Đường dẫn truy cập

Hòa đàm Nam Sudan lại bị trì hoãn


Trẻ em đứng tại trại tản cư bị lũ lụt ở Bentiu, Nam Sudan.
Trẻ em đứng tại trại tản cư bị lũ lụt ở Bentiu, Nam Sudan.

Cuộc hòa đàm giữa các phe lâm chiến ở Nam Sudan lại một lần nữa bị trì hoãn trong lúc vụ khủng hoảng nhân đạo ở quốc gia Phi châu này mỗi ngày một nghiêm trọng hơn. Theo tường thuật của thông tín viên Gabe Joselow của đài VOA ở Nairobi, sự bất mãn trong dân chúng đang gia tăng vì các bên đối nghịch nhau không đạt được tiến bộ trong cuộc thương thuyết hòa bình.

Cuộc thương thuyết vốn được dự trù diễn ra hôm nay giữa chính phủ Nam Sudan và các nhóm nổi dậy đã được hoãn lại cho tới ngày 20 tháng 10. Đây là vụ trì hoãn mới nhất của cuộc hòa đàm diễn ra một cách chậm chạp.

Chướng ngại lớn nhất vào lúc này là các bên không đồng ý với nhau về chính phủ chuyển tiếp và sự phân chia quyền hành trong chính phủ đó.

Những thỏa thuận đạt được trước đây, trong đó có 3 cuộc ngưng bắn, đã bị đổ vỡ.

Bạo động bùng ra hồi tháng 12 năm ngoái đã làm cho hơn 1 triệu người ở quốc gia non trẻ này phải bỏ nhà cửa đi lánh nạn. Nhiều người chưa dám hồi hương vì tình hình an ninh vẫn còn bất ổn.

Bạo động bùng ra hồi tháng 12 năm ngoái đã làm cho hơn 1 triệu người ở Nam Sudan phải bỏ nhà cửa đi lánh nạn.
Bạo động bùng ra hồi tháng 12 năm ngoái đã làm cho hơn 1 triệu người ở Nam Sudan phải bỏ nhà cửa đi lánh nạn.

Ông Nhial Tiitmamer, một nhà phân tích chính sách của Viện Sudd ở Nam Sudan, cho biết dân chúng đã bắt đầu mất kiên nhẫn.

Ông Tiitmamer nói: "Dân chúng đang phải chịu đựng nhiều sự khổ cực ở các trại tản cư. Nhiều người cũng đang khổ sở tại các trại tị nạn trong lúc họ trông mong cho tới ngày hồi hương. Đó là lý do tại sao dân chúng cảm thấy bất mãn."

Trọng tâm của cuộc xung đột này là một vụ tranh chấp chính trị giữa Tổng thống Salva Kiir và người từng làm phó cho ông là ông Riek Machar. Vụ tranh chấp này đã làm cho quân đội bị chia thành nhiều phe nhóm và làm phát sinh những vụ giao tranh giữa các sắc dân, giết chết hơn 10,000 người.

Tuy tình hình ở Nam Sudan tương đối yên tĩnh kể từ khi mùa mưa bắt đầu hồi tháng 5, các giới chức an ninh và cứu trợ cảnh báo rằng giao tranh có thể tái diễn vào mùa khô sắp tới, tạo thêm nhiều áp lực cho những cộng đồng dân cư dễ bị tổn thương giữa hai lằn đạn.

Hồi tuần trước, các tổ chức cứu trợ cảnh báo rằng hơn một triệu người có thể bị lâm vào tình trạng cực kỳ đói kém vào đầu năm 2015 nếu tình hình hiện nay không được cải thiện.

Người dân Nam Sudan bắt đầu mất kiên nhẫn.
Người dân Nam Sudan bắt đầu mất kiên nhẫn.

Ông Tiitmamer nói rằng để có được hòa bình, các phe lâm chiến trước hết phải giải quyết những mối bất đồng về mặt chính trị.

Ông Tiitmamer cho biết: "Nếu các chính khách có thể đồng ý là họ sẽ tôn trọng các thỏa thuận thì những người theo họ cũng sẽ ngưng giao tranh. Cho tới giờ việc này vẫn chưa xảy ra, tuy các thỏa thuận ngưng bắn đã được ký kết, bởi vì chưa có được thỏa thuận về các vấn đề chính trị."

Cộng đồng quốc tế cũng đã gia tăng áp lực lên các nhà lãnh đạo chính trị.

Hoa Kỳ đã áp đặt các biện pháp chế tài đối với những giới chức Nam Sudan bị tố cáo là châm dầu cho cuộc khủng hoảng. Washington đang xem xét tới việc áp đặt thêm những sự trừng phạt.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG