Đường dẫn truy cập

Nạn ‘hooligan’ ở Euro 2012


Cảnh sát bắt một cổ động viên trong một vụ ẩu đả trước trận Ba Lan - Nga ở Warwaw, ngày 12 tháng 6, 2012
Cảnh sát bắt một cổ động viên trong một vụ ẩu đả trước trận Ba Lan - Nga ở Warwaw, ngày 12 tháng 6, 2012
please wait

No media source currently available

0:00 0:05:45 0:00
Tải xuống

Các vụ ẩu đả giữa cổ động viên Ba Lan và Nga tại Warsaw hồi đầu tuần này đã ảnh hưởng đến uy tín các nhà tổ chức giải vô địch bóng đá Âu châu, Euro 2012, và làm dấy lên sự lo ngại về tình trạng an ninh của giải đấu này cũng như các đại hội thể thao quốc tế sắp tới được tổ chức ở châu lục.

Nạn côn đồ trong bóng đá, hay ‘hooligan,’ không may đã sớm xuất hiện tại Euro 2012. Mở màn cho nạn côn đồ này là các cổ động viên Nga hành hung nhân viên phục vụ sân vận động ở ngay trận ra quân của đội tuyển Nga gặp Cộng hòa Czech tại Warsaw.

Bước sang loạt trận đấu thứ hai của vòng bảng, nạn côn đồ cũng tăng thêm mức độ bằng những vụ ẩu đả giữa các đám đông cổ động viên Nga và của nước chủ nhà Ba Lan.

“Bóng đá là một môn thể thao, ai cũng muốn giành thắng lợi về phía mình, từ cầu thủ đến cổ động viên -- Ông Nguyễn Văn Thật, một người Ba Lan gốc Việt ở thủ đô Warsaw, nói -- Ba Lan đã chuẩn bị rất lâu và chu đáo cho sự kiện thể thao lớn nhất châu lục này, và cổ động viên nước chủ nhà rất háo hức trông chờ vào chiến thắng của đội tuyển nước họ.”

“Cũng là một cái điều may là trận đấu kết thúc với tỉ số hòa 1-1. Còn nếu mà tỉ số lại nghiên về phía đội Nga, thì nó cũng sẽ gây ra những bức xúc đối với cổ động viên của đội chủ nhà,” ông Thật nói.

Cảnh sát chống bạo động đã phải vào cuộc bằng hơi cay, đạn cao su, và rốt cuộc bắt giữ hơn 180 người.

Tuy nhiên theo ông Ngô Hoàng Minh, một người Ba Lan gốc Việt đã sống ở thủ đô Warsaw mấy mươi năm, thì mức độ bạo động của trận Ba Lan – Nga không đến nỗi đáng lo ngại như báo chí đã thổi phồng:

“Sự thiệt hại là tất nhỏ. Bình thường những cuộc đụng độ thì còn đánh nhau với cả công an. Nhưng hôm qua thì cũng chỉ đánh nhau vớ vẩn, chẳng ai bị thương tích gì nặng. Mấy người công an cũng chỉ sây sứt tí thôi. Và không có xe ô tô nào bị đốt, và cửa hàng không bị đập phá. Thành phố cũng chả bị thiệt hại gì, ngoài những thùng rác bị ném đi, thì xem như là những chuyện rất bình thường. Gần 200 người bị bắt là một con số rất nhỏ. Ở sân vận động ngày hôm qua có từ 55 đến 58 ngàn người. Ngoài ra người ta còn thành lập một cung văn hóa có một quảng trường rất lớn, đặt những màn hình rất lớn cho người dân đến xem. Có hơn 100 ngàn người đến đấy xem, rất nhẹ nhàng, cả người Nga lẫn người Ba Lan, những người không có vé vào sân – người ta đứng tụ tập ở quảng trường xem. Trước trận đấu người ta đến đông và sau khi trận tan thì người ta đi về. Có hai làn đường đi qua những chiếc cầu bắt qua sông Vistula, cả người Nga và người Ba Lan đi, không có ảnh hưởng gì cả. Còn mấy vụ ẩu đả nhỏ thì làm sao mà tránh khỏi. Có những người thích đánh nhau, người ta tìm mọi cách gây lộn. Nhưng không ai bị thương tích gì nặng. Thành phố hôm nay đã họp báo và đã tự ca ngợi là thành công trong tổ chức, không để xảy ra những chuyện có hậu quả gì lớn. Thế còn một số nhà báo cứ muốn đưa cái tin này lên để lấy chuyện giật gân là ở Ba Lan nguy hiểm, thế này, thế nọ, giống như một chương trình của Anh nói là ‘sang Ba Lan là sẽ về trong một chiếc quan tài’ gì đó. Ðó toàn là những chuyện vu khống. Tất cả những người Việt ở đây đều nhận thấy đi ra ngoài đường rất an toàn.”

Tuy nhiên ở trong sân thì một đám đông cổ động viên Nga không hiểu bằng cách nào đó đã đưa được vào sân một tấm biểu ngữ kích cỡ khổng lồ, trải ra che kín một khoảng lớn trên khán đài. Biểu ngữ có hình vẽ Tư lệnh Dmitry Pozharsky, người đã đưa quân Nga tiến đánh Ba Lan vào đầu thập niên 1600, dưới có hàng chữ lớn bằng tiếng Anh “Ðây là Nga.” Nhóm quan sát phân biệt chủng tộc có tên là ‘Bóng đá Chống Phân biệt chủng tộc tại Âu châu’ (FARE) trước đó đã thông báo cho cơ quan quản lý bóng đá của châu lục là UEFA, cảnh báo về khẩu hiệu ‘cựu hữu quá khích.’

“Về chính trị thì đúng là dân Nga và dân Ba Lan từ xưa nay cũng có những cuộc đụng độ lịch sử, ví dụ như một trong những cuộc chiến gần đây nhất là vào năm 1920, khi Nga Xô cộng sản định lan tràn sang tây Âu, và đã bị tướng Pilsudski và quân đội Ba Lan chận đứng lại ở trận đánh nổi tiếng ở Warsaw -- Ông Minh nói -- Người ta vẫn còn nhớ đến ‘Trận đánh Warsaw’ đấy, không ngờ là Ba Lan đã thắng được Nga. Người Nga vẫn tức cái trận đó, vẫn còn hằn thù. Cho nên trong Chiến tranh Thế giới thứ 2, như chúng ta đã biết, người Nga đã tìm cách thông đồng với người Ðức, bắt hết những sĩ quan và tầng lớp tinh hoa của dân Ba Lan, đưa vào những trại tù và giết chết hơn 22 ngàn người. Người Ba Lan bây giờ mới được nói lên những điều đấy, người ta vẫn còn rất thù hằn người Nga. Ở Ba Lan hiện có một cái đảng, gọi là đảng cực hữu rất ghét cộng sản, và tìm mọi cách gây thù hằn giữ người Ba Lan với người Nga. Nhưng nói chung bây giờ người Ba Lan cũng muốn hòa hợp dân tộc với người Nga, không còn thù hằn gì nữa. Cho nên mấy ngàn người Nga sang đây cũng được tiếp đón một cách rất chân thành, không có những cuộc ẩu đả.”

Hôm thứ Tư, UEFA đã ra quyết định phạt Nga 150.000 đôla vụ cổ động viên Nga tấn công nhân viên phục vụ sân vận động hồi tuần trước đó ở Ba Lan. UEFA đồng thời cảnh cáo nếu cổ động viên Nga tái phạm, thì đội tuyển Nga sẽ bị trừ 6 điểm trong vòng loại tranh suất dự Euro lần tới. Tuy nhiên UEFA tạm hoãn quyết định này và để cho Nga một thời gian thử thách đến hết vòng playoff của giải vô địch châu Âu kỳ tới. Theo một thông cáo của UEFA, thì vụ ẩu đả với cổ động viên Ba Lan hồi đầu tuần này không ảnh hưởng đến “án treo” vừa kể.

Nga sẽ là nước đăng cai Thế vận hội mùa Ðông 2014, và World Cup 2018.
XS
SM
MD
LG