Đường dẫn truy cập

Các chuyến bay bị hủy bỏ gần 1 tuần gây nhiều hậu quả kinh tế


Việc đóng cửa không phận vùng Anh quốc, bắc Châu Âu và Scandinavia đang gây các hậu quả kinh tế trên khắp thế giới. Việc chuyên chở hàng hóa bị đình trệ, hàng trăm ngàn hành khách bị kẹt và công nghiệp hàng không hứng chịu một cú đánh mạnh. Từ London, thông tín viên VOA Jennifer Glasse gửi về bài tường thuật sau đây.

Gần 100,000 chuyến bay đã bị hủy bỏ hay chậm trễ khi đám tro bụi núi lửa buộc phải đóng cửa không phận châu Âu. Hiệp hội Hàng không Quốc tế cho biết cuộc khủng hoảng đã gây thiệt hại cho các hãng hàng không hơn 1,7 tỷ đôla và đang làm tiêu hủy một công nghiệp vốn đã gặp nhiều khó khăn.

Trưởng ban quản trị hãng British Airways, ông Willie Walsh nói rằng công ty của ông đã thất thu từ 20 đến 30 triệu đôla mỗi ngày.

Ông Walsh cho biết: “Cá nhân tôi cho rằng lẽ ra chúng ta đã có thể tiếp tục hoạt động một cách an toàn trong một thời gian. Tôi nghĩ đã có những lúc không thể biện minh cho quyết định đóng cửa không phận.”

Ông Walsh cho rằng bãi bỏ tất cả mọi thứ là không cần thiết.

Ông Walsh nói: “Ngay từ đầu tôi đã có chủ trương là việc đóng cửa toàn bộ không phận là không cần thiết.”

Ông Walsh nói rằng sau những vụ chậm trễ và bãi bỏ chưa từng có từ trước đến nay, sẽ vẫn còn có những rắc rối trong việc du hành bằng đường hàng không.

Ông Wash nói tiếp: “Tôi nghĩ rằng trở lại mức hoạt động bình thường, nhìn theo quan điểm công nghiệp, sẽ phải mất nhiều tuần lễ.”

Khoảng 20% thu nhập của các hãng hàng không xuất phát từ việc chuyên chở hàng hóa.

Giám đốc điều hành công ty tiếp vận Aramex, ông Jim Armour nói rằng việc đóng cửa không phận đã làm công ty của ông mất đi khoảng 1 phần tư thu nhập hàng ngày. Vấn đề thực sự là tình trạng bất định.

Ông Armour nói: “Nếu có người nói là tình trạng này sẽ kéo dài ít nhất 2 tuần lễ giống như một cuộc đình công thì ta có thể định các kế hoạch, có thể nghĩ đến việc làm gì với nhân viên của mình. Tôi nghĩ mối quan ngại thực sự là điều mà mình không biết được.”

Ông Armour nói rằng các hậu quả không phải chỉ là về kinh tế.

Ông Armour nói thêm: “Các hậu quả khủng khiếp, tỷ như chuyển các lượng máu cấp thiết, hay các quả thận để ghép cho người bệnh, đấy là một số hậu quả kinh hồn ngoài các hậu quả kinh tế.”

Những người trồng hoa ở Kenya và Israel đã phải phá hủy hàng tấn hoa hồng và các loại hoa khác đã bị héo úa không còn có giá trị kinh tế nữa. Giới sản xuất rau quả cũng mất các hoa mầu không thể đưa đến châu Âu. Bà Jo Tanner, thuộc hiệp hội Vận tải Anh quốc nói rằng có rất nhiều thiệt hại chưa được kể ra.

Bà Tanner nói: “Tác động về kinh tế thực sự khó mà đánh giá vào giai đoạn này, bởi vì chúng ta không biết có thể cứu vớt được bao nhiêu, và đã phải tốn kém thêm bao nhiêu trong kế hoạch khẩn cấp, vì thế di chuyển hàng hóa đến các trung tâm đặc biệt nào đó bằng đường hàng không, rồi sau đó lại phải tiếp tục hành trình bằng đường bộ, đường hỏa xa hay đường biển.”

Các hãng hàng không đang yêu cầu các chính phủ ở châu Âu bồi thường tài chính và hậu cần để giúp làm nhẹ bớt các lỗ lã của họ. Nhiều cơ sở kinh doanh sẽ không có được cơ hội như thế và có thể phải mất một thời gian trước khi biết được hậu quả toàn bộ về kinh tế do đám mây tro núi lửa gây ra.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG