Đường dẫn truy cập

Vụ khủng hoảng Libya nêu bật vấn nạn của công nhân di trú


Công nhân di trú Bangladesh nghỉ ngơi trong khi chờ đợi để trở về quê nhà sau khi chạy khỏi Libya, tại 1 trại tị nạn gần biên giới Libya-Tunisia, 5/3/2011
Công nhân di trú Bangladesh nghỉ ngơi trong khi chờ đợi để trở về quê nhà sau khi chạy khỏi Libya, tại 1 trại tị nạn gần biên giới Libya-Tunisia, 5/3/2011
Vụ khủng hoảng Libya năm 2011 nêu ra sự chú ý về vấn nạn mà công nhân di trú phải đối mặt khi bị kẹt vào vụ khủng hoảng. Tổ chức Di trú Quốc tế IOM nói cần đến các kế hoạch toàn diện và dài hạn để tránh xảy ra những vấn đề kinh tế và nhân đạo cho những vấn đề nẩy sinh trong thời gian và sau vụ nổi dậy ở Libya. Lời kêu gọi của IOM đề nghị một cách đáp ứng tốt hơn được đưa ra vào ngày Di trú Quốc tế 18 tháng 12.

Hơn 200 ngàn di dân đã được sơ tán từ Libya trong năm 2011. Ða số là từ các nước nghèo đến Libya để tìm việc. Một số có giấy tờ hợp pháp. Một số thì không.

Phát ngôn viên của IOM Jean-Philippe Chauzy nói vấn đề dân di trú giữa các cuộc xung đột hay thiên tai không phải là một vấn đề mới mẻ.

Ông nói: “Tôi đã qua mùa hè năm 2006 ở Lebanon. Và vào lúc đó, chúng tôi đang sơ tán đa số những người phụ nữ giúp việc nhà từ Philippines hay Sri Lanka, Ehiopia và các nước khác. Và tôi còn nhớ khi ấy việc cơ bản nâng cao nhận thức về nhu cầu bảo vệ và sơ tán các công nhân di trú là khó khăn đến mức nào.”

Ông Chauzy nói trong khi việc sơ tán công nhân di trú ra khỏi Libya đã nhận được sự tài trợ quốc tế và đạt thành quả tốt, nó cũng phơi bầy một số vấn đề.

Ông nói tiếp: “Một năm sau chúng ta phải thừa nhận sự kiện rất ít người chú ý đến các nhu cầu hoà nhập của những người di trú trở về. Ðây là những người di dân trở về những khu vực thiếu an toàn về thực phẩm. Những khoản tiền mà họ vẫn dùng để gửi về cho gia đình nay không còn nữa.”

Vụ khủng hoảng Libya cũng gây ra những hậu quả sâu rộng về kinh tế trong khu vực. Ông Chauzy giải thích:

“Một nước như Chad và Niger đã tìm cách vay được của Ngân hàng Thế giới để giúp phần nào cho việc tái hòa nhập tài chính của những di dân trở về. Tất cả các nước khác bị tác động của cuộc khủng hoảng Syria đều phải gánh chịu hậu quả.”

Trong khi phần lớn sự chú ý được dồn vào hàng ngàn di dân tìm đường qua châu Âu, nhiều người khác đã băng qua biên giới Libya sang các nước lân cận.

Ông Chauzy nói: “Rất nhiều khi vấn nạn của di dân đến vào phút chót khi các phương tiện đáp ứng được tổ chức để đáp lại những vụ xung đột hay những tai ương do con người gây ra. Tuy nhiên, chúng ta biết rằng nay chúng ta đang sống trong một thế giới cơ động toàn cầu khi ngày càng có nhiều người dời chuyển, ngày càng có nhiều di dân dời cư. Rất ít người hiểu được các di dân bị mắc kẹt, những trẻ vị thành niên, các nạn nhân của nạn buôn người, cũng dễ bị tác động, cũng xứng đáng được hưởng không những sự trợ giúp để đi sơ tán, mà còn cả sự trợ giúp để đuợc bảo vệ.”

Tổ chức Di trú Quốc tế đang mưu tìm sự hỗ trợ rộng khắp dành cho Khung Hoạt động Khủng hoảng về Di trú. Tổ chức nói khung này “đáp ứng nhu cầu của những người vượt biên, những người không được hưởng sự bảo vệ quốc tế vì sự dời chuyển của họ không có liên quan đến việc bị ngược đãi.”

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG