Đường dẫn truy cập

Hội đồng Bảo an LHQ tán thành hiệp ước hạt nhân Iran


Đại sứ Hoa Kỳ Samantha Power phát biểu sau khi hiệp ước hạt nhân Iran được Hội đồng Bảo an LHQ tán thành hôm 20/7/2015.
Đại sứ Hoa Kỳ Samantha Power phát biểu sau khi hiệp ước hạt nhân Iran được Hội đồng Bảo an LHQ tán thành hôm 20/7/2015.

Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc hôm thứ Hai đã tán thành hiệp ước hạt nhân Iran, mở đường cho việc tháo dỡ các biện pháp chế tài kinh tế đối với Tehran, trong lúc chương trình phát triển hạt nhân của nước này bị kiềm chế. Từ New York, thông tín viên Ramon Taylor của đài VOA có bài tường trình.

Nghị quyết của Hội đồng Bảo an tán thành và lập ra một cơ chế thực thi hiệp ước hạt nhân lịch sử đạt được sau gần hai năm đàm phán giữa 6 cường quốc thế giới và Iran.

Việc 15 thành viên của hội đồng thông qua nghị quyết này chủ yếu mang tính thủ tục vì tất cả 5 thành viên thường trực có quyền phủ quyết, cùng với Đức, đã tham gia đàm phán hiệp ước được đúc kết hồi tuần trước ở Vienna.

Trong số các điều kiện, hiệp ước này đòi hỏi Iran cắt giảm 2/3 số máy ly tâm và giảm lượng tồn trữ uranium tinh chế để ngăn chặn khả năng chế tạo được một vũ khí hạt nhân của Iran.

Đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hiệp Quốc, bà Samantha Power, hoan nghênh điều bà gọi là phép thử ngoại giao của Hội đồng Bảo an nhưng bà nói rằng hiệp ước này chưa xóa tan lo ngại của Mỹ về Iran.

"Hiệp ước hạt nhân này không thay đổi nỗi lo ngại thực sự của chúng tôi về những vi phạm nhân quyền của chính phủ Iran hay những sự bất ổn do Iran gây ra ngoài chương trình hạt nhân của họ. Đó là lý do vì sao Hoa Kỳ tiếp tục đầu tư vào an ninh cho các đồng minh trong khu vực và là lý do tại sao chúng tôi tiếp tục giữ các biện pháp chế tài liên quan đến những vấn đề của Iran như ủng hộ chủ nghĩa khủng bố, chương trình phi đạn đạn đạo và vi phạm nhân quyền".

Các nhà lập pháp Mỹ và các đồng minh trong khu vực lo ngại về việc rốt cuộc Liên Hiệp Quốc rút lại các biện pháp cấm vận liên quan các loại vũ khí quy ước và phi đạn đạn đạo của Iran.

Những người bất đồng nói rằng khả năng tiếp cận vũ khí hiện đại của Iran trong một tương lai gần sẽ gây thêm bất ổn cho khu vực và có thể châm ngòi cho một cuộc chạy đua vũ khí quy ước ở Trung Ðông.

Đại sứ Israel ở Liên Hiệp Quốc, ông Ron Prosor, gọi nghị quyết này là một "bi kịch".

"Iran sẽ có 150 tỉ đôla để tài trợ cho các nhóm khủng bố. Bao nhiêu tiền sẽ được tài trợ cho Hezbollah, cho Hamas? Bao nhiêu tiền sẽ được tài trợ cho ông Assad? Bao nhiêu tiền sẽ được cung cấp cho các hoạt động khủng bố trên toàn cầu".

Các nhà lập pháp Mỹ có thời gian từ nay cho đến giữa tháng 9 để cân nhắc và cuối cùng sẽ biểu quyết thông qua hay bác bỏ hiệp ước hạt nhân với Iran. Tổng thống Obama đã tuyên bố rằng ông sẽ phủ quyết bất cứ dự luật bãi bỏ nào và từ đó sẽ dẫn đến việc cả Thượng viện lẫn Hạ viện phải đạt được thế đa số 2/3 để đảo ngược phủ quyết của tổng thống.

Nhà lãnh đạo Hoa Kỳ cũng kêu gọi Quốc hội hành động theo sự đồng thuận của quốc tế trong nỗ lực để đoan chắc Iran không có vũ khí hạt nhân.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG