Đường dẫn truy cập

Tây Ban Nha: Việc cứu nguy ngân hàng tăng áp lực lên chính phủ


Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy nói việc nắm quyền kiểm soát ngân hàng Bankia không buộc chính phủ phải mưu tìm biện pháp cứu nguy của các nước Châu Âu
Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy nói việc nắm quyền kiểm soát ngân hàng Bankia không buộc chính phủ phải mưu tìm biện pháp cứu nguy của các nước Châu Âu

Áp lực kinh tế tăng cao tại Tây Ban Nha sau khi chính phủ nắm quyền kiểm soát ngân hàng lớn hàng thứ ba của nước này với 24 tỉ đô la cứu nguy để giải quyết những khoản nợ xấu trong ngành địa ốc.

Hôm thứ Hai, Thủ Tướng Mariano Rajoy cho hay việc nắm quyền kiểm soát ngân hàng Bankia của chính phủ nợ nần chồng chất không bắt buộc chính phủ Tây Ban Nha mưu tìm biện pháp cứu nguy của các nước láng giềng Châu Âu.

Với hơn 40 tỉ đô la nợ xấu, Bankia là một trong số các định chế tài chánh Tây Ban Nha bị khủng hoảng nặng nhất trong vụ sụp đổ thị trường nhà đất của nước này mặc dầu một số nhà phân tích nói rằng có thể sẽ cần tới 37 tỉ đôla nữa trong khoản trợ giúp của chính phủ để chống đỡ cho các ngân hàng khác.

Không rõ ngân khoản cứu nguy sẽ được trả bằng cách nào. Một kinh tế gia kỳ cựu làm việc với ngân hàng Anh Standard Chartered, bà Sarah Hewin, nói rằng, quỹ cứu nguy của khối các nước sử dụng đồng euro có thể cung cấp những ngân khoản này.

Một số người Tây Ban Nha, trong đó có ông Javier Casas, một giới chức điều khiển ngành tư pháp, đã lên tiếng bày tỏ tức giận về ý tưởng họ phải chịu trách nhiệm cho những sai lầm của ngân hàng.

Với cuộc khủng hoảng ngân hàng Tây Ban Nha ngày càng gia tăng, các nhà đầu tư bày tỏ mối quan tâm mới về các công khố phiếu do chính phủ Madrid bán ra.

Lãi suất công khố phiếu Tây Ban Nha tăng lên, cao hơn 5% so với những công khố phiếu của Đức bán ra. Đây là khoảng cách lãi suất cao nhất giữa hai nước trong lịch sử 13 năm của chỉ tệ euro.

Trong khi đó, những lo ngại về thị trường tài chánh đã dịu bớt tại Hy Lạp hôm thứ Hai, khi các cuộc thăm dò chính trị được công bố cuối tuần qua cho thấy sự ủng hộ mới cho Đảng Tân Dân Chủ có khuynh hướng bảo thủ.

Đảng này ủng hộ việc theo sát kế hoạch khắc khổ mà chính phủ Hy Lạp đã thoả thuận hồi trước đây trong năm để đổi lấy khoản tiền cứu nguy thứ nhì của quốc tế trong vòng hai năm.

Sau cuộc bầu cử với kết quả manh mún không đảng nào đạt được đa số rõ rệt hồi đầu tháng này, các các đảng chính trị với nhiều phe phái của Hy Lạp đã không thể thành lập một chính phủ liên hiệp mới và một cuộc bầu cử mới được định vào giữa tháng Sáu.

Cử tri có khuynh hướng ngả sang đảng Syriza cánh tả, một chính đảng đòi bác bỏ việc cắt giảm mạnh chi tiêu. Nếu phe bảo thủ chiếm đủ ghế trong cuộc bầu cử quốc hội, họ có khả năng thành lập một chính phủ liên hiệp với phe xã hội, những người cũng có khuynh hướng chấp nhận điều kiện của các biện pháp cứu nguy.


Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG