Đường dẫn truy cập

Hàn Quốc thúc đẩy hợp tác với Triều Tiên dù bị khước từ


Tổng thống Moon Jae-in phát biểu trong cuộc họp báo Năm Mới tại Dinh Ngói Xanh ở Seoul ngày 14/1/2020.
Tổng thống Moon Jae-in phát biểu trong cuộc họp báo Năm Mới tại Dinh Ngói Xanh ở Seoul ngày 14/1/2020.

Đây là một bước tương đối khiêm nhường: Hàn Quốc chuyển lời chúc mừng sinh nhật của Tổng thống Mỹ Donald Trump đến nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un, người tròn 36 tuổi vào tuần trước.

Ngay cả khi việc này không đưa đến đột phá trong những cuộc thương thuyết Mỹ-Triều đã bị ngưng trệ trong nhiều tháng, quyết định của Hàn Quốc chuyển thông điệp có thể giúp cải thiện các cuộc thảo luận chưa chết hẳn và có thể làm sống lại vai trò trung gian hòa giải của Seoul.

Tuy nhiên việc này không thành công như dự tính. Bộ trưởng ngoại giao Triều Tiên ngày 11/1 nói đã nhận được thông điệp sinh nhật nhưng chỉ trích nỗ lực “ngạo mạn” “xen vào quan hệ cá nhân” giữa ông Kim và ông Trump.

Tuyên bố do nhà ngoại giao cao cấp Kim Kye Gwan đưa ra, chế nhạo Hàn Quốc là vẫn bám víu vào “hy vọng hão huyền đóng vai trò ‘trung gian hòa giải’”

Bị chế nhạo, bị làm ngơ

Đây là loại kịch bản được lặp đi lặp lại trong năm qua, khi Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in làm hòa với miền Bắc nhưng bị làm ngơ và tệ nhất là bị các giới chức Triều Tiên hạ nhục.

Đây là một thất vọng não nề đối với Tổng thống Moon mà việc giao dịch với ông Kim đã giúp cho con đường tiến tới cuộc họp thượng đỉnh Trump-Kim lần thứ nhất vào tháng 6 năm 2018 được êm xuôi.

“Tôi nghĩ chính phủ ông Moon hành động một cách tuyệt vọng để cứu chính sách đối thoại hòa bình của ông, được xem như di sản của ông. Di sản này hiện nay bị phá sản,” ông Ho Chiew-ping, một chuyên gia về Triều Tiên có trụ sở tại Malaysia nói.

Ông Moon và ông Kim đã họp thượng đỉnh 3 lần trong năm 2018, đồng ý một loạt các dự án hợp tác kinh tế và quân sự mà ông Moon hy vọng có thể xây dựng lòng tin và cuối cùng trở thành giai đoạn đầu tiên của tiến trình lâu dài tái thống nhất hai bên Triều Tiên.

Tuy nhiên ông Moon không thể thi hành hầu hết các thỏa thuận này phần lớn là vì những chế tài của Hoa Kỳ và Liên hiệp quốc áp đặt lên Triều Tiên vì chương trình vũ khí hạt nhân của nước này.

Với những cuộc thương thuyết hạt nhân chựng lại, Triều Tiên chỉ trích Hàn Quốc không muốn tiến tới, cáo buộc Seoul đặt ưu tiên vào các quan hệ với Washington hơn là với Bình Nhưỡng.

Liệu ông Moon vẫn tiến tới dù có những chế tài như vậy?

Trước cuộc bầu cử quốc hội Hàn Quốc vào tháng 4 năm nay, có những dấu hiệu cho thấy ông Moon có thể tiến tới đối với một phần của thỏa thuận liên Triều.

Trong cuộc họp báo Năm Mới hàng năm, ngày 14/1, ông Moon gợi ý là Hàn Quốc có thể nỗ lực tái tục các chuyến du lịch cá nhân đến miền Bắc, ngay cả khi những chế tài quốc tế vẫn còn nguyên.

Trong một bài diễn văn tuần trước, ông Moon cũng thúc đẩy chính phủ của ông làm việc để tái tục những dự án chung tại Khu Phức hợp Công nghiệp Kaesong và khu nghỉ dưỡng Núi Kim Cương.

Những chế tài quốc tế không cấm du lịch đến Triều Tiên. Tuy nhiên một số chế tài cấm thành lập liên doanh và những dự án đầu tư khác, tạo thành một vùng pháp lý xám nơi Washington có thể sử dụng quyền chuyên quyết, ông Henry Feron, một nhà nghiên cứu tại Trung tâm Chính sách Quốc tế có trụ sở tại Washington nói.

Để đáp trả những nhận định mới đây của chính quyền ông Moon, một phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ nói với Ban tiếng Hàn của Đài VOA tuần qua là tất cả các thành viên Liên hiệp quốc bị buộc phải thi hành các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc, “và chúng tôi hy vọng tất cả các nước đều tiếp tục làm như vậy.”

“Hoa Kỳ và Hàn Quốc hợp tác chặt chẽ trong nỗ lực của chúng ta liên hệ đến Triều Tiên, và chúng ta cùng nhau làm việc để bảo đảm những chế tài của Liên hiệp quốc được thi hành hoàn toàn,” phát ngôn viên này cho biết.

Áp lực trong nước

Có một lý do có thể khiến ông Moon mất kiên nhẫn: chính trị trong nước.

Trong những tuần gần đây, các lực lượng thân và chống giao dịch với Triều Tiên tại Hàn Quốc đã thúc đẩy ông Moon thay đổi việc tiếp xúc với Triều Tiên.

Các thành phần bảo thủ thường có thái độ cứng rắn đối với Triều Tiên cũng gia tăng lên tiếng.

Một bài xã luận trong tuần này của tờ báo bảo thủ Chosun Ilbo viết “Thật bối rối và đau lòng khi thấy ông Moon cầu khẩn ông Kim tỏ chỉ dấu công nhận.”

“Có bao nhiêu lần Triều Tiên sẽ nhổ vào mặt Tổng thống Moon Jae-in khi ông nỗ lực nhận lại vai trò tự bổ nhiệm là một nhà trung gian hòa giải trước khi nhận được thông điệp? Nhiều người đã không đếm được có bao nhiêu lời bác bỏ và lăng nhục,” tờ báo viết tiếp.

Tỉ lệ được chấp nhận không thay đổi

Tuy nhiên vẫn còn có những ủng hộ rộng rãi đối với việc ông Moon tiếp cận Triều Tiên, những cuộc thăm dò dư luận cho thấy.

Theo một cuộc thăm dò được công bố tuần trước, 28% người Hàn quốc ủng hộ chính sách về Triều Tiên của ông Moon, trong khi 25% nói họ ủng hộ thậm chí là một chính sách hoà giải nhiều hơn. Chỉ có 36% nói họ muốn có những biện pháp khắc nghiệt hơn, theo như Realmeter, một công ty thăm dò Hàn Quốc cho biết.

Tỉ lệ ủng hộ ông Moon đã giảm xuống từ 80% (thời điểm sau cuộc gặp đầu tiên với ông Kim) còn trên 40%.

Với một nền kinh tế xuống dốc, những cuộc bầu cử sắp tới, và những tranh cãi chung quanh vụ bê bối của Bộ trưởng Tư pháp bị buộc phải từ chức, ông Moon có thể phải thúc đẩy tiến bộ chẳng hạn như cải thiện các quan hệ liên Triều.

Ông Moon lạc quan

Dù bị Triều Tiên lăng mạ và khước từ, ông Moon vẫn lạc quan viện dẫn bất cứ những cuộc thương thuyết nào đang diễn ra, ngay cả khi đó chỉ là thông điệp chúc mừng sinh nhật vui vẻ.

“Triều Tiên nhận được thư chúc mừng sinh nhật và trả lời ngay,” ông Moon nói ngày 15/1. “Dù rằng có điều kiện nhưng rõ ràng cửa thương thuyết chưa đóng.”

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG