Đường dẫn truy cập

Giao tranh mới giữa chính phủ và phiến quân M23 ở Congo


Đụng độ xảy ra chung quanh Kimbumba, cách thành phố Goma 15 kilomet về phía bắc
Đụng độ xảy ra chung quanh Kimbumba, cách thành phố Goma 15 kilomet về phía bắc
Các cuộc giao tranh mới đã nổ ra hôm thứ Sáu giữa chính phủ và phiến quân tại Cộng Hòa Dân chủ Congo, chỉ vài ngày sau khi cuộc hòa đàm được tạm ngưng.

Phái bộ Liên Hiệp Quốc tại Congo phúc trình rằng các bên đã đụng độ chung quanh Kimbumba, cách thành phố Goma 15 kilomet về phía bắc. Phúc trình nói rằng súng cối và súng máy đã được sử dụng, và khoảng 5 000 thường dân đã băng qua biên giới vào Rwanda để lánh cuộc giao tranh.

Tại Liên Hiệp Quốc, Đại sứ Rwanda, ông Eugene Gasana, nói rằng một quả đạn trong cuộc xáo trộn này đã rơi xuống bên trong Rwanda.

Trong một cuộc phỏng vấn dành cho đài VOA, ông nói rằng nước ông sẽ không tiếp tục dung thứ cuộc xáo trộn dọc theo biên giới này.

Ông Gasana cho biết, ông đã hỏi họ rằng “cho tới nay bất cứ ai làm chuyện đó chúng tôi sẽ không để họ tiếp tục. Chúng tôi đã cảnh cáo họ là phải tránh xa biên giớicủa chúng tôi, đừng tới pháo kích tại Rwanda, nếu không chúng tôi sẽ phản ứng ngay lập tức.”

Quân đội Congo và tổ chức phiến quân M23 tố cáo lẫn nhau là mở các cuộc tấn công trước.

Tin cho hay, các binh sĩ trong phái bộ Liên Hiệp Quốc, thường được gọi là MONUSCO, đã đứng chờ để sẵn sàng can thiệp nếu cần. Phát ngôn nhân Liên Hiệp Quốc, ông Martin Nesirky, nói rằng, MONUSCO đã thực hiện cuộc trinh sát trên không ở khu vực này.

Cuộc hòa đàm cấp cao tại Uganda giữa chính phủ và M23 đã đổ vỡ hôm thứ Hai khi các bên không đạt được một thỏa thuận về ân xá cho các phiến quân và sự tái hội nhập của họ vào quân đội chính phủ.

M23 bao gồm các phiến quân đã đã gia nhập quân đội Congo trong hòa ước năm 2009 nhưng sau đó đã đào ngũ, và nói rằng họ bị đối xử tệ hại và chính phủ không tôn trọng hòa ước.

Năm ngoái, tổ chức này đã chiếm lãnh thổ trong tỉnh North Kivu và chiếm thủ phủ của tỉnh Goma một thời gian ngắn.

North Kivu và các tỉnh lân cận đã phải chịu nhiều năm giao tranh giữa chính phủ và nhiều nhóm dân quân cũng như phiến quân khác nhau. Hầu hết các cuộc giao tranh đều liên quan tới việc kiểm soát khu vực hầm mỏ phong phú này.

Các chuyên gia Liên Hiệp Quốc đã tố cáo Rwanda và Uganda trong việc hậu thuẫn cho M23, một cáo buộc mà cả hai nước đều phủ nhận.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG