Đường dẫn truy cập

Doanh nghiệp Việt Nam không thoát khỏi văn hóa 'bôi trơn'


Tăng trưởng của ngành dệt may giảm mạnh từ 20%/ năm ngoái xuống còn khoảng 3-4%/ năm nay. Theo tiến sĩ Doanh, ngoài chi phí vận chuyển tăng cao, chi phí ngoài pháp luật đóng vai trò lớn trong việc cản trở đà tăng trưởng.
Tăng trưởng của ngành dệt may giảm mạnh từ 20%/ năm ngoái xuống còn khoảng 3-4%/ năm nay. Theo tiến sĩ Doanh, ngoài chi phí vận chuyển tăng cao, chi phí ngoài pháp luật đóng vai trò lớn trong việc cản trở đà tăng trưởng.

Gần một nửa số doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam cho biết phải hối lộ khi tiếp xúc với các cơ quan nhà nước.

Theo kết quả điều tra doanh nghiệp nhỏ và vừa do Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) công bố gần đây cho thấy trong năm 2015, gần phân nửa các doanh nghiệp này bị buộc phải trả các khoản chi phí không chính thức để “bôi trơn” việc kinh doanh của họ.

Báo cáo “Các đặc điểm của môi trường kinh doanh Việt Nam: Bằng chứng từ một cuộc khảo sát của CIEM năm 2015” được phổ biến hôm 10/11 cho thấy mặc dù môi trường kinh doanh của Việt Nam có tiến bộ nhưng các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) vẫn bị sức ép phải hối lộ các cơ quan nhà nước để công việc kinh doanh được thuận lợi.

Nguyên viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương Lê Đăng Doanh nói với VOA Việt Ngữ rằng các điều tra cho thấy “tình hình chi phí ngoài pháp luật vẫn đang diễn biến rất phức tạp và chưa có chỉ dấu nào đáng tin cậy để cho thấy tình trạng đó đã có giảm bớt.”

Với số lượng gần 43% DNNVV ở Việt Nam phải chi những khoản tiền “không chính thức” vào năm 2015, điều tra cho thấy con số này không khác mấy so với 44,6% trong năm 2013 cũng do CIEM công bố.

Theo CIEM, các doanh nghiệp Việt Nam phải trả hối lộ nói các khoản phí này cho phép họ tiếp cận được với các dịch vụ công và có được các giấp phép cũng như đối phó với các cơ quan thuế và hải quan. Tiến sĩ kinh tế Lê Đăng Doanh nói các doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn lớn nếu không “bôi trơn.” Tiến sĩ Doanh cho biết:

"Ví dụ nếu anh không bôi trơn thì container của anh ở cảng sẽ không di chuyển mặc dù có thể có cần cẩu bởi vì những nhân viên của các cơ quan nào đấy sẽ không xử lý vấn đề và container hay xe hàng hóa của anh sẽ không di chuyển được. Vì vậy các doanh nghiệp buộc phải chi hoặc phải ngoan ngoãn chi mặc dù các khoản chi đó của họ là rất lớn và (điều này) hiện nay đang gây sức ép rất là nghiêm trọng tới năng lực cạnh tranh của Việt Nam."

Điều này thể hiện rõ nhất trong ngành dệt may khi tăng trưởng giảm mạnh từ 20%/ năm ngoái xuống còn khoảng 3-4%/ năm nay. Theo tiến sĩ Doanh, ngoài chi phí vận chuyển tăng cao, chi phí ngoài pháp luật đóng vai trò lớn trong việc cản trở đà tăng trưởng.

Theo điều tra của Ngân hàng Thế giới, để kiếm được 1 đồng lợi nhuận, các doanh nghiệp Việt Nam phải chi ngoài pháp luật – hay nói cách khác, là “đút lót” – từ 0,72 đồng tới 1,02 đồng.

Điều tra của CIEM kết luận rằng mặc dù không có những sự thay đổi nào đáng kể trong việc chi trả hối lộ trong các DNNVV ở Việt Nam nhưng rõ ràng là các doanh nghiệp phải trả các khoản phí này không đạt được mức độ tăng trưởng cao hơn những doanh nghiệp không chi trả các khoản phí đó.

Trong bảng xếp hạng Trace Matrix – một tổ chức theo dõi nạn hối lộ có trụ sở tại Mỹ - Việt Nam là 1 trong 10 quốc gia có chỉ số rủi ro hối lộ cao nhất thế giới. Trace International xếp hạng Việt Nam đứng thứ 188/197 nước được điều tra về nạn hối lộ trên thế giới năm 2014. Bảng xếp hạng về chỉ số tham nhũng của Trace International cũng cho thấy Việt Nam nằm trong thứ hạng rất thấp ở châu Á về chống tham nhũng, với chỉ số 31 – dưới mức trung bình 41,8.

Việt Nam đã ban hành luật phòng chống tham nhũng trong hơn 10 năm qua và gần đây có sửa đổi nhưng theo nhận xét của tiến sĩ Doanh tác động của luật này rất hạn chế:

"Chính phủ đã tuyên bố xây dựng một nhà nước kiến tạo, một chính phủ liêm chính và chống tham nhũng. Tuy việc việc đó, dù là được tuyên bố bởi thủ tướng chính phủ, nhưng có lẽ không phải được thực hiện một cách dễ dàng bởi vì nếu thực hiện như vậy thì các quan chức sẽ mất các khoản thu nhập ngoài pháp luật của họ và các khoản thu nhập đó là rất lớn."

Tiến sĩ Doanh cũng cho VOA Việt Ngữ biết rằng các doanh nghiệp thường “than rằng cứ sau 5 năm khi có 1 chính phủ mới ở các tỉnh và địa phương thì lại có một chính sách mới và lại gặp những khó khăn và những vấn đề mới.”

Theo khảo sát của viện Quản lý Kinh tế Trung ương CIEM, các doanh nghiệp nói rằng lượng tiền hối lộ mà họ bị buộc phải nộp sẽ tiếp tục tăng cao trong tương lai. Hơn 2.600 doanh nghiệp vừa và nhỏ ngoài quốc doanh ở 10 tỉnh và thành phố, bao gồm cả Hà Nội, Hải Phòng và thành phố Hồ Chí Minh được phỏng vấn cho cuộc khảo sát này.

VOA Express

XS
SM
MD
LG