Đường dẫn truy cập

Doanh nghiệp không hy vọng nhiều về việc bỏ 'giấy phép con'


Công nhân làm việc tại xưởng sản xuất của công ty Đông Anh ở Hà Nội ngày 9/9/2015. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam không hy vọng nhiều về việc loại bỏ các "giấy phép con" vào ngày 7/1/2016.
Công nhân làm việc tại xưởng sản xuất của công ty Đông Anh ở Hà Nội ngày 9/9/2015. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam không hy vọng nhiều về việc loại bỏ các "giấy phép con" vào ngày 7/1/2016.

Theo Luật Đầu tư của Việt Nam, từ ngày 1/7 tới, các điều kiện kinh doanh phải nằm trong các nghị định do chính phủ ban hành, thay vì nằm trong các thông tư của các bộ. Trong 2 ngày vừa qua, chính phủ Việt Nam và các nhóm đại diện cho doanh nghiệp đã đối chất về việc có loại bỏ phần lớn các điều kiện đó đi hay không. Tuy nhiên, giới doanh nghiệp cho rằng thời hạn chót quá cận kề và không hy vọng nhiều về việc loại bỏ.

Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), hiện nay, có tới hơn 6.500 điều kiện kinh doanh.

Nhiều doanh nghiệp, luật sư cho rằng các điều kiện này là trái luật vì Luật Doanh nghiệp năm 2005 đã quy định rõ rằng “Bộ, cơ quan ngang bộ, hội đồng nhân dân và ủy ban nhân dân các cấp không được quy định về ngành, nghề kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh”.

Song trong hơn 10 năm qua, hàng ngàn điều kiện kinh doanh vẫn được ban hành tại các thông tư cấp bộ, các văn bản của chính quyền địa phương. Trong một hệ thống chính trị và tư pháp như ở Việt Nam, hầu như đã không có vụ kiện tụng nào để thách thức tính pháp lý của các thông tư đó.

Lâu nay, các doanh nghiệp vẫn gọi các điều kiện kinh doanh này là các “giấy phép con” gây cản trở việc khởi nghiệp và kinh doanh.

Ông thủ tướng làm sao có thể nghiên cứu hàng chục cái nghị định đó từng chi tiết một, từng điều kiện một. Thực sự mà có thủ tướng chỉ đạo gắt gao và có thông thoáng thì chúng tôi cũng không hy vọng nhiều về cái việc nâng cấp thông tư lên nghị định mà lại tạo điều kiện cho doanh nghiệp.
Luật sư Trần Vũ Hải.

Ông Trần Vũ Hải, một luật sư đồng thời là chủ một hãng luật, chỉ ra thực trạng:

“Hiện nay người ta đã quy định hàng nghìn điều kiện kinh doanh, như một ma trận. Điều đó có nghĩa rằng rất nhiều người muốn khởi nghiệp hoặc muốn kinh doanh thì họ cũng không biết thế nào là điều kiện phù hợp với mình”.

Bà Dương Thu Hương, cựu Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội, nêu ra ví dụ về một giấy phép con vô lý:

“Bây giờ người ta muốn nhập ô tô, lại bắt có giấy ủy quyền, thì ai người ta ủy quyền? Nói vô lý vô cùng. Trong hệ thống các điều kiện để thành lập doanh nghiệp, không nên để một cái hệ thống nào, một cái điều kiện nào nó vô lý”.

Sau khi Thủ tưởng Nguyễn Xuân Phúc nhậm chức, ông đã khơi ra niềm hy vọng trong giới doanh nghiệp về một môi trường thông thoáng hơn khi ra tuyên bố sẽ kiên quyết cắt bỏ các giấy phép con bất hợp lý nhằm mang lại lợi ích cho số đông. Theo đó, từ ngày 1/7/2016, các điều kiện kinh doanh sẽ không còn là những giấy phép con dưới dạng thông tư của các bộ mà phải là các quy định trong nghị định của chính phủ. Cải cách này nhằm hạn chế việc cấp dưới tự đưa ra các điều kiện kinh doanh gây rắc rối, cản trở môi trường kinh doanh, đầu tư.

Giới doanh nghiệp đánh giá nếu điều này trở thành hiện thực sẽ giúp khơi thông nền kinh tế Việt Nam vốn đã bị nghẽn lại trong mấy năm vừa qua. Trong con mắt giới doanh nghiệp, các giấy phép con tạo ra cơ chế xin-cho, là mảnh đất màu mỡ để nhiều quan chức tham nhũng, trục lợi cá nhân nhân danh nhà nước, nhân danh lợi ích cộng đồng.

Nhưng càng đến gần ngày 1/7, càng có nhiều dấu hiệu các nhóm lợi ích cũng ráo riết vận động, gây sức ép để giữ lại các giấy phép con vì họ không dễ gì từ bỏ cái tạo ra quyền lực cho họ.

Trong hệ thống các điều kiện để thành lập doanh nghiệp, không nên để một cái hệ thống nào, một cái điều kiện nào nó vô lý.
Bà Dương Thu Hương.

Từ góc độ của một doanh nhân, Luật sư Trần Vũ Hải nhận định với VOA rằng “cuộc chiến” của giới doanh nghiệp nhằm loại bỏ giấy phép con không có nhiều hy vọng:

“Trong thực tế các bộ ngành luôn luôn tạo quyền và lợi cho họ, nên họ cũng không dễ dàng nghe theo chỉ thị của thủ tướng đâu. Ông thủ tướng làm sao có thể nghiên cứu hàng chục cái nghị định đó từng chi tiết một, từng điều kiện một. Thực sự mà có thủ tướng chỉ đạo gắt gao và có thông thoáng thì chúng tôi cũng không hy vọng nhiều về cái việc nâng cấp thông tư lên nghị định mà lại tạo điều kiện cho doanh nghiệp”.

Ông Hải cho rằng do từ nay đến ngày 1/7 không còn nhiều, có phần chắc đa số các giấy phép con cũ sẽ được hợp thức hóa trong các nghị định mới. Ông nêu đề xuất rằng thủ tướng Việt Nam cần tiếp tục việc rà soát, loại bỏ các giấy phép con trong thời gian tới chứ không nên dừng lại:

“Chúng tôi cho rằng cái việc này thủ tướng cần kiên nhẫn hơn, và cần phải tuyên bố rằng các nghị định này, cho dù có lên nghị định, nhưng mà trong một năm nữa vẫn kiểm soát gắt gao, và các doanh nghiệp phải có dịp phản biện lại. Thủ tướng đã hứa là hàng năm phải rà soát hết. Vậy năm nay, ông tạm thời ban hành các nghị định. Các bộ ngành vẫn tìm cách nhét các điều kiện vào có lợi cho họ. Nhưng đến năm sau vẫn phải có chương trình nghị sự, phải sửa lại, và dịp đó là để ông phải nhắc nhở, thậm chí là kỷ luật các bộ trưởng đã không chịu nghe các doanh nghiệp, các phản biện của các chuyên gia từ trước”.

Trong con mắt các doanh nhân và giới quan sát, nếu các giấy phép con vẫn tiếp tục tồn tại, nỗ lực của thủ tướng Phúc nhằm cải cách môi trường kinh doanh sẽ khựng lại, sự phát triển của các doanh nghiệp Việt cũng như nền kinh tế nói chung sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn.

Truyền hình vệ tinh VOA 24/6/2016
please wait

No media source currently available

0:00 0:14:30 0:00

VOA Express

XS
SM
MD
LG