặc sứ Hoa Kỳ đang du hành tới một vài thủ đô các nước Á châu trong tuần này để thảo luận phương cách đối phó với Bắc Triều Tiên. Ông Stephen Bosworth hôm nay mở các cuộc hội đàm tại Bắc Kinh, một ngày sau khi thảo luận với các giới chức tại Seoul. Ông cũng sẽ đi thăm Tokyo.

Hôm qua tại Seoul ông Bosworth bày tỏ hy vọng cuộc đàm phán sẽ sớm được mở lại, nhưng ông cho biết Hoa Kỳ sẽ không bao giờ gây áp lực đòi Seoul quay trở lại bàn thương thảo.

Trung Quốc đã kêu gọi mở lại đàm phán với cả hai nước Triều Tiên, Nga, Nhật Bản và Hoa Kỳ. Hội nghị 6 nước bắt đầu năm 2003. Hai năm sau đó Bắc Triều Tiên đồng ý từ bỏ ý định muốn trở thành một nước có hạt nhân. Nhưng cuộc đàm phán đã bị bế tắc từ năm 2008. Qua năm 2009, Bình Nhưỡng rời bỏ hội nghị và cho thử nghiệm một vũ khí hạt nhân.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG