Đường dẫn truy cập

Hành trình tái sinh tử ngữ Bunong của một học giả Pháp


Tiến sĩ Sylvain Vogel (trái) và một nhà nghiên cứu độc lập ngôn ngữ Bunong. (Hình: Courtesy photo provided by Peter Maguire)
Tiến sĩ Sylvain Vogel (trái) và một nhà nghiên cứu độc lập ngôn ngữ Bunong. (Hình: Courtesy photo provided by Peter Maguire)

Những sinh viên theo học cổ ngữ Sanskrit cách đây 20 năm với học giả khả kính này, nay đều trở thành những nhà ngôn ngữ học hàng đầu của Cambodia.

Ông cũng từng bỏ ra nhiều năm, lặn lội vào tỉnh lỵ hiu quạnh nhất của Cambodia, ghi lại một trong những ngôn ngữ thiểu số của đất nước này: ngôn ngữ Bunong.

Vogel nỗ lực học ngôn ngữ mới, học rất giỏi, học nói đúng ngữ pháp, học viết, học đọc. Đó là tinh thần dấn thân ít học giả nào có được.
Peter Maguire, Sử Gia

Sylvain Vogel, một người Pháp, trưởng thành tại Alsace-Lorraine, là tác giả của bốn tác phẩm về Bunong trong khi phương ngữ ở vùng Đông Bắc Cambodia này đang dần rơi vào lãng quên, bởi áp lực của tiến trình toàn cầu hóa từ xã hội xung quanh.


Học Khmer để dạy Sanskrit

Vogel dành hẳn gần 25 năm qua để nghiên cứu, học hỏi, rồi giảng dạy, và giúp duy trì sự hồi sinh vững chãi của một nền văn hóa từng trải qua chế độ hà khắc, kỳ thị trí thức, của Khmer Đỏ hồi thập niên 1970.

Trong những năm 1990, Vogel làm việc tại Khoa Ngữ Học, Đại Học Hoàng Gia Phnom Penh. Tại đây, ông giảng dạy và sau đó trở thành đồng nghiệp của Chan Somnoble và Chhom Kunthea, hai nhà ngữ học hàng đầu hiện nay của Cambodia. Đến giữa thập niên 1990, ông bắt đầu nghiên cứu thổ ngữ Bunong.

Tiến sĩ Vogel nói chuyện bằng tiếng Bunong với người dân tại tỉnh Mondulkiri. (Hình: Courtesy photo provided by Peter Maguire)
Tiến sĩ Vogel nói chuyện bằng tiếng Bunong với người dân tại tỉnh Mondulkiri. (Hình: Courtesy photo provided by Peter Maguire)


Ngày nay, Vogel dạy ngôn ngữ học và cổ ngữ Sanskrit tại Khoa Khảo Cổ Học, Đại Học Mỹ Thuật Hoàng Gia Cambodia, đồng thời chuẩn bị một cuộc hội ngộ với những người nói lưu loát Bunong tại tỉnh Mondulkiri vào cuối năm.

Các công trình nghiên cứu và kiến thức uyên thâm của Vogel gần đây được tổ chức The Fainting Robin Foundation của Hoa Kỳ, được thành lập để hỗ trợ các học giả độc lập, thừa nhận và vinh danh. Vogel sẽ là học giả đầu tiên được trao giải thưởng “Học Giả Ngoại Hạng” của tổ chức này.

Một trong những học trò đầu tiên của Vogel, Chan Somnoble, nay là Phó Giám Đốc Học Viện Hoàng Gia Cambodia, đồng thời là người đứng đầu Ủy Ban Quốc Gia Ngôn Ngữ Khmer, không tiếc lời ca ngợi người thầy tận tâm của mình.

“Thầy Vogel là nguồn tài nguyên vô cùng quan trọng với đất nước Cambodia,” Somnoble, người có bằng tiến sĩ từ đại học Université Paris Nanterre, thổ lộ.

Somnoble từng là “học trò cưng” của Vogel. Gần 20 năm trước, hai thầy trò cùng bắt tay xây dựng chương trình cao học cho ngành Ngôn Ngữ Học tại Đại Học Hoàng Gia Cambodia. Chương trình bắt đầu vài năm thì Somnoble được bổ nhiệm làm người đứng đầu, với Vogel đảm nhiệm vị trí điều phối viên.

Trong mắt Somnoble, Vogel là một người thầy “đòi hỏi rất nhiều nỗ lực nơi học trò.”

“Thầy bắt tôi học hành tận lực, và điều đó giúp tôi trở thành tôi của ngày hôm nay. Tôi hạnh phúc được làm học trò ông.” Somnoble nhớ lại 25 năm trước, khi cô là người giảng ngữ pháp Khmer cho thầy mình.

... Chúng ta cần học cả hai ngôn ngữ, Khmer và Sanskrit, để có thể hiểu thấu đáo lịch sử Khmer.
Chhom Kunthea, Nhà Ngữ Học

Thầy Vogel cũng thường tỏ ra khó tính đối với học trò, Kunthea nhớ lại.

“Khi ông bước vào lớp, đố học trò nào dám nhúc nhích hay nói năng gì,” vẫn lời Kunthea, người vừa lấy bằng tiến sĩ ngôn ngữ học tại Pháp hồi năm ngoái, và hiện là Giám Đốc Bảo Tàng Viện Preah Norodom Sihanouk Museum ở Siem Reap.

“Tôi mê các bài giảng của ông, về ngôn ngữ học và cổ ngữ Sanskrit, vì ông giải thích rất rõ ràng. Khi không hiểu điều gì, tôi hỏi ông, ông sẽ giải thích cho đến khi tôi hiểu căn kẽ mới thôi.” Kunthea kể lại.

Kunthea thừa nhận tình yêu đối với ngôn ngữ học và Sanskrit mà cô có hôm nay là nhờ sự chỉ dạy của thầy Vogel.

Cô nói, chính nhờ thầy Vogel giúp đỡ mà cô được theo học chương trình cao học về Sanskrit tại Ấn Độ; rồi sau đó học tiếp về ngôn ngữ này tại một trong những đại học hàng đầu của Pháp, École Pratique des Hautes Etudes, và rồi cuối cùng trở thành người Cambodia đầu tiên có bằng tiến sĩ Sanskrit kể từ thời Khmer Đỏ.

“Sanskrit là ngôn ngữ thiêng liêng,” Kunthea giải thích với phóng viên VOA. “Sanskrit diễn giải và nói với chúng ta rất nhiều về Phật Pháp. Ngoài ra, Sanskrit đóng vai trò đặc biệt trong ngôn ngữ Khmer, vốn liên quan với nhau từ hàng ngàn năm trước. Chúng ta cần học cả hai ngôn ngữ, Khmer và Sanskrit, để có thể hiểu thấu đáo lịch sử Khmer.”

Vogel đặt chân đến Cambodia vào năm 1991, làm việc tại Tòa Đại Sứ Pháp. Trước đó, ông bỏ ra hơn 10 năm nghiên cứu và học tiếng Pashto tại Afghanistan. Ông có bằng tiến sĩ ngôn ngữ học tại đại học Sorbonne, Paris, năm 1984.

Sau vài năm sống tại Cambodia, Vogel bắt đầu đam mê ngôn ngữ của những thị tộc Cambodia sống trong rừng sâu, hay những nơi hẻo lánh, hay của những gia tộc cư trú liên tục nhiều thế kỷ trong những nơi ấy. Công việc của những nhóm người này là săn bắt và thuần hóa voi rừng.


Nghiên cứu Bunong


Vogel đến tỉnh Mondulkiri, phía Đông Bắc Cambodia, sát Việt Nam, lần đầu tiên năm 1994.

Tại đây, ông gặp nhiều thành viên thuộc cộng đồng Bunong, và yêu ngay ngôn ngữ nói – không có chữ viết – cùng các câu chuyện dân gian địa phương. Các câu chuyện này được kể truyền khẩu từ thế hệ này sang thế hệ khác ở Bunong.

Ông Vogel (trái) và một nhà nghiên cứu độc lập Cambodia. (Hình: Courtesy photo of Peter Maguire)
Ông Vogel (trái) và một nhà nghiên cứu độc lập Cambodia. (Hình: Courtesy photo of Peter Maguire)


Cá nhân Vogel, và một số nhà nghiên cứu từng tìm hiểu ngôn ngữ Bunong, hiểu rằng mình có thể đóng góp tích cực cho cư dân tại đây.

“Tôi biết Bunong thuộc họ ngôn ngữ Mon-Khmer,” Vogel nói. “Là một nhà ngôn ngữ học, tôi cần học tiếng Bunong để đối chiếu hai ngôn ngữ Khmer – Bunong.”

Ông dần dần đi sâu vào cộng đồng Bunong, gia nhập vào lối sống đặc trưng của họ; và bắt đầu bén rễ. Nhiều lúc, Vogel đến đây, lưu lại nhiều ngày, thậm chí nhiều tuần, ăn thức ăn Bunong và uống rượu của người Bunong.

Vogel, một tay săn có hạng, một võ sĩ cự phách, bắt đầu yêu công việc từ đó.

“Tôi không nghĩ nó khó lắm đâu.” Vogel kể lại. “Vì nếu khó, tôi đã không làm được rồi. Tôi làm vì tôi thật sự yêu thích.”

Tiếp cận Bunong trong nhiều năm, Vogel thấy rõ, sự toàn cầu hóa đã ảnh hưởng rất lớn đến lối sống của người địa phương. Trong một thời gian dài, hết thế hệ này đến thế hệ khác, các cộng đồng người Bunong được dẫn dắt bởi các bô lão; còn hiện nay là các quan chức hành chánh, chẳng hạn các trưởng làng hay các quận trưởng.

Trẻ em Bunong ngày này được khuyến khích đi học, học tiếng Khmer, và cả tiếng Anh cùng điện toán. Vogel quan ngại, khuynh hướng này có thể khiến ngôn ngữ và truyền thống Bunong phai nhạt.

Là một nhà ngôn ngữ học, tôi cần học tiếng Bunong để đối chiếu hai ngôn ngữ Khmer – Bunong.
Sylvain Vogel, Tiến Sĩ Ngôn Ngữ Học

“Người ta không dùng tiếng Bunong nhiều lắm, xã hội đang thay đổi mãnh liệt, tôi e rồi đây ngôn ngữ Bunong sẽ biến mất.” Vogel thổ lộ.

Và người Bunong cũng có quan ngại tương tự.

Yun Lorang, một người Bunong, nói rằng ông “rất lo về việc ngôn ngữ Bunong trở thành tử ngữ. Vì ngôn ngữ đi liền với căn cước, sự nhận diện.” Lorang, điều phối viên Liên Minh Người Bản Xứ Cambodia, nói với VOA qua điện thoại. “Ở nơi đông người, người Bunong không dùng tiếng Bunong, mà nói tiếng Khmer.”

Tác phẩm nghiên cứu đầu tiên của Vogel về ngôn ngữ Bunong là phiên âm Bunong ra hệ mẫu tự quốc tế, phát hành năm 2006 tại Pháp. Hai tác phẩm còn lại là ngữ pháp,văn chương truyền khẩu Bunong, chẳng hạn các bản hùng ca, âm nhạc, các bài đồng dao; và văn hóa Bunong.

Các tác phẩm này khiến người yêu quý văn hóa Bunong cảm thấy an lòng. Lorang thổ lộ, ghi lại văn hóa và tiếng Bunong trong sách vở, văn bản, có thể giúp duy trì sự tồn tại của ngôn ngữ này.

“Lịch sử quan trọng vì giúp chúng ta khám phá tinh thần, giá trị và căn cước mình.” Lorang, đang sinh sống tại trị trấn Sen Monorom, thủ phủ tỉnh Mondulkiri, nhận xét.


Quá khứ giải mã hiện tại


Điều đáng nói, hầu hết các nghiên cứu của Vogel trong nhiều năm liền đều do ông tự bỏ tiền túi ra làm. Chủ Tịch tổ chức Fainting Robin Foundation, Peter Maguire, tiết lộ.

“Đó là công trình kéo dài 20 năm, không có sự hỗ trợ từ bên ngoài, không có gì cả.” Maguire, một sử gia, đồng thời là người kiến tạo tổ chức Fainting Robin Foundation, kể lại. Tổ chức của Maguire chính là để hỗ trợ các học giả độc lập.

Maguire biết Vogel đã nhiều năm, và thỉnh thoảng đến cư trú với vị học giả Pháp tại tỉnh Mondulkiri. Ông ca tụng sự hy sinh của Vogel, nghiên cứu một ngôn ngữ vốn không được nhiều chú ý từ các viện hay nhà nghiên cứu thành danh, ở ngay Cambodia và quốc tế.

Một đóng góp khác, quan trọng không kém, khiến Fainting Robin Foundation quyết định dành giải thưởng đầu tiên của mình cho Vogel, đó là sự vun xới, dạy dỗ thế hệ trẻ Cambodia đi vào con đường nghiên cứu ngôn ngữ. Kunthea và Somnoble là một ví dụ.

“Từ hồi tôi biết ông ấy đến nay, ông ấy dạy ngôn ngữ học 5 ngày một tuần, bằng tiếng Khmer,” Maguire cho biết. “Ông ấy không giảng dạy bằng tiếng Anh. Cũng không bằng tiếng Pháp. Ông ấy nỗ lực học ngôn ngữ mới, và học rất giỏi, học nói đúng ngữ pháp, học viết, học đọc. Đó là tinh thần dấn thân ít học giả nào có được.”

Ngay khi vừa đặt chân đến Phnom Penh, Vogel nhận ra ngay một điều: Học trò người Cambodia của ông sẽ có lợi nhiều hơn nếu ông dạy họ Sanskrit hoặc ngôn ngữ học, thay vì dạy tiếng Pháp. Có mối liên hệ lịch sử giữa ngôn ngữ Khmer và cổ ngữ Sanskrit.

“Tôi bắt đầu dạy Sanskrit để học trò tôi biết được các họ ngôn ngữ, bên cạnh Mon-Khmer.” Vogel diễn giải.

Vogel nhớ lại, không có nhiều học trò Cambodia muốn học Sanskrit, nhưng “một học trò” cũng đã đủ rồi, vì “sẽ có nhiều khắc tự Sanskrit được giải mã trong tương lai” tại đất nước này.

Tiến sĩ Vogel (trái). (Hình: Courtesy photo of Peter Maguire)
Tiến sĩ Vogel (trái). (Hình: Courtesy photo of Peter Maguire)


“Rồi các học giả Cambodia sẽ làm việc với giới nghiên cứu quốc tế, dịch các khắc tự Sanskrit” cho thế giới được biết. Vẫn lời Vogel.

Rồi ông thầy khả kính nhớ lại, khoảng giữa 1999 và 2001, ông bắt đầu có một học trò xuất sắc. Đó là Kunthea. Và điều đặc biệt, cô học trò này thích tìm hiểu sự liên hệ giữa Sanskrit, Cambodia, và ngôn ngữ hiện tại, Khmer.

“Chỉ duy nhất một học trò thích học Sanskrit, và học rất chăm chỉ. Tôi phải giúp cô ấy thôi.” Vogel hồi tưởng.

Để giúp Kunthea đủ kiến thức đi học nước ngoài, Vogel dạy riêng cho cô, miễn phí, tiếng Sanskrit vào các cuối tuần, tại quán cà phê. Kunthea nhớ lại: Chính Vogel đã đặt bệ phóng cho tương lai của mình.

Mười lăm năm trôi qua, cô sinh viên ngày nào nay đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ tại Pháp, với nội dung “Vai Trò của Sanskrit Trong Sự Phát Triển Ngôn Ngữ Khmer: Nghiên Cứu Các Đề Từ, Thế Kỷ 6 đến 14.”

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG