Đường dẫn truy cập

Một cuộc tranh luận chính trị thu hút khán giả Hồng Kông


Lãnh đạo đặc khu hành chánh Hồng Kông Donald Tsang đã tấn công một trong những người đối lập có tiếng tăm nhất thuộc phe ủng hộ dân chủ trong một cuộc tranh luận mạnh bạo nhưng không được cho là khôn ngoan. Thông tín viên Ivan Broadhead tường trình về một diễn biến đã thu hút được rất nhiều chú ý của quần chúng.

Chủ đề chính của cuộc tranh luận là kế hoạch về những thay đổi trong hệ thống bầu cử vào năm 2012.

Lãnh đạo đặc khu hành chánh Hồng Kông, ông Tsang lý luận rằng đề nghị thay đổi lề lối Hồng Kông bầu chọn các nhà làm luật và chủ tịch đặc khu hành chánh vào năm 2012 sẽ đưa thành phố này vào con đường dân chủ toàn diện, cáo buộc người đối lập của ông là lãnh tụ ủng hộ dân chủ, bà Audrey Eu, tìm cách làm đình chỉ kế hoạch này.

Bà Eu trả lời rằng: ”chẳng thà bà đứng yên một chỗ còn hơn là đi thụt lùi."

Nhiều người tại Hồng Kông cho rằng ông Donald Tsang không khôn ngoan khi thách thức một nhân vật hàng đầu của phe ủng hộ dân chủ, một luật sư nổi tiếng như bà Eu trực tiếp tranh luận trên truyền hình.

Trong số những người nghĩ như vậy có ông Martin Lee, sáng lập viên đảng Dân Chủ Hồng Kông. Ông nói:

“Tôi không thể tin rằng ông Donald Tsang lại moi móc bà Audrey Eu. Nhưng tôi cho rằng vụ tranh luận này sẽ đi vào lịch sử. Đó là lần đầu tiên một lãnh đạo đặc khu hành chánh Hồng Kông lại chỉ trích một lãnh đạo phe đối lập về một đề tài nhạy cảm trong cuộc tranh luận trước công chúng.”

Từng là thuộc địa của nước Anh, Hồng Kông đã duy trì được một mức độ độc lập chính trị đáng kể từ khi Trung Quốc lấy lại chủ quyền phần đất này vào năm 1997. Tuy nhiên chỉ có một nửa số 60 ghế lập pháp tại phần đất này là được bầu theo lề lối dân chủ, số còn lại được bổ nhiệm hầu hết bởi các nhóm quyền lợi đặc biệt thân Bắc Kinh.

Phải chiều theo đòi hỏi cải tổ của công chúng, vào giữa tháng Tư, ông Tsang đã đề nghị tăng con số những nhà lập pháp được bầu trực tiếp và mở rộng ủy ban 800 thành viên thân Bắc Kinh, tức ủy ban bổ nhiệm Chủ tịch đặc khu hành chánh Hồng Kông.

Đề nghị này sẽ được đem ra trước các nhà làm luật để biểu quyết vào thứ Tư tuần tới. Các chính trị gia của phe Dân chủ đã chuẩn bị bác bỏ những đề nghị cải tổ này, nói rằng những đề nghị đó không đủ và được sắp đặt để làm lợi cho các nhóm doanh thương.

Tham gia vào cuộc tranh luận chưa từng có trên truyền hình với bà Eu, ông Tsang hy vọng sẽ đảo ngược được sự ủng hộ của quần chúng dành cho ông bằng cách vẽ ra hình ảnh của phe dân chủ là những kẻ chặn đường tiến, chỉ muốn đặt các vấn đề chính trị của họ lên trên nguyện vọng của công chúng, muốn thấy ít nhất là sự tiến bộ trên con đường dẫn tới dân chủ toàn diện.”

Ông Francis Moriarty, một ký giả lão thành về chính trị cho đài phát thanh và truyền hình Hồng Kông, phát biểu:

“Hồng Kông đã bị mắc kẹt ít nhất là từ 5 năm nay, kể từ khi đề nghị trước đây đã bị bác bỏ. Nếu như lần này đề nghị lại bị bác nữa, chúng sẽ lại mắc kẹt thêm 5 năm nữa. Nhân dân Hồng Kông muốn có phổ thông đầu phiếu, và rõ ràng là đa số dân ở Hồng Kông muốn được quyền này ngay bây giờ. Vì thế liệu cuộc tranh luận này có giúp thúc đẩy được tiến triển dân chủ tại Hồng Kông chút nào hay chăng? Nếu có, thì cuộc tranh luận này là một thành công. Nếu không, thì nó thất bại.

Chuẩn bị cho cuộc tranh luận gây phấn khởi cho phong trào dân chủ. Các bộ trưởng trong chính phủ của đặc khu hành chánh Hồng Kông được gửi tới các buổi lễ lạt, các diễn biến ở khắp thành phố để cổ vũ cho những đề nghị của ông Tsang, nhưng họ bị tràn ngập bởi những nhà tranh đấu cho dân chủ được các phương tiện truyền thông xã hội huy động.

Đêm hôm thứ tư, hàng trăm người đã tụ họp tại trung tâm Hồng Kông, cất lên những lời ca phản kháng và hoan nghênh và Eu khi bà trên đường đến nơi tranh luận. Một sinh viên 20 tuổi, chỉ cho biết tên là Victor, là một trong số những người ủng hộ bà Eu, lên tiếng:

“Giờ đây người dân ghét chính phủ Hồng Kông. Họ ghét luôn cả chính phủ Trung Quốc. Chính phủ Trung Quốc không muốn Hồng Kông có dân chủ. Họ muốn có quyền lực về chính sách tại Trung Quốc. Họ muốn cầm trịch quyền kiểm soát Hồng Kông. Tôi ước gì Hồng Kông có thể tự chọn chủ tịch đặc khu hành chánh Hồng Kông.”

Những luật lệ do chính phủ đưa ra ngăn cấm công chúng không được vào nơi tranh luận và ngay cả báo chí cũng bị hạn chế nghiêm ngặt, đưa tới khá nhiều những ý nghĩ không hay về ông Tsang ngay cả từ trước khi cuộc tranh luận khởi sự.

Trong cuộc tranh luận căng thẳng đôi khi thù nghịch, Chủ tịch đặc khu hành chánh Hồng Kông mặt không để lộ cảm xúc, cặp mắt chẳng bao giờ rời khỏi bài viết cầm tay, trấn an khán giả rằng công cuộc cải tổ của ông biểu hiện những bước tiến dần đến quyền phổ thông đầu phiếu mà họ hết sức mơ ước.

Bà Eu, mặc chiếc áo khoác kiểu Tàu,trả lời bằng cách tố cáo ông Tsang tìm cách quảng cáo cho chính sách ”thụt lùi”. Bà đòi ông Tsang phải đưa ra chương trình hành động rõ ràng để đi tới “ quyền phổ thống đầu phiếu thực sự”, chứ không phải là “những lời hứa hẹn suông.”

Kết quả cuộc thăm dò công luận đầu tiên sau vụ tranh luận cho thấy bà Eu là người thắng cuộc rõ rệt, và cho thấy là những người chống đối những đề nghị cải tổ của ông Tsang giờ đây đang hình thành một đa số rõ rệt.

Ít nhất phải có 3 nhân vật thuộc phe dân chủ tại cơ quan lập pháp Hồng Kông biểu quyết ủng hộ chính phủ thì ông Tsang mới chiếm được đa số 2/3 theo như đòi hỏi để những đề nghị của ông được thông qua trong cuộc biểu quyết tuần tới.

Đằng sau phong cách kém cỏi của ông trong cuộc tranh luận, và cũng không có đề nghị nào khác thêm vào, những đề nghị cải tổ rộng lớn hơn đã nhanh chóng bị Bắc Kinh ngăn cấm. Ký giả về chính trị cho đài phát thanh và truyền hình Hồng Kông Moriarty không thấy có triển vọng thay đổi. Tuy nhiên, nội sự kiện cuộc tranh luận đã diễn ra là điều rất đáng kể. Ông nói:

“Tranh luận về tương lai của dân chủ, đây là sự kiện độc nhất vô nhị tại Trung Quốc. Không chỉ đối với 7 triệu dân Hồng Kông và tương lai của họ, điều đó cũng đủ quan trọng rồi. Điều chính là nó là điềm báo trước cho tương lai quan hệ giữa Hoa lục và Đài Loan, và cũng là điều khả dĩ cho tương lai phát triển của Trung Quốc. “

Người tiền nhiệm của ông Tsang, ông Đổng Kiến Hoa, đã rời bỏ chức vụ vào năm 2005, sớm hơn nhiệm kỳ đến hơn 2 năm, sau khi một toan tính bất thành nhắm thực thi hiến pháp do Trung Quốc bảo trợ làm dấy lên các vụ biểu tình ngoài đường phố và sự xuất hiện của một loại vi rút làm chết người đã ảnh hưởng tai hại đến ngành du lịch của Hồng Kông.

Vào tháng 12 năm ngoái, Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào nói với ông Tsang, ”hãy xử lý vấn đề phát triển hiến pháp cho đúng để bảo đảm hài hòa xã hội.” Thủ tướng Ôn gia Bảo thì khuyến nghị ông hãy giải quyết “những mâu thuẫn có nguồn gốc sâu xa” ở Hồng Kông.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG