Đường dẫn truy cập

Evan Lutz: Tác động xã hội từ thực phẩm lãng phí 


Evan
please wait
Embed

No media source currently available

0:00 0:00:41 0:00

Evan Lutz là giám đốc điều hành và sáng lập viên của Hungry Harvest, một doanh nghiệp chuyên thu thập và bán các sản phẩm rau quả ‘không bắt mắt’.

Mỗi năm, hàng tỷ kí lô sản phẩm rau quả tươi bị lãng phí tại Hoa Kỳ. Những thực phẩm này cuối cùng được đưa tới những bãi rác, gây ra các loại khí nhà kính độc hại. Trong khi đó, hàng triệu người Mỹ thiếu ăn, không có được những bữa cơm lành mạnh, vừa túi tiền.

Anh Evan Lutz ôm ấp ý tưởng thay đổi thực trạng bất công xã hội này. Và ông kết hợp mục tiêu đó với một niềm đam mê kinh doanh.

“Cả đời tôi mong muốn trở thành một doanh nhân xã hội, không chỉ khởi sự doanh nghiệp làm ra tiền mà còn là để cống hiến lại cho xã hội. Tôi chỉ là một người bình thường với một niềm đam mê đi tới, hướng tới việc làm sao để không còn thực phẩm nào bị lãng phí và không còn người nào thiếu ăn ở Mỹ, và tôi muốn làm điều đó thông qua công việc kinh doanh.”

Lutz là giám đốc điều hành và sáng lập viên của Hungry Harvest, một doanh nghiệp chuyên thu thập và bán các sản phẩm rau quả ‘không bắt mắt’. Đó là những loại rau trái mà hầu hết các công ty kinh doanh thực phẩm sẽ vứt bỏ. Anh cho biết trên 3 tỷ kg rau củ quả bị lãng phí hằng năm vì bên ngoài trông không tươi ngon hay bị lỗi trong khâu xử lý.

“Tôi ví dụ, bạn vào cửa hàng rau quả, đi dọc các quầy hàng nhìn thấy các sản phẩm sáng bóng, hoàn hảo, cùng kích cỡ và màu sắc. Chắc bạn cũng lưu ý rằng nếu bạn tới nhà vườn, mọi thứ rau trái đâu phải phát triển y chang như nhau trong khi mọi thứ trong cửa hàng rau quả lại nhìn đẹp đều như thế. Những rau trái nào không đẹp mắt thường bị bỏ đi phí phạm. Cho nên, chúng tôi thu gom tất cả những rau quả bị loại bỏ vì quá to hay quá nhỏ, hay vì hình dạng khác biệt, chúng tôi đóng thùng và phân phối tới khách hàng mỗi tuần một lần.”

Anh Lutz thành lập công ty Hungry Harvest vào năm 2014. Thành công của công ty nhờ vào tinh thần làm việc tập thể.

“Mỗi tuần vào thứ hai hoặc thứ ba, chúng tôi sẽ quyết định các loại rau quả nào sẽ được đóng thùng vào tuần tới. Chúng tôi gọi điện cho các nhà nông, làm việc với các xưởng đóng gói và những nhà bán sỉ, hoặc gọi điện hoặc gửi email hay tới tận nơi để xem họ có những sản phẩm gì bị loại ra trong tuần. Rồi chúng tôi đặt hàng khi chúng tôi có thể dự đoán chính xác số khách hàng và số thùng hàng cuối tuần sẽ giao. Những khâu này được xử lý vào thứ năm hàng tuần. Tới thứ sáu, chúng tôi sẽ đóng thùng để ra hàng vào thứ bảy. Thứ bảy chúng tôi đóng thùng để ra hàng cho chủ nhật. Chủ nhật lại đóng thùng cho thứ hai. Thứ bảy, chúng tôi cho tài xế tới nhà kho và đem hàng đi giao.”

Cứ mỗi đơn đặt hàng và giao hàng, công ty Hungry Harvest lại tặng thực phẩm lành mạnh cho người nghèo. Tới nay, công ty đã phục hồi sử dụng 150.000 kg sản phẩm hoa quả và cung cấp 50.000 kg rau quả cho người nghèo.

Anh Lutz bắt tay vào hành động sau khi chứng kiến những cảnh nghèo cùng cực ở các khu vực thuộc Baltimore, bang Maryland. Anh nói anh muốn xóa bỏ hình ảnh ‘sa mạc thực phẩm’ tại đây.

“Kế hoạch của chúng tôi trong năm 2016 thật ra là loại bỏ sa mạc thực phẩm ở Baltimore. Thực hiện bằng cách nào: chúng tôi đã đã có sẵn cơ sở hạ tầng. Chúng tôi có tài xế giao hàng cho khách mỗi tuần. Chúng tôi có một dây chuyền đóng gói và chúng tôi có thể dùng những chiếc thùng đã qua sử dụng. Thực sự những gì chúng tôi muốn làm là giúp cư dân nhiều vùng ở Baltimore tiếp cận được với rau quả thực phẩm với giá rất rẻ. Chúng tôi sẽ nhận các phiếu hỗ trợ người nghèo như EBIT hay WIC hay tem phiếu thực phẩm vào cuối năm nay để người nghèo có thể sống được trong các sa mạc thực phẩm này, có thể lên mạng trả tiền cho các thùng thực phẩm giảm giá. Rồi chúng tôi sẽ có những tình nguyện viên đóng thùng, giao thùng cho chúng tôi. Đó là cách hạn chế sa mạc thực phẩm và giúp mọi người tiếp cận thực phẩm lành mạnh giá rẻ.”

Vào tháng Giêng năm 2016, Lutz xuất hiện trên chương trình truyền hình cạnh tranh kinh doanh “Shark Tank” của Mỹ, chương trình kết nối giới đầu tư với các doanh nhân. Lúc đó, anh Lutz muốn tìm 50.000 đô la đầu tư cho Hungry Harvest, đổi với 5% cổ phần trong công ty anh. Anh đã kiếm được nhiều hơn mong đợi: 100.000 đô la, đổi lấy 10% cổ phần công ty.

Anh dùng khoản tiền khuyếch trương kinh doanh. Giờ đây, người tiêu dùng ở Maryland, Virginia, Philadelphia và thủ đô Washington DC đều có thể nhận hàng từ công ty Hungry Harvest.

“Chúng tôi muốn trở thành dịch vụ giao rau quả lớn nhất tại miền Đông Hoa Kỳ trong 5 năm tới và lớn nhất Hoa Kỳ trong 10 năm tới. Chúng tôi muốn thực hiện điều đó với mục đích giảm thiểu lượng thực phẩm bị lãng phí và hỗ trợ các gia đình thiếu ăn. Như tôi đã nói, mỗi năm có 3 tỷ kg rau quả bị lãng phí. Giảm 500.000 kg rau quả bị vứt bỏ đó, đưa tới khách hàng, và quyên tặng cho các gia đình nghèo thì tuyệt vời biết bao. Hay giả sử có 50 triệu người không có an ninh lương thực, nếu chúng ta giảm được số này xuống còn phân nửa trong 10 năm tới thì hay biết mấy. Đó là tác động mà mô hình này có thể tạo ra, cũng là điều mà chúng tôi dự tính thực hiện trong thập niên tới.”

Đối với Evan Lutz, cống hiến lại cho xã hội là điều anh đã được dạy dỗ từ nhỏ.

“Khi tôi trưởng thành, cha mẹ tôi gieo trong tôi những giá trị của sự cống hiến, cho có ý nghĩa mạnh mẽ hơn rất nhiều so với nhận. Vì thế, tôi muốn vận dụng điều đó vào cuộc sống khi hoàn thành giấc mơ trở thành một doanh nhân.”

Anh Lutz nói công ty Hungry Harvest đã biến hy vọng thành hiện thực.

“Tôi yêu thích những gì tôi làm. Đó là một giấc mơ trở thành hiện thực.”

Nhưng Evan Lutz giờ đây ấp ủ những giấc mơ to lớn hơn cho Hungry Harvest. Tại sao chúng ta không kết thúc lãng phí thực phẩm và tình trạng đói kém ở Mỹ?

“Chúng tôi bán rau quả với mục đích không chỉ là giảm bớt lượng thực phẩm bị lãng phí. Không chỉ là chúng tôi cống hiến lại cho cộng đồng bằng cách quyên tặng và cứu đói. Không chỉ là chúng tôi thuê mướn những người muốn làm lại cuộc đời, những người từng bị tù tội, từng bị thương tật hay đau ốm, từng sống trong những nhà nuôi dưỡng người vô gia cư. Họ thật sự muốn làm lại cuộc đời, tìm kiếm một cơ hội thứ nhì trong cuộc sống.”

“Chúng tôi sống với câu chú niệm rằng... chúng tôi muốn sống một cuộc sống có mục đích. Và chúng tôi làm điều đó, bán rau quả là một sự lựa chọn ngẫu nhiên. Tất cả mọi thứ chúng tôi làm trong Hungry Harvest đều có mục đích xã hội, có tác động xã hội. Điều đó phản ánh trong cách chúng tôi sống cuộc sống hàng ngày. Và chúng tôi thực sự hạnh phúc khi được hoàn thành sứ mệnh lớn lao, có thể làm điều gì đó thực sự bền vững mà chúng tôi cho là có thể thực sự cách mạng hóa ngành công nghiệp thực phẩm ở Mỹ.”

VOA Express

XS
SM
MD
LG