Đường dẫn truy cập

Indonesia lên án việc hành quyết 1 người giúp việc nhà ở Ả Rập Xê-út


Khoảng 1 triệu 200 ngàn công nhân di trú đang ở Ả Rập Xê-út, nhiều người là phụ nữ làm công tác giúp việc trong gia đình
Khoảng 1 triệu 200 ngàn công nhân di trú đang ở Ả Rập Xê-út, nhiều người là phụ nữ làm công tác giúp việc trong gia đình

Indonesia đã lên án việc hành quyết một người Indonesia giúp việc nhà bị kết tội giết chủ nhân ở Ả Rập Xê-út. Các tổ chức nhân quyền nói đây là bằng chứng cho thấy Indonesia cần có các biện pháp bảo vệ tốt hơn cho hàng triệu công nhân di trú của mình. Từ Jakarta, thông tín viên VOA Sara Schonhardt gửi về bài tường thuật sau đây.

Những người hoạt động cho nhân quyền nói họ kinh hãi trước hành động chặt đầu dã man bà Ruyati Binti, một công nhân di trú từ bên ngoài Jakarta bị kết tội đâm chết nữ chủ nhân của mình hồi tháng 1 năm 2010.

Bà Satubi bị hành quyết ở gần Mecca hôm thứ Bảy, chỉ vài ngày sau khi Tổng thống Indonesia Susilo Bambang Yudhoyono dành sự ủng hộ cho một hiệp định nhằm cung cấp một loạt những biện pháp mới bảo vệ những người nước ngoài giúp việc nhà.

Các giới chức Indonesia cho hay chính phủ Ả Rập Xê-út không theo đúng các thủ tục quốc tế bằng cách thông báo cho họ về vụ xử và hành quyết, bất chấp những yêu cầu đòi thông tin. Chính phủ đã triệu hồi đại sứ Indonesia tại Riyadh về để hội ý.

Nhà khảo cứu kỳ cựu về nữ quyền của Tổ chức Human Rights Watch, bà Nisha Varia nói hành động chặt đầu cho thấy những khuyết điểm trong các nỗ lực của chính phủ nhằm ngăn chặn việc ngược đãi công nhân di trú.

Bà Varia nói: “Vụ hành quyết này là một sự nhắc nhở thêm về nhiều biện pháp bảo vệ mà chính phủ Indonesia nói họ đang áp dụng, và cho thấy rằng việc chính phủ Ả Rập Xê-út tuyên bố sẽ áp dụng không đáp ứng được những gì cần thiết để giải quyết tình trạng ngược đãi có hệ thống mà chúng ta đã chứng kiến nhiều năm nay.”

Khoảng 1 triệu 200 ngàn công nhân di trú đang ở Ả Rập Xê-út, nhiều người là phụ nữ làm công tác giúp việc trong gia đình.

Những công nhân này thường không được lãnh lương, phải làm việc quá nhiều giờ, bị buộc ở trong nhà, và bị ngược đãi và lợi dụng tình dục. Các cuộc điều tra của tổ chức Human Rights Watch cho thấy nhiều chính phủ không bảo đảm những biện pháp bảo vệ ngăn chặn tình trạng lạm dụng.

Tuần trước, Tổ chức Lao động Quốc tế đã phê chuẩn một công ước đòi hỏi các chính phủ phải cung cấp cho những người giúp việc nhà các biện pháp bảo vệ giống như các công nhân khác. Trong các biện pháp này có tiêu chuẩn về mức lương tối thiểu, tiền trả thêm cho việc làm quá giờ, các khoảng thời gian được nghỉ hàng tuần và nghỉ hộ sản.

Bà Varia nói Indonesia và Ả Rập Xê-út đã phản đối một công ước có tính ràng buộc pháp lý, nhưng ủng hộ vòng đàm phán mới nhất.

Indonesia mới đây cũng đạt được một thỏa thuận với Malaysia chấm dứt lệnh cấm trong 2 năm về việc cung cấp người giúp việc nhà. Jakarta đã ngưng không gửi người giúp việc nhà sang Malaysia sau một loạt những vụ lạm dụng châm ngòi cho sự phẫn nộ của công chúng vào năm 2009.

Nhưng bà Varia nói thỏa thuận đó, cùng với bài phát biểu của ông Yudhoyono ủng hộ công ước của Tổ chức Lao động Quốc tế, không phản ánh thực tế là công nhân di trú vẫn không nhận được mấy biện pháp bảo vệ từ phía chính phủ.

Bà Varia nói: “Cho người giúp việc nhà được nghỉ ngơi một ngày mỗi tuần hay bảo đảm là họ được quyền giữ hộ chiếu của mình, là những điều mà các nước này không nên mất cả hai năm trời mới thương lượng được.”

Các hiệp ước quốc tế đòi hỏi các chính phủ phải thông báo cho nhân viên ngoại giao khi công nhân của họ bị đưa ra xét xử. Bà Varia nói chính phủ Ả Rập Xê-út nổi tiếng là không thông báo cho các chính phủ khác biết về việc bắt giữ công dân của họ.

Chính phủ Ả Rập Xê-út chưa công khai đáp lại những thắc mắc về vụ chặt đầu.

Đại sứ Indonesai tại Riyadh nói rằng luật pháp của Ả Rập Xê-út chỉ cho phép bãi bỏ những vụ hành quyết với điều kiện gia đình nạn nhân đồng ý tha thứ cho những hành động giết người.

Trong thập niên vừa qua, nhiều di dân Indonesia đã bị Ả Rập Xê-út hành quyết vì giết chủ nhà. Bộ Tư pháp và Nhân quyền báo cáo có khoảng một chục người khác đang chờ bị hành quyết.

Ông Anis Hidayah, người đứng đầu tổ chức phi chính phủ Migrant Care có mục đích cung cấp sự bảo vệ cho công nhân Indonesia ở nước ngoài, nói rằng gia đình bà Satubi đã tiếp xúc với tổ chức Migrant Care hồi tháng hai sau khi không được chính phủ Indonesia hồi đáp về vụ việc của bà.

Tuy bà Satubi đã nhận các tội sát nhân, gia đình bà nói hành động của bà xuất pháp từ sự căm hận do bị ngược đãi đánh đập, cưỡng bức lao động và không được trả lương.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG