Đường dẫn truy cập

Kẻ chủ mưu đánh bom sứ quán Miến Ðiện thề tiếp tục Thánh chiến


Chiến binh Hồi giáo Sigit Indrajit tại tòa án ở Jakarta, Indonesia, ngày 21/1/2014.
Chiến binh Hồi giáo Sigit Indrajit tại tòa án ở Jakarta, Indonesia, ngày 21/1/2014.
Các tòa án Indonesia tuần này đã bỏ tù kẻ chủ mưu một kế hoạch tấn công khủng bố vào đại sứ quán Miến Ðiện ở Jakarta. Bị tuyên phạt 7 năm rưỡi tù, phần tử cứng rắn này thề quyết sẽ tiếp tục chống lại những kẻ thù của Ðạo Hồi. Thông tín viên VOA Kate Lamb ghi nhận chi tiết về tinh thần của các phong trào cực đoan ở Indonesia trong bài tường thuật sau đây.

Sigit Indrajit, chủ mưu vụ tấn công, là người thứ ba bị bỏ tù trong âm mưu đánh bom bất thành vào đại sứ quán. Cảnh sát đã bắt giữ các phần tử cứng rắn ở Jakarta hồi tháng 5 năm ngoái, một kẻ mang theo túi đeo lưng chưa đầy chất nổ.

Tại một phiên tòa trước đó, Indrajit đã thú nhận cầm đầu kế hoạch tấn công để trả thù cho cái chết của những người Hồi giáo Rohingya, một nhóm thiểu số không được hưởng quyền công dân ở Miến Ðiện.

Việc đối xử với người Rohingya, là khối người bị nhắm làm mục tiêu của các vụ tấn công tàn bạo trong năm vừa qua ở Miến Ðiện chủ yếu theo Phật giáo, đã gây nhiều căm phẫn ở Indonesia.

Xét về mức độ trầm trọng mà vụ tấn công có thể gây ra đối với một phái bộ ngoại giao tại trung tâm chính trị và kinh tế trong nước, các chuyên gia phân tích về khủng bố nói rằng quyết định của tòa án trong tuần này lẽ ra có thể còn nghiêm khắc hơn.

Ông Todd Elliot, một nhà phân tích thuộc nhóm Tham vấn Concorde, nói rằng có phần chắc Indrajit sẽ không phải thụ hết án tù, và sẽ được tha với một “vị thế được nâng cao.”

“Hắn ta sẽ ở tù, có thể sẽ ra sớm, có thể được giảm án, hoặc bất cứ điều gì, hắn ta sẽ ra tù trong vài năm và sẽ trở lại thẳng vào phong trào khủng bố, không những hắn ta sẽ trở ra một một vị thế được nâng cao trong phong trào do bị vào tù vì đã tham gia vào âm mưu này, hắn ta sẽ trở ra với một mức độ được nể vì trong cộng đồng thánh chiến Jihad.”

Âm mưu đánh bom đại sứ quán xảy ra sau khi có lời kêu gọi của Abu Bakar Bashir, người ở trong tù đã hô hào người Hồi giáo Indonesia theo đuổi thánh chiến tại Miến Ðiện, còn gọi là Myanmar.

Bashir là một trong những người sáng lập Jemaah Islamiyah, còn gọi tắt là JI, tổ chức khủng bố đứng sau các vụ đánh bom các hộp đêm ở Bali năm 2002.

Hắn hiện đang thụ một án tù 15 năm.

Bất chấp một cuộc trấn áp nhắm vào các mạng lưới khủng bố như JI sau khi xảy ra các vụ đánh bom ở Bali, các chuyên gia phân tích nói âm mưu đánh bom Ðại sứ quán nêu bật tinh thần của các nhóm lẻ tẻ - biểu hiện mới đây nhất của hoạt động cực đoan ở đây.

Ông Todd Elliot giải thích:

“Những nhóm như JI tấn công các mục tiêu ở Bali và Jakarta, các nhóm này đang ở trong tình trạng khá xuống dốc hoặc đã bị xóa sạch trước các thành quả của bộ máy chống khủng bố, nhưng thánh chiến tàn bạo chưa bị tiêu diệt, vì thế kết quả là đã hóa thân thành mối đe dọa tản mác, khó tiên đoan hơn mà chúng ta đang chứng kiến.”

Thay vì những vụ tấn công đại quy mô, bối cảnh khủng bồ ở Indonesia bao gồm một hỗn hợp các mạng lưới tản mác.

Các nhóm hỗ trợ thánh chiến ở các nước như Miến Ðiện và Syria thường dùng mạng lưới xã hội để quy tụ sự ủng hộ và tuyển mộ.

Chẳng hạn như Indrajit đã gặp một số đồng lõa trên Facebook sau khi đăng các tin nhắn về việc ngược đãi người Hồi giáo Rohingya.

Riêng trong năm nay, nhà chức trách đã xác nhận nhiều kẻ được gọi là phần tử thánh chiến tản mác.

Trong tháng 1, cảnh sát đã bắn chết 6 phần tử khủng bố trong một vụ nổ súng ban đêm ở phía tây Jakarta. Và hồi đầu tuần này, cảnh sát đã bắt giữ 2 phần tử cực đoan mà họ cho là sẵn sàng mở các cuộc tấn công vào cảnh sát.

Nhưng chuyên gia phân tích khủng bố Noor Huda Ismail nói cho dù các phần tử khủng bố bị bỏ tù, thì thường lúc ra tù, bọn chúng lại còn trở nên cực đoan hơn. Những tài liệu c1o chủ trương cứng rắn như sách vở, ngay cả điện thoại di động, thường dễ dàng được đưa lậu vào các nhà tù ở Indonesia.

“Ðiều quan trọng hơn là các phần tử khủng bố bị tù đã dễ dàng tiếp xúc với các tù nhân khác bởi vì tuy bị tách riêng ra, vào một thời điểm nào đó, thường là buổi sáng hoặc buổi chiều, phòng giam sẽ được mở cửa và họ có thể trà trộn với các tù nhân khác.”

Ông Huda đứng đầu một tổ chức phi chính phủ gọi là Xây dựng Hòa bình Quốc tế, làm việc với các phần tử khủng bố bị kết án để thách thức các quan điểm cứng rắn của họ.

Ông cũng giúp họ tái hòa nhập vào xã hội sau khi được trả tự do.

Nhưng việc tuyển mộ khủng bố, theo ông, là một vấn đề to lớn bên trong các nhà tù Indonesia, với các thành phần cứng rắn xây dựng quan hệ chậm nhưng dần dà với các phạm nhân.

“Bởi vì các phần tử khủng bố bị tù này bị thúc đẩy bởi chủ thuyết, họ tinh khôn hơn, họ có thể cung cấp nguồn hy vọng cho các phạm nhân khác rồi lẽ tự nhiên các phạm nhân này sẽ đến với họ để xin lời khuyên bảo, và quan điểm…”

Indonesia có nhiều người theo Hồi giáo hơn so với toàn bộ thế giới Ả Rập, nhưng đa số không theo các quan điểm quá khích.

Ðược khích lệ bởi các lý tưởng thánh chiến toàn cầu từ Philippines cho đến Afghanistan, các nhóm cực đoan bên lề đã tồn tại nhiều thập niên ở Indonesia.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG